.

Chủ động lấy nước sông Vu Gia

.

Mặc dù mực nước các hồ chứa đã hạ rất thấp nhưng các nhà máy thủy điện (NMTĐ) vẫn xả nước phát điện với lưu lượng rất lớn và kéo dài ít nhất 20 giờ/ngày để đáp ứng nhu cầu dùng điện tăng cao trong mùa khô. Trước tình hình này, có nhiều phương án chống hạn được tính toán và thực hiện.

Công trình đập điều tiết nước sông Vu Gia tại cửa sông Quảng Huế đang được đề xuất phương án đầu tư đồng bộ giải pháp công trình phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.
Công trình đập điều tiết nước sông Vu Gia tại cửa sông Quảng Huế đang được đề xuất phương án đầu tư đồng bộ giải pháp công trình phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.

Trông chờ nguồn nước từ NMTĐ A Vương

Tính từ 7 giờ ngày 18-6 đến 7 giờ ngày 24-6, mực nước trong hồ chứa NMTĐ A Vương đã sụt giảm… 2,29m. Dù từ chiều tối 23-6 đến nay, ở thượng nguồn có mưa, lưu lượng nước về hồ chứa NMTĐ này đạt từ 16 - 20m3/s, nhưng đến chiều 24-6, mực nước trong hồ chứa xuống dưới mức 354m do xả nước phát điện với lưu lượng 68m3/s trong thời gian dài. Qua tính toán, nếu vẫn duy trì xả nước phát điện với lưu lượng trung bình 68m3/s và vận hành tối thiểu 20 giờ/ngày thì chỉ còn đúng 15 ngày nữa, NMTĐ A Vương không còn nước để xả về hạ du sông Vu Gia. Trong khi đó, theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, từ tháng 7 đến 9-2014 là thời kỳ nắng nóng, lượng mưa ít.

Điều đáng nói là vừa qua, việc Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chưa ký ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa các NMTĐ A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa cạn chứng tỏ đã lắng nghe kiến nghị của Đà Nẵng và các chuyên gia. Song, việc này vô tình gây khó cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa khô này. Bởi một khi chưa có ràng buộc cụ thể, NMTĐ Đăk Mi 4 vẫn chưa vận hành cống xả sâu trả nước về sông Vu Gia. Thực tế, từ khi đi vào vận hành đến nay, NMTĐ Đăk Mi 4 chưa hề trả nước về sông Vu Gia trong mùa khô, bất chấp văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng và việc quyết liệt “đòi nước” từ Đà Nẵng.

Tưởng rằng, việc chỉ đạo NMTĐ Sông Bung 5 vận hành phát điện theo lưu lượng tối thiểu, bảo đảm duy trì dòng chảy trên sông Vu Gia đồng nghĩa với việc NMTĐ này cùng điều tiết nước sông Vu Gia trong mùa khô với NMTĐ A Vương. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, NMTĐ Sông Bung 5 là loại thủy điện phát điện theo lưu lượng, không phát điện theo thế năng. Trong mùa khô, do dòng chảy đến hồ chứa nhỏ nên phải tích nước, chờ đến khi đủ nước mới phát điện, khiến dòng chảy trên sông bị biến động rất lớn.

“Hiện ở hạ du sông Vu Gia không có hồ chứa, trong khi toàn bộ hệ thống trạm bơm và kênh mương ở hạ du sông Vu Gia được thiết kế theo kiểu lấy nước thường xuyên, không phải theo dạng trạm bơm công suất lớn lấy nước theo chế độ ngắt quãng nên khi NMTĐ Sông Bung 5 xả nước phát điện mà các trạm bơm ở hạ du không bơm hết thì mất nước, còn khi NMTĐ Sông Bung 5 không xả nước phát điện thì hạ du thiếu nước”, ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết.

Cần 4 máy bơm cấp nước sinh hoạt

Do mực nước hồ Đồng Nghệ suy kiệt khó có khả năng bổ sung nước cho đập dâng An Trạch, để chủ động lấy nước từ sông Yên phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) vừa kiến nghị Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ mới 4 máy bơm có công suất từ 3.000 - 3.500m3/giờ (áp lực cột nước 25m) đặt tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch với kinh phí đầu tư 9,6 tỷ đồng. Việc bổ sung 4 máy bơm này bên cạnh 6 máy bơm sẵn có với tổng công suất bơm 210.000m3/ngày sẽ chủ động hơn về nguồn cấp nước trong trường hợp các máy bơm cũ gặp sự cố.

Trong khi đó, nhằm đưa nước sông Vu Gia về sông Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và sông Yên (Đà Nẵng) nhiều hơn trong mùa khô này, hiện Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 6 (Bộ NN&PTNT) đang tiến hành xử lý, khắc phục các hư hỏng công trình đập điều tiết nước sông Vu Gia tại cửa sông Quảng Huế và hiện tượng phát sinh lạch mới do lũ năm 2013 gây ra, bảo đảm an toàn cho công trình trong các mùa lũ sắp tới và đề xuất phương án đầu tư đồng bộ giải pháp công trình phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt bổ sung phương án kỹ thuật nạo vét khơi thông dòng chảy sông Vu Gia đoạn từ sông Quảng Huế đến trạm bơm Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam làm chủ đầu tư nhằm tạo nguồn nước phục vụ chống hạn năm 2014 cho các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng. UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo thực hiện nạo vét thường xuyên khi bị tái bồi lấp.

DAWACO cũng đã kiến nghị Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng đầu tư máy phát điện dự phòng cho Trạm bơm phòng mặn An Trạch để trạm bơm này vẫn hoạt động trong trường hợp cúp điện để sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện hoặc do thiên tai, sự cố gây mất điện kéo dài, dẫn đến ngừng cấp nước lâu, ảnh hưởng đến đời sống người dân. DAWACO đã lập phương án lắp đặt máy phát điện dự phòng cho Trạm bơm phòng mặn An Trạch, công suất 1.600kVA, kinh phí đầu tư 318.000 USD (tương đương 6,714 tỷ đồng). Do tần suất sử dụng máy phát điện tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch không thường xuyên nên có thể sử dụng lưu động máy phát này để dự phòng cấp điện cho những trường hợp cần thiết chung của thành phố như lễ hội, sự cố điện lưới khu vực…

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

;
.
.
.
.
.