.

Xe tải vẫn chở quá tải

.

Sau hơn 2 tháng triển khai các trạm cân trên toàn quốc, những tưởng các xe tải sẽ chở đúng tải trọng để khỏi bị phạt, thế nhưng những gì chúng tôi trực tiếp chứng kiến cho thấy gần như xe nào cũng quá tải.

Hầu hết các xe tải khi yêu cầu vào trạm cân đều chở quá tải.
Hầu hết các xe tải khi yêu cầu vào trạm cân đều chở quá tải.

Một  giờ ở trạm cân xe tải

Trong cái nắng oi ả của buổi chiều cuối tháng 5, một giờ ngồi quan sát trạm cân xe tải tại Hòa Phước hoạt động, chúng tôi ngỡ ngàng với những gì đang diễn ra. “Mở hàng” cho ca làm việc buổi chiều là chiếc xe tải chở hàng siêu trường, siêu trọng mang BKS 60R 04… chở khung sắt tiền chế. Mặc dù xe chở đúng tải trọng, nhưng khi Thanh tra giao thông (TTGT) yêu cầu xuất trình giấy phép chở hàng siêu trường, siêu trọng thì tài xế trả lời cộc lốc: “Không có”. Thay vì trình các loại giấy tờ khác, tài xế Nguyễn Hữu Th… lại tỏ ra rất khó chịu: “Tôi chạy từ Ninh Thuận ra tới đây qua 4 trạm cân rồi, ở đâu cũng vào “nói chuyện” xong là đi chứ có ai làm khó như mấy ông đâu!”. Với thái độ bất hợp tác, luôn tranh luận với nhân viên trạm cân từng câu chữ trong biên bản vi phạm, cuối cùng tài xế quyết định... không ký và chấp nhận hình thức bị giữ giấy tờ xe.

Trong lúc này, Đại úy Thái Văn Thắng, Phòng CSGT thành phố hướng dẫn cho tài xế đưa xe 89C 051… vào trạm cân; nhưng thật bất ngờ, thay vì giảm tốc độ đưa xe vào trạm, tài xế giả vờ không nghe thấy và tăng tốc bỏ chạy. Ngay lập tức, một Cảnh sát 113 cùng với một Công an địa phương lên mô-tô đuổi theo yêu cầu quay đầu xe về trạm cân. Và kết quả cân cũng không ngoài dự kiến là xe chở vượt tải trọng cho phép đến 65%.

Cũng giống như tài xế xe Nguyễn Hữu Th…, sau một hồi năn nỉ xin bỏ qua không được, tài xế xe 89C 051… quay sang gay gắt: “Trên đường có bao nhiêu trạm cân họ đều thông cảm, còn ở đây khó quá!”. Trao đổi với chúng tôi về những tình huống này, Đại úy Thái Văn Thắng cho biết, kiểu tài xế giả vờ không nghe, không thấy khá phổ biến, vì vậy việc xử lý của lực lượng tại trạm rất vất vả và nguy hiểm, vì nhiều khi các tài xế còn dùng xe tải để ép mô-tô.

Chưa đầy 10 phút sau, tài xế chiếc xe tải mang BKS 75C.020… cũng được yêu cầu đưa xe vào trạm cân để kiểm tra tải trọng. Cho dù hàng hóa chỉ xếp đầy 2/3 thùng xe, nhưng kết quả kiểm tra vượt tải đến 167%. Đến lúc này tài xế tung “bảo bối” ra là một xấp 3 tờ biên bản xử phạt, trong đó có 2 biên bản ở 2 trạm cân khác và 1 biên bản cách đây một tháng nhưng vẫn chưa nộp phạt.

Ông Nguyễn Trần Hoàng, Đội trưởng Đội 2 TTGT cho biết, nhìn chung các nhà xe đã bắt đầu hạ tải, tuy nhiên vẫn chưa hạ đúng tải trọng cho phép, vì vậy khi yêu cầu đưa xe vào trạm nhiều tài xế cố tình gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Cá biệt, đã có trường hợp xe cho phép chở 9 tấn nhưng trên thực tế chở đến 40 tấn, vậy mà vẫn đi qua nhiều địa phương đến Đà Nẵng mới bị xử lý.

Vẫn còn “cửa” cho xe quá tải

Mặc dù Chính phủ và ngành GTVT đều đã có văn bản yêu cầu các địa phương tổ chức duy trì trạm cân hoạt động 24/24 giờ để xử lý triệt để tình trạng xe chở quá tải hoạt động vào ban đêm, tuy nhiên, trên thực tế, tại Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác đều chưa thể triển khai được vì lý do chung là thiếu nhân sự để duy trì hoạt động suốt cả ngày và đêm. Và đây chính là “lỗ hổng” mà các nhà xe khai thác triệt để trong hơn 2 tháng qua. Cho đến nay, ở Đà Nẵng, trạm cân xe tải chỉ đủ nhân sự để tổ chức thành 2 ca, với mỗi ca trực kéo dài 4 tiếng đồng hồ.

Điều này cũng có nghĩa đoạn quốc lộ qua địa bàn thành phố mỗi ngày có đến 2/3 thời gian bị “bỏ trống”, không có lực lượng chức năng làm việc. Mặc dù ở Đà Nẵng, trạm cân đã linh động tổ chức thời gian trực lệch nhau không theo giờ cố định nhằm tránh việc tài xế chờ thời gian trống để qua trạm, nhưng việc này chỉ hạn chế phần nào, phần lớn các tài xế nhờ vào đội ngũ “cò xe” để dễ dàng vượt qua trạm.

Trong khi chưa thể chốt trực 24/24 giờ, việc phối hợp hoạt động giữa các địa phương vẫn chưa được triển khai nên càng tạo nên “lỗ hổng” thời gian cho tài xế qua mặt trạm. Cũng theo ông Nguyễn Trần Hoàng, hiện nay giữa Đà Nẵng và hai địa phương lân cận là Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam chưa phối hợp với nhau về lịch làm việc theo kiểu “ca này anh trực, ca kế tiếp đến tôi”. Thực tế chỉ mới dừng lại ở việc thông qua quan hệ cá nhân theo kiểu “địa phương này để lọt xe quá tải chạy qua thì gọi điện báo để địa phương kế tiếp xử lý”.

Bên cạnh đó, việc tổ chức xử lý xe quá tải vào ban đêm cũng rất khó khăn do tầm nhìn hạn chế. Trong ca làm việc ban ngày, việc yêu cầu xe tải dừng lại để kiểm tra tải trọng được quan sát bằng mắt thường từ xa, nếu bánh xe bị lún xuống hoặc thùng xe quá cồng kềnh thì ra hiệu lệnh dừng xe chứ không thể dừng tất cả xe lưu thông trên đường để kiểm tra từng chiếc; nhưng với ca làm việc ban đêm thì rất khó phát hiện theo kiểu quan sát bằng mắt thường như thế, vì vậy hiệu quả làm việc các ca ban đêm khá thấp.

Về cánh tài xế, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ đội ngũ “cò xe” nên nhanh chóng biết được giờ làm việc của các trạm cân để chọn giờ chạy vào ban ngày. Còn lại hầu hết xe quá tải đều chọn phương án chạy vào ban đêm, bởi theo họ như vậy ít bị phát hiện hơn.

Vậy, đến khi nào lực lượng chức năng mới trị được căn bệnh trầm kha: Xe quá tải?  

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.