.

Quy hoạch, kiến trúc cần được quản lý theo luật

.

Tại nhiều địa phương trên cả nước đang diễn ra tình trạng xây dựng không phép, bất chấp luật pháp, coi thường kỷ cương phép nước, để lại nhiều hậu quả.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên. Trước hết là do cách hành xử theo kiểu “3 không” của các cơ quan chức năng có liên quan đến quy hoạch, kiến trúc và xây dựng, từ Trung ương đến địa phương cơ sở (không nghiêm minh/ không khoa học/ không chuyên nghiệp).

Có thể nói chức năng tiền kiểm/ đương kiểm/ hậu kiểm đang gặp “trục trặc”, không được quan tâm đúng mức, vận hành không hiệu quả. Hoạt động kiểm tra, giám sát chỉ mang tính hình thức, không đến nơi đến chốn.

Nói đi nhưng cũng phải nói lại. Thủ tục hành chính trên lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và xây dựng cơ bản hiện nay vẫn còn là “mê hồn trận”, tồn tại tình trạng “sân sau” và lợi ích nhóm. Một trong những khâu yếu kém khác trên lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và xây dựng cơ bản là không tách bạch rõ chức năng quản lý Nhà nước và chức năng dịch vụ tư vấn kỹ thuật và quản lý dự án.

Nhiều dự án muốn được “thông quan” nhanh đều phải đi vòng qua các đơn vị trực thuộc hoặc được cơ quan chủ quản bảo trợ. Chính những thủ tục ngầm định này đã thủ tiêu tính cạnh tranh công bằng, dung dưỡng lề thói làm ăn gian dối, gây nhiều tổn thất cho Nhà nước và xã hội.

Trên thực tế, không ít trường hợp người dân chỉ vi phạm hành chính mang tính lặt vặt là đã bị lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị răn đe, xử phạt; trong khi nhiều công trình dự án lớn sai phạm nhưng bình an vô sự, chậm bị phát hiện và xử lý triệt để. Đây là lý do chính dẫn đến những phản ứng lệch lạc, hiện tượng vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến. Căn bệnh kinh niên này đòi hỏi phải dùng thuốc đặc trị từ cả hai phía, trước hết là cải tổ bộ máy và năng lực chấp pháp của cơ quan công quyền + tính tuân thủ luật pháp của công dân.

Chức năng quy hoạch, kiến trúc và xây dựng cơ bản trước hết phải được xem là công cụ quản lý thực sự khoa học, hữu hiệu, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hình cốt cách truyền thống và văn minh của một đất nước, đặc biệt trên lĩnh vực quản lý các đô thị lớn.

Đáng tiếc là tư duy và phương thức quản lý theo kiểu cách cũ kỹ vẫn rất chậm đổi mới, không bắt nhịp kịp với đà tiến bộ cả về kinh tế và xã hội. Chức năng quy hoạch từ lâu đặt ra chủ yếu để kiềm tỏa đối tượng quản lý trong “vòng vây” thủ tục hành chính hơn là tạo điều kiện thông thoáng để xã hội vận hành một cách khoa học và trật tự, vẫn còn nặng tư tưởng ôm đồm quyền lực để mưu cầu lợi ích riêng.

Đây là lý do gây tranh cãi giữa Bộ Kế hoạch - Đầu tư với một số bộ chuyên ngành khác khi thảo luận thông qua dự thảo luật về quy hoạch. Cần nhận thức rõ rằng quy hoạch về thực chất không phải là những “bản vẽ” tùy hứng, theo ý của lãnh đạo, nay thế này, mai thế khác, mà phải được luật hóa rõ ràng; đó là một tập hợp tổng thể các giải pháp và tiêu chuẩn khoa học + tiêu chí pháp lý + trình tự thủ tục hành chính hợp lý, ổn định, minh bạch để các nhà quản lý và mỗi một công dân đều thống nhất cách hiểu, cách làm, cách ứng xử văn minh trước pháp luật.

Ví dụ, để hiện thực hóa các chủ trương quy hoạch đã ban hành, cần công bố rõ khu vực địa giới hành chính nào được phép xây dựng/ sửa chữa công trình, dự án, tương ứng với điều kiện về quy mô và thiết kế chuẩn, người dân không phải xin phép cơ quan chức năng, mà chỉ cần tuân thủ đúng hướng dẫn quy hoạch ban đầu.

Những khu vực, quy mô dự án đặc thù yêu cầu phải có cấp phép (phê duyệt thiết kế, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…) thì cần công khai hóa quy trình/ thủ tục/ thời gian/ người có chức trách xử lý.

Thủ tục hành chính phải đi đôi với phân cấp đầu mối quản lý quy hoạch kiến trúc và xây dựng cơ bản hợp lý, không buộc chủ đầu tư phải chạy đôn chạy đáo, nhiều nơi nhiều cửa, không làm chồng lấn chức năng quản lý giữa Trung ương với địa phương, giữa tỉnh/ thành phố với huyện/ quận.

Phân định rõ mô hình cấp phép và quản lý thực thi cấp phép, theo đó chủ đầu tư chỉ có trách nhiệm tuân thủ đúng các quy định pháp luật về xây dựng trong phạm vi địa bàn hành chính (quận/ huyện) đã được phân công quản lý.   

Đối với những công trình, dự án cố tình vi phạm quy chuẩn/ quy hoạch xây dựng, trước hết phải chấp nhận cưỡng chế phá dỡ, khôi phục lại quy hoạch; mức xử phạt vi phạm hành chính phải đủ mức răn đe và yêu cầu các bên có vi phạm phải gánh chịu trách nhiệm toàn bộ.

Nghĩa là không chỉ có chủ dự án mà cả người ra quyết định đầu tư, cấp phép, quản lý thực thi cấp phép, người tham gia xây dựng công trình cũng phải có nghĩa vụ liên quan trước pháp luật. Đặc biệt, phải triệt để áp dụng quy định những công trình, dự án nào vi phạm pháp luật sẽ bị tước quyền hợp pháp hóa tài sản (quyền sử dụng đất/ quyền sở hữu nhà, công trình…) vĩnh viễn/ hoặc có thời hạn (nếu được gia hạn thời gian khắc phục cam kết với cơ quan quản lý).

Như vậy sẽ chấm dứt hiện tượng làm ẩu, làm liều, bởi vì suy cho cùng mục đích cuối cùng của chủ đầu tư và người sở hữu/ sử dụng công trình, dự án là phải hoàn thành thủ tục giao dịch chuyển nhượng tài sản một khi được pháp luật công nhận là hợp pháp.

 PHÚC VINH

;
.
.
.
.
.