.

S.O.S! Rừng bị tàn phá

.

Trước thực trạng rừng ở Đà Nẵng bị tàn phá, dư luận đòi hỏi chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nếu không ngăn chặn được tình trạng phá rừng như thời gian qua, thì không bao lâu nữa, rừng Đà Nẵng sẽ chẳng còn!

Rừng ở Đà Nẵng cần được bảo vệ nghiêm ngặt hơn.
Rừng ở Đà Nẵng cần được bảo vệ nghiêm ngặt hơn.

Một ngày cuối tháng 6, từ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sông Nam ở cuối thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), theo con đường độc đạo lổn nhổn đá, chúng tôi vượt qua đèo Mũi Trâu chừng 4-5 cây số. Hiện ra trước mắt là hàng trăm ha rừng nguyên sinh ở khu vực này đã biến mất, nhường chỗ cho rừng keo lai đang kỳ thu hoạch. Khu vực này bị băm nát bởi khá nhiều đường ô-tô mới mở ngược lên các sườn đồi để chở gỗ rừng trồng. Sát đó, rừng tự nhiên đã thưa thớt cây. Có chăng, khu vực gần đỉnh, khép tán khá dày. 

Cuốc bộ lên núi, vừa chớm rừng tự nhiên, mọi người phát hiện giữa rậm rạp lau lách một lối nhỏ từ sườn núi xẻ thẳng xuống, vết trượt gỗ còn nguyên. Nhận định khu rừng phía trên là nơi lâm tặc tàn phá, mọi người níu cành cây, leo từng bước nặng nhọc ngược lối gỗ trượt xuống, dốc đứng, trơn trượt. Lội khắp lượt khu rừng đã vắng bóng các cây gỗ lớn, trong phạm vi chừng 1ha, chúng tôi phát hiện gần 20 gốc cây trơ trọi, gỗ đã vận chuyển đi hết. Giở tấm sơ đồ đem theo, anh Thành, Ban Quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho biết, nơi chúng tôi đang đứng là  khoảnh 4, tiểu khu 20. Đây là một phần trong số hàng trăm ha thuộc các tiểu khu  17, 20 và 24, do Công ty CP Vinafor Đà Nẵng quản lý. Doanh nghiệp này được Lâm trường Sông Nam (cũ) giao quản lý 1.547ha từ năm 1997 đến nay, trong đó 724ha rừng tự nhiên khu vực tiếp giáp rừng trồng, thuộc diện khoanh nuôi tái sinh.

Ở những khu vực chung quanh, đến đâu cũng bắt gặp tình trạng tương tự. Những cây gỗ đường kính chỉ khoảng 30-40cm bị chặt hạ. Có gốc, tại vết cưa lốc, nhựa ứa ra còn đỏ thẫm như máu. Đứng tại sườn đồi, nhìn bao quát khắp lượt, ai trong chúng tôi đều cảm thấy nhói lòng, khi cả khu vực rừng tự nhiên rộng lớn đã vắng những cây gỗ lớn. Có chăng một vài cây đơn lẻ giữa thảm thực vật dày đặc lau lách, cây bụi. Và càng xót xa hơn khi biết những cây to đơn côi ấy bị rỗng ruột hoặc gỗ chẳng ra gì, lâm tặc chừa lại. Với những gì chứng kiến tại rừng, mới hay, 140 phách gỗ bị phát hiện thu giữ vào trung tuần tháng 6 vừa qua, chỉ là phần nhỏ trước sự tàn phá ghê gớm của lâm tặc tại các khu rừng phía cực Tây Đà Nẵng.

Không chỉ rừng phía tây bắc giáp lâm phận Thừa Thiên-Huế bị cạn kiệt tài nguyên, mà tại tiểu khu 54 Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, ở phía tây nam Đà Nẵng giáp huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) cũng bị “xẻ thịt” khá nghiêm trọng. Đầu tháng 6 vừa qua, dân quân xã Hòa Phú cùng lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa phát hiện gần 20 cây gỗ to bị lâm tặc chặt hạ, tại hiện trường chỉ còn những tấm bìa và đống mạt cưa còn mới.

Chưa hết, tại tiểu khu 44 rừng phòng hộ Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) cũng vừa bị tàn phá rất đáng báo động. Trong số 3,51ha bị xâm hại, có 1,93ha bị chặt trắng hoàn toàn, thiệt hại về tài nguyên rừng rất lớn. Với những gì xảy ra tại hiện trường, vụ phá rừng này đã gây sốc đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Được biết, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang cùng cơ quan liên quan đang thụ lý hồ sơ chuẩn bị truy tố vụ phá rừng này. Tương tự, rừng tại các tiểu khu 27, 29, lâm phận Hòa Vang, nhất là khu vực sát mỏ vàng Khe Đương cũng liên tục bị tàn phá. Theo người dân địa phương, kể từ khi đường từ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc vào mỏ vàng Khe Đương, được sửa chữa để ô-tô vào vận chuyển máy móc thiết bị ra khỏi rừng, tình trạng phá rừng diễn ra hết sức phức tạp.

Rừng ở Đà Nẵng không nhiều, chỉ hơn 50.000ha, trong đó gần 30.000ha là rừng đặc dụng. Trong khi, lực lượng bảo vệ rừng gồm 102 cán bộ, nhân viên kiểm lâm; gần 40 người của Ban Quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa cùng lực lượng dân quân, công an các địa phương; trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện bảo vệ rừng ngày càng đầy đủ, kinh phí không thiếu. Thế nhưng rừng vẫn bị tàn phá hằng ngày.

Trước thực trạng rừng ở Đà Nẵng bị tàn phá, dư luận đòi hỏi chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nếu không ngăn chặn được tình trạng phá rừng như thời gian qua, thì không bao lâu nữa, rừng Đà Nẵng sẽ chẳng còn!

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.