.

Khát vọng trẻ về thương hiệu du lịch Đà Nẵng

.

Để được nhiều du khách biết Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn, đã có nhiều người âm thầm góp công sức để xây dựng thương hiệu du lịch của thành phố. Họ là những người trẻ đầy tâm huyết, luôn muốn làm được điều gì đó cho thành phố nơi mình đã sinh ra.

Mỗi người dân Đà Nẵng đang âm thầm góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng từ những việc làm cụ thể.  Trong ảnh: Chiều mây sông Hàn. 		                                     Ảnh: Lê Quang Thiện
Mỗi người dân Đà Nẵng đang âm thầm góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng từ những việc làm cụ thể. Trong ảnh: Chiều mây sông Hàn. Ảnh: Lê Quang Thiện

Bắt đầu từ những cái nhỏ

Cầm trên tay bộ lót ly mang chủ đề “Hát bội Việt Nam” và “Bài chòi Xứ Quảng”, nhiều du khách quốc tế không khỏi ngạc nhiên vì sự sinh động của môn nghệ thuật truyền thống đã được anh Bùi Đức Tuấn (sinh năm 1987), Giám đốc Công ty TNHH Lưu niệm Đà Nẵng (Danang Souvenirs) cùng các cộng sự thiết kế.

Tốt nghiệp đại học, anh Tuấn rời Đà Nẵng vào TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội nhưng thấy nhớ cái nắng, cái gió, cái tình của người miền Trung nên anh khăn gói quay trở ra Đà Nẵng làm giảng viên đại học. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, anh nhận thấy du lịch Đà Nẵng đang trên đà phát triển lại thiếu các sản phẩm lưu niệm, nhất là những sản phẩm nhỏ gọn mang dấu ấn đặc trưng về văn hóa, con người địa phương để du khách có thể ghi dấu nơi mình đến.

Mặt khác, một vài người bạn của anh là những du học sinh, đi nước ngoài nhiều, thấy các nước có những món đồ nhỏ gọn, độc đáo, trẻ trung mà tại sao Đà Nẵng lại chưa có. Ý tưởng lớn gặp nhau, anh và 4 người bạn thành lập Danang Souvenirs.

Món đồ đầu tiên Tuấn và nhóm bạn tung ra thị trường là loạt áo thun có in dòng chữ “I love Da Nang” có biểu tượng pháo hoa. Ban đầu nhóm cũng gặp rất nhiều khó khăn vì vốn ít, không có điểm bán hàng, nên năm đầu tiên doanh thu chỉ đạt 80 triệu đồng, cả nhóm thường xuyên phải vét tiền túi để trả lương cho nhân viên.

Thành lập từ năm 2011, Công ty TNHH Du lịch Vitop (Vitop Tour) của anh Trần Chí Bảo Long (sinh năm 1979) chỉ chuyên khai thác khách nội địa. Anh Long kể, sau một thời gian đi làm thuê, nhận thấy khó có thể triển khai những ý tưởng độc đáo của mình nên anh nung nấu quyết tâm “ra riêng”.

Thay vì khai thác các tour truyền thống thông thường như nhiều đơn vị lữ hành khác, ngay từ những ngày đầu anh đã có hướng đi riêng. Anh tập trung xây dựng các tour trong ngày với những sản phẩm đặc trưng như tham quan Bà Nà Hills, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng Sơn Trà… vừa khai thác khách lẻ, vừa tạo dựng các mối quan hệ.

Hướng tới một thương hiệu lớn

Những ngày mới thành lập, Danang Souvenirs của anh Tuấn hướng tới thị trường khách trong nước vì khách nội địa đến Đà Nẵng chiếm 80%, thế nhưng thực tế khách mua hàng chủ yếu là khách quốc tế như Nhật, Hàn…

Anh Tuấn tính, trung bình mỗi năm công ty có khoảng 120 mẫu thiết kế nhưng chỉ đưa vào sản xuất 20-30 mẫu, năm nào nhiều được 40-50 mẫu. Những món đồ tuy nhỏ nhưng cần phải đa dạng nên số vốn bỏ ra không nhỏ. Danang Souvenirs đang có khoảng 120 sản phẩm được bày bán, mỗi sản phẩm đều ẩn chứa hình ảnh văn hóa, con người Đà Nẵng.

Điều mà Tuấn và các bạn tâm đắc đó là những món quà nhỏ này sẽ đưa Đà Nẵng đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Theo anh Tuấn, trước đây Đà Nẵng “tĩnh” nên ít người biết đến, bây giờ Đà Nẵng như một thương hiệu, vì vậy, anh luôn thấy có nhiều cảm hứng khi làm việc ở đây, có động lực để thực hiện điều mình đã kiên trì theo đuổi.

Thời gian tới anh sẽ “phủ sóng” các mặt hàng của Danang Souvenirs tại một số khách sạn từ 3-5 sao. Năm 2016, công ty của Tuấn tập trung phát triển những sản phẩm liên quan đến làng nghề, văn hóa dân gian, đúng như tiêu chí “small gift - big heart” (món quà nhỏ - trái tim lớn) và nuôi dưỡng bằng nhiệt huyết tuổi trẻ của mình…

Anh Trần Chí Bảo Long cho rằng, du lịch Đà Nẵng đang phát triển rất nhanh, đây là điều tốt nhưng anh cũng tỏ ra lo ngại nếu doanh nghiệp lữ hành của Đà Nẵng không đáp ứng được nhu cầu của khách thì sẽ bị đào thải theo quy luật của tự nhiên.

Làm gì cũng phải chuyên nghiệp ngay từ những việc nhỏ nhất. Khi các hướng dẫn viên của công ty bận hết thì đích thân anh làm hướng dẫn viên cho khách. Anh tâm niệm khách bỏ tiền ra mua dịch vụ thì dịch vụ đó phải đáng với đồng tiền họ bỏ ra nên anh luôn cố gắng để mỗi hành trình là triệu niềm tin.

Cùng với Danang Souvenirs, Vitop Tour, Đà Nẵng còn rất nhiều người tâm huyết với sự phát triển của thành phố. Dù khó khăn nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu quê hương, họ đã luôn cố gắng, cùng chung tay để xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng.

Nhật Hạ

;
.
.
.
.
.