.

Nỗi lo rượu giả

.

Không thuộc danh mục hàng thiết yếu, nhưng bia, rượu lại là mặt hàng tiêu dùng rất phổ biến hằng ngày. Thời điểm Tết, thị trường rượu, bia lại sôi động vì nhu cầu tăng. Thế nhưng, hàng loạt vụ bắt giữ rượu giả, rượu lậu mới đây từ cơ quan chức năng đã khiến người tiêu dùng không thể an tâm với mặt hàng này.

Quản lý thị trường thành phố kiểm đếm một lượng lớn rượu ngoại nhập lậu tuồn về thị trường Đà Nẵng.
Quản lý thị trường thành phố kiểm đếm một lượng lớn rượu ngoại nhập lậu tuồn về thị trường Đà Nẵng.

“Ma trận” rượu

Dịp Tết, các cửa hàng chuyên kinh doanh bia, rượu, nước giải khát đã tung ra tất cả các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Các cửa hàng, đại lý trên địa bàn thành phố bày bán đủ thứ, từ rượu gạo, rượu nếp làng nghề, đến rượu thuốc ngâm “cây”, “con” chai lớn chai nhỏ, rồi dòng sản phẩm vang đặc trưng của Đà Lạt đến các loại vang có xuất xứ từ Pháp, Tây Ban Nha, Chi-lê, Mỹ, Úc... đủ màu sắc có giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng/chai.

Riêng dòng rượu mạnh, hàng nhập ngoại chiếm lĩnh thị trường chủ yếu của các thương hiệu như: Chivas Regal, Johnnie Walker, Ballantine’s, Macallan, Remy Martin, Hennessy, Martell... Những sản phẩm rượu này có giá đắt gấp nhiều lần so với hàng trong nước. Giá bán mỗi loại khoảng từ vài triệu đến vài chục triệu đồng trở lên tùy thuộc vào “tuổi” rượu, chẳng hạn như rượu Chivas 12, 18, 21, 25...

Tiêu dùng rượu, bia là nhu cầu chính đáng của người dân, tuy nhiên thực trạng hàng giả, hàng lậu đối với mặt hàng này khá cao nên đa số các khách hàng đi mua đều tỏ ra băn khoăn, lo lắng.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng của một công ty kinh doanh thiết bị cửa gương tâm sự: “Năm nào tôi cũng được giao nhiệm vụ đi mua rượu tặng khách hàng với số lượng hàng trăm chai.

Thế nhưng để tìm một loại rượu ưng ý, phù hợp về giá cả cũng như chất lượng quả thực rất khó. Lo rượu ngoại giả đã đành, đến rượu trong nước như Votka, Bàu đá, Làng Vân cũng bị làm giả, làm nhái thì biết chọn loại nào đây?”.

Thật-giả khó lường

Theo giới kinh doanh, thị trường rượu có nhiều phân khúc. Với rượu nhập khẩu, bên cạnh loại nhập thẳng từ nước ngoài, còn có các sản phẩm được đóng chai ngay tại Việt Nam. Chưa kể một nguồn rượu ngoại lớn được làm giả tinh vi từ Trung Quốc lọt về Việt Nam bằng đường không chính ngạch.

Chính vì vậy, thời gian qua, rượu lậu bị các cơ quan chức năng chặn bắt trong lưu thông rất lớn. Tại Đà Nẵng, trung bình mỗi năm lực lượng liên ngành thành phố tiêu hủy hàng chục ngàn chai rượu, bia các loại. Trong số đó có cả nguyên liệu để pha chế lẫn rượu được xác định giả nguyên chai.

Mới đây, ngày 4-1, Đội Quản lý thị trường (QLTT)  số 10 thuộc Chi cục QLTT thành phố kiểm tra và thu giữ 252 chai rượu Ballantine’s trên đường 2 Tháng 9. Chiều 7-1, Đội Cảnh sát phòng chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46), Công an thành phố Đà Nẵng tạm giữ 1.900 chai bia hiệu Heineken (loại chai 250ml) và 612 chai rượu Black (loại chai 700ml) nhập lậu nghi là hàng giả của doanh nghiệp L.B.

Cuộc đấu tranh với rượu giả, rượu lậu khó khăn không chỉ đối với người tiêu dùng mà cả doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng. Chị Nguyễn Thị H. M, Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp tại Đà Nẵng than phiền: Các doanh nghiệp chân chính, suốt ngày phải lo đi chống hàng giả; hằng tháng doanh nghiệp phải bỏ kinh phí và thời gian nhờ các lực lượng chức năng triệt phá và thu gom vỏ chai rượu chính hãng từ các nơi về để cắt cổ chai, nhằm hạn chế tình trạng các đối tượng làm rượu giả từ việc mua vỏ chai rượu chính hãng để pha chế, làm hàng giả tung ra thị trường.

Ông Nguyễn  Nho Hậu, Phó Chi cục QLTT thành phố cho hay, muốn “đánh” rượu giả, rượu nhái phải có sự phối hợp giữa nhà sản xuất, các doanh nghiệp thì cán bộ QLTT mới xử lý hiệu quả. Bởi trong giới hạn chức trách, lực lượng QLTT chỉ có thể kiểm tra và xử lý về hóa đơn chứng từ, nguồn gốc, chứ nhiều khi không có máy móc hỗ trợ rất khó để phân biệt thật - giả bằng mắt thường.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.