.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

UBND thành phố vừa ban hành quyết định giải thể 69 ban chỉ đạo, hội đồng, tổ chức phối hợp liên ngành (gọi tắt là BCĐ, HĐ) và hợp nhất 12 BCĐ, HĐ khác thành 6 BCĐ. Quyết định thể hiện quyết tâm dẹp bỏ các BCĐ, HĐ không hiệu quả nhằm giảm họp, giảm chi phí và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu.

Trong thực tế BCĐ là cần thiết để triển khai thực thi thống nhất, đúng mục đích, yêu cầu của một chủ trương, cơ chế, chính sách nào đó, đồng thời nhằm tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Song, trong nhiều năm qua đã xuất hiện tình trạng “lạm phát” BCĐ, HĐ. Cứ có chủ trương, cơ chế, chính sách mới là có BCĐ, có HĐ; thậm chí do những đặc thù yêu cầu phát triển của từng địa phương mà BCĐ, HĐ còn nhiều hơn cả Trung ương.

Chưa kể có những BCĐ, HĐ lập ra nhưng chỉ hoạt động trong một thời gian rồi hết “vai trò lịch sử” nhưng vẫn tồn tại mà không có quyết định giải thể. Có BCĐ, HĐ là phải cơ cấu các thành viên là lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó  của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Có tổ chức thì ngân sách phải bố trí kinh phí hoạt động; có BCĐ, HĐ là phải họp để đưa ra quyết định tập thể về kế hoạch triển khai, họp đánh giá định kỳ, họp sơ kết, họp tổng kết. Cán bộ tham gia càng nhiều BCĐ, HĐ thì càng phải họp nhiều.

Đơn cử ở phường, xã, Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội tham gia tới 20 BCĐ, HĐ. Nhiều cán bộ thành viên BCĐ, HĐ bận họp đến nỗi không đủ thời gian để giải quyết hết công việc theo chức trách được phân công trong cơ quan, đơn vị. Không đi họp BCĐ, HĐ sẽ bị quy thiếu trách nhiệm. Do phải tham gia quá nhiều BCĐ, HĐ thì ít nhiều, ý kiến tham gia của thành viên cũng khó bảo đảm chất lượng về lĩnh vực mà họ không chuyên. Cuối cùng, trách nhiệm vẫn thuộc về người được giao trách nhiệm làm Trưởng BCĐ, Chủ tịch HĐ - thường là người đứng đầu ban, ngành, địa phương.

Quyết định giải thể 69 BCĐ, HĐ và hợp nhất 12 BCĐ, HĐ thuộc UBND thành phố thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố. Không thể để tồn tại những BCĐ, HĐ chỉ mang tính hình thức, gây chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành, hoạt động không hiệu quả và gây tốn kém không cần thiết cho ngân sách.

Giải thể các BCĐ không cần thiết, hợp nhất các HĐ tương đồng với nhau về lĩnh vực giúp giảm họp, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm ngân sách không nằm ngoài mục tiêu cải cách hành chính mà thành phố đang thực hiện rất quyết liệt. Giảm BCĐ, HĐ là giảm trách nhiệm tập thể - đôi khi rơi vào trách nhiệm chung chung, có khuyết điểm thì cũng chia đều các thành viên. Giảm các BCĐ, HĐ nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu mỗi cơ quan, từng đơn vị trên lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao phụ trách, địa bàn phụ trách.

Vấn đề đặt ra là nâng cao hiệu quả hoạt động các BCĐ, HĐ vẫn cần thiết phải duy trì. Cần phải phân định rõ phần việc phụ trách và có cơ chế kiểm soát trách nhiệm cũng như chế tài xử lý đối với từng thành viên BCĐ, HĐ nếu không hoàn thành nhiệm vụ được phân công.

Sự quyết liệt giảm các BCĐ, HĐ không hiệu quả cũng cần phải đồng bộ từ thành phố đến cơ sở. Quận, huyện, xã, phường đã lập BCĐ, HĐ theo thẩm quyền của mình cũng phải thực hiện sắp xếp lại một cách hợp lý để đạt mục tiêu giảm họp, tiết kiệm ngân sách những vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.