.

Cần lành mạnh hóa môi trường du lịch

.

Người  đứng đầu ngành du lịch Thái Lan gọi “Tour 0 đồng” là thứ du lịch phản du lịch, phản văn hóa, là du lịch chụp giựt, chặt chém không hơn không kém. Theo Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan, “Tour 0 đồng” được du nhập đến nước này từ một số công ty lữ hành Trung Quốc. Họ bán “Tour 0 đồng” cho du khách từ Trung Quốc, chỉ thu tiền vé máy bay (giá rẻ) của khách, mọi chi phí khác về ăn, ở, phí tham quan và đi lại bằng đường bộ  ở nước sở tại đều... 0 đồng.

Đổi lại, du khách bị ép buộc vào một số cửa hàng mua sắm, ăn uống và ở đó du khách bị “móc túi”, “chặt chém”. Năm 2016, ngành “công nghiệp không khói” Thái Lan thất thu 9 tỷ USD do “Tour 0 đồng”. Tệ hại hơn “Tour 0 đồng” làm méo mó, xấu xí hình ảnh, nét đẹp văn hóa của Thái Lan.

Trước thực trạng này, Thái Lan buộc phải ra tay dẹp... loạn “Tour 0 đồng”. Cảnh sát Thái đã dẹp, kể cả việc khởi tố hình sự một số vụ điển hình; đình chỉ kinh doanh các công ty vận hành “Tour 0 đồng”. Nhiều công ty “Tour 0 đồng” do người Trung Quốc điều hành, hoặc công khai, hoặc trá hình - núp bóng sau lưng các giám đốc làm thuê người Thái.

Ở Việt Nam, năm 2016, du khách Trung Quốc đổ vào Việt Nam nhiều gấp đôi, gấp ba các năm trước, nhất là các địa phương phía Bắc, đặc biệt là ở Quảng Ninh, Hà Nội và các điểm du lịch nổi tiếng ở miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang...

Ba tháng đầu năm 2017, lượng du khách từ Trung Quốc đến du lịch Việt Nam tiếp tục tăng, kể cả các địa phương phía Nam như Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu... Và ở Việt Nam cũng xuất hiện “Tour 0 đồng”, do người Trung Quốc núp bóng điều hành thông qua một số giám đốc trá hình, thông qua hướng dẫn viên người Trung Quốc hoặc núp bóng  người Việt.

Các chiêu trò chẳng khác mấy chiêu trò “Tour 0 đồng” ở Thái Lan. Tại một số địa phương hình thành  các nhà hàng ăn uống, bán hàng lưu niệm kỳ cục... treo biển “Chỉ phục vụ người Trung Quốc”. Du khách bị xua vào đó mua bán với giá cao gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 4-5 lần so với giá thị trường. Ai từ chối không chịu vào, hoặc vào mà không mua bán, không ăn uống thì bị làm khó, thậm chí bị hăm dọa. Chính du khách Trung Quốc cũng đã lên tiếng phê phán kiểu làm du lịch chụp giựt này. Tự các chiêu trò này đã làm méo mó hình ảnh đẹp của đất nước Việt Nam vốn giàu lòng mến khách, ức chế sự vui vẻ, thoái mái của du khách.

Trước thực trạng này, cuối tháng 3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành du lịch, các địa phương, ngành chức năng khẩn trương xem xét, có kết luận thỏa đáng về “Tour 0 đồng” báo cáo Thủ tướng trong quý 2 năm 2017, để sớm có giải pháp xử lý, lấy lại nét đẹp văn hóa  du lịch và sự lành mạnh theo đúng nghĩa của kinh doanh du lịch phục vụ con người, tôn vinh văn hóa Việt, nét đẹp Việt.  

Mặt khác, ngành du lịch, các địa phương thực hiện “văn minh du lịch”, theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị phát triển du lịch từ nay đến năm 2020 trở  thành  một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

Vấn đề ứng xử văn minh du lịch của các cá nhân và tập thể, đơn vị - doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đối với du khách khi tham gia du lịch càng trở nên quan trọng. Bởi đây không chỉ là yếu tố giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh tích cực cho du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Đây cũng là cách “xây” để “chống” – góp phần loại bỏ kiểu kinh doanh du lịch chụp giựt, “chặt chém” phản văn hóa của “Tour 0 đồng”.

Du lịch đi liền với văn hóa, tôn vinh cái đẹp, quảng bá đất nước và con người của một quốc gia, xứ sở. Đất nước ta tươi đẹp, an bình; cảnh quan thiên nhiên đẹp như tranh vẽ - du khách thế giới trầm trồ ngưỡng mộ, con người Việt Nam mến khách. Vậy nên, những thứ làm xấu xí, méo mó cái đẹp vốn có sẽ  không có chỗ đứng trong hoạt động  du lịch.

“Tour 0 đồng” sẽ được báo cáo đầy đủ, minh bạch, rõ ràng với Thủ tướng Chính phủ để có thái độ dứt khoát từ cơ quan quản lý Nhà nước. Với kiểu cách làm “Tour 0 đồng” như  công luận đã phê phán, tất nhiên cần phải được dẹp bỏ, bằng các giải pháp đồng bộ, kiên quyết, để lấy lại nét đẹp văn hóa của du lịch Việt, như nghị quyết của Đảng đã khẳng định.

Nhân đây, cần khẳng định việc du khách Trung Quốc (và du khách quốc tế) đến Việt Nam du lịch ngày càng đông là điều đáng mừng, cần khích lệ, không những không đựợc phép kỳ thị với một cộng đồng du khách nào đó, mà cần mở rộng vòng tay đón tiếp họ.

Cái nào “xấu xí” thì uốn nắn, điều chỉnh, cái nào vi phạm pháp luật Việt Nam thì xử lý, cá nhân nào lợi dụng làm du lịch núp bóng để vụ lợi thì loại bỏ, xử lý theo pháp luật. Quốc gia nào cũng vậy. Bởi chính sự minh bạch, rõ ràng trong hoạt động du lịch mới làm tôn vinh văn hóa và cái đẹp, thúc đẩy tình hữu nghị, sự hợp tác giữa các dân tộc.

Du lịch đang đứng trước nhiều vận hội mới; góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển, thúc đẩy văn hóa và sự hợp tác, đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc. Cái đẹp của du lịch tỏa sáng, tôn vẻ đẹp lung linh cuộc sống con người - với điều kiện luôn luôn chủ động khẳng định, thúc đẩy du lịch phát triển lành mạnh, đúng hướng.

QUỐC TOÀN

;
.
.
.
.
.