.

Nghề sửa chữa điện thoại: Dễ kiếm tiền, lắm "chiêu"

.

Sửa chữa điện thoại là nghề đang thịnh hành. Song, điện thoại là mặt hàng dễ bị “trục trặc kỹ thuật” nên không ít thợ tranh thủ “vặt” tiền khách hàng.

Sửa chữa điện thoại - nghề đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Sửa chữa điện thoại - nghề đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Nghề “hot”

Vài năm trở lại đây, các hãng sản xuất điện thoại liên tục tung ra các sản phẩm mới, kéo theo đó là các cửa hàng, đại lý bán buôn, bán lẻ mọc lên như “nấm sau mưa”. Trong xu thế đó, nhiều cửa hàng nhỏ rất khó cạnh tranh với các nhà bán lẻ lớn. Để tồn tại, các cửa hàng phải vừa bán điện thoại, vừa kiêm “trung tâm” bảo hành, sửa chữa từ A-Z với mức “giá rẻ bất ngờ”, “giá sinh viên”...

Thanh, thợ sửa chữa điện thoại di động tại khu vực Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tiết lộ: “Bán một chiếc điện thoại thì lời mấy mô, chỉ có sửa hoặc thay linh kiện còn kiếm đôi chút. Nghề ni vận dụng sự lanh lẹ sẽ không lo đói. Trung bình một ngày tôi nhận sửa trên chục điện thoại, thu nhập vài trăm ngàn đến hơn triệu đồng. Được cái là nghề ni không phải ra nắng, nhưng ngồi miết cũng đau lưng...”.

Chỉ cần có chút kiến thức về điện tử, sự khéo léo, tỉ mỉ, sửa được những “bệnh” thông thường cho “cục dế” là các thợ yên tâm với nghề. Trên nhiều tuyến đường như: Hoàng Diệu, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Lê Độ, Tôn Đức Thắng, Âu Cơ... đã mọc lên hàng chục tiệm bán và sửa chữa điện thoại. Nhiều thợ mới tầm 18-22 tuổi đã vào nghề chuyên nghiệp. Thợ sửa điện thoại tên Tuấn (20 tuổi, quê Quảng Trị) cho biết: “Học xong THPT, biết sức mình không thi đậu đại học, tôi vào thành phố Hồ Chí Minh học khóa sửa chữa điện thoại 6 tháng với gói học phí 13 triệu đồng. Học xong ra Đà Nẵng, tôi xin làm thợ tại một trung tâm bán điện thoại ở đường Nguyễn Văn Linh với lương cứng 5 triệu đồng/tháng. Nghề sửa chữa điện thoại ít vốn vẫn có thể mở tiệm bởi không cần diện tích lớn và ra mặt tiền, chỉ cần có uy tín thì kiếm sống dễ dàng”.

Nhiều ngón nghề

Chỉ những khách hàng từng lâm vào cảnh điện thoại hư hỏng nhiều lần mới thấy hết nỗi niềm. Nguyễn Thị Hải Vân, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch than thở: “Chiếc điện thoại Samsung tôi vừa mua 3 tháng, không hiểu sao bị tắt nguồn liên tục. Mang ra cửa hàng sửa tốn 50.000 đồng, nhưng dùng được 1 ngày thì lại bị hỏng nguồn. Tôi than phiền thì thợ nói do máy có vấn đề rồi tiếp tục để lại sửa. Sửa xong, họ lấy tiếp 50.000 đồng tiền công và nói cần phải thay loa nên lấy thêm 200.000 đồng”.

Đó là trường hợp khách hàng lấy ngay, còn nếu máy hư hỏng bộ phận quan trọng phải để lại kiểm tra, các thợ thường báo giá và hẹn một vài ngày quay lại. Hiện nay, nhiều trường hợp khách hàng mang máy mới 100% đến sửa không đúng nơi đã bị đánh tráo phụ tùng. Người trong nghề thường to, nhỏ với nhau về ngón nghề “luộc” các bộ phận như: camera, IC đọc thẻ nhớ, kể cả cục rung, chuông, màn hình, pin... Những bộ phận này có giá trị không nhỏ so với chiếc điện thoại. Ví dụ, màn hình có giá trị gần bằng một nửa giá chiếc điện thoại, thẻ nhớ 1GB trở lên giá từ 400.000 - 600.000 đồng (tùy hãng), pin chính hãng có giá từ 200.000 - 350.000 đồng.

Tất nhiên, việc sửa như thế nào và lấy bao nhiều tiền do người sửa đưa ra, nếu khách hàng không hỏi trước sẽ bị mất tiền oan. Người dùng điện thoại, nhất là phụ nữ, thường không hiểu về những trục trặc của sản phẩm, thấy hư hỏng là mang ra cửa hàng. Vì thế, có những chiếc điện thoại chỉ bị sự cố nhẹ nhưng thợ “phán” thế nào hay thế đó.

Chị Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Thanh Khê chia sẻ: “Chiếc điện thoại iPhone 6 của tôi bị rơi vỡ màn hình. Khi mang đến sửa lần thứ 3, máy mới tạm ổn, nhưng số tiền bỏ ra cũng xấp xỉ gần nửa giá trị chiếc điện thoại đang dùng. Kinh nghiệm là không nên tới một cửa hàng để sửa mà nên đi một vài nơi để tham khảo giá và xem thử thợ nói có đúng “bệnh” không. Tôi đã từng bị thợ sửa thay cho hàng trôi nổi mà nói là hàng chính hãng, nhưng nhiều ngày mới phát hiện mà không có giấy tờ, chứng cứ để khiếu nại. Do vậy, nên chọn những công ty bảo hành uy tín, lấy hóa đơn, viết thông tin đầy đủ... Thợ không có tay nghề, đụng vào sản phẩm có khi “trâu lành chữa thành trâu què” nữa”.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.