.

Phải chấm dứt xe khách... chạy bù

.

Gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Điều đáng lưu ý là hầu hết những vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua đều có sự “tham gia” của xe khách...

Thử điểm lại những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gần đây sẽ thấy rất rõ điều này: Ngày 29-4, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra vụ TNGT giữa xe ô-tô con và xe khách làm chết 7 người; ngày 7-5, tại Trà Vinh, xảy vụ TNGT giữa 2 xe khách làm chết 4 người, 2 người bị thương; ngày 10-5, tại Quảng Ngãi, hai xe khách “đối đầu” nhau khiến 7 người phải nhập viện...

Mật độ xe khách gây TNGT dồn dập và nghiêm trọng như vậy khiến nhiều người lo lắng mỗi khi ra đường. Tuy nhiên, với những người phải thường xuyên đi trên những chuyến xe khách “tử thần”, thậm chí với chính những tài xế xe khách kia, thì có thể nói đó là “cái chết được báo trước” (!?).

Mọi cơ sự ở đây có thể nói là do tình trạng chạy bù mà ra. Hiện nay, hầu hết ở  các tuyến xe khách trên toàn quốc, đặc biệt là với xe khách chạy tuyến đường trung và gần, thì việc quy định thời gian chạy của các doanh  nghiệp vận tải xe khách khá chặt chẽ.

Thông thường, để tính thời gian chạy giữa hai đầu bến thì các doanh nghiệp tính quãng đường chia cho vận tốc trung bình để tính ra quỹ thời gian cho mỗi tuyến. Thế nhưng, đó chỉ là những tính toán mang tính lý thuyết, còn trên thực tế có rất nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan khiến tài xế không thể bảo đảm vận tốc trung bình suốt cả chặng đường. Phổ biến nhất hiện nay là tình trạng sau xuất bến khi chạy qua các nơi dân cư đông đúc, những nơi có nhiều “bến xe cóc” thì xe khách chạy rất chậm, thậm chí gần như là đỗ một chỗ hoặc chạy quần đảo với mục đích kiếm thêm hành khách.

Chính kiểu chạy này đã tiêu tốn rất nhiều thời gian. Vì vậy, để kịp về bến như quy định, khi ra đoạn đường vắng hoặc những đoạn đường thường không có khách đón dọc đường thì tài xế sẽ đạp ga hết cỡ, tăng tốc để bù vào thời gian kia. Chính vì kiểu chạy bù này khiến nhiều xe khách nhiều lúc đạt đến tốc độ trên dưới cả trăm km/giờ, mà trường hợp vụ TNGT tại Đà Nẵng vào ngày 29-4 vừa qua là một ví dụ khi thời điểm gây tai nạn vận tốc của xe khách lên đến 85km/giờ.

Hoặc như trường hợp tai nạn xảy ra ngày 7-5 tại Trà Vinh vừa qua thì vận tốc đã lên đến 110km/giờ; hay mới đây vào ngày 9-5, chiếc xe buýt gây tai nạn ở thành phố Hồ Chí Minh kéo một xe máy vào gầm xe chạy với tốc độ được người dân mô tả như là “đua xe”...

Để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, từ nhiều năm nay, ngành vận tải cả nước đã mạnh dạn đầu tư phương tiện, nâng cao thái độ phục vụ, bảo đảm chính xác giờ xuất bến và về đến bến... Những điều này hoàn toàn đúng và được người dân ủng hộ. Thế nhưng, chính việc máy móc áp dụng thời gian chạy trên đường phải tuyệt đối cộng với hình thức các doanh nghiệp khoán doanh thu cho các tài xế… đã đặt chính các bác tài vào thế chạy bù vô cùng nguy hiểm.

Thực tế, các cơ quan quản lý cũng đã nhận ra “lỗ hổng” chết người này và việc yêu cầu lắp đặt thiết bị hành trình trên xe khách được trông đợi là chiếc “vòng kim cô” khiến các tài xế không chạy ẩu, coi thường sinh mệnh người khác. Thế nhưng, với những quy định như chỉ yêu cầu lắp đặt thiết bị này với xe khách chạy trên cung đường từ 300km trở lên, hoặc chưa có văn bản quy định cho phép lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra xử phạt đối với các xe khách không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình… đã vô hiệu hóa một công cụ quản lý rất hữu hiệu này.

Rõ ràng, còn có quá nhiều lỗ hổng trong quản lý khiến tình trạng xe khách chạy bù vẫn diễn ra khắp nơi, mặc cho TNGT tăng theo tỷ lệ thuận. Trong thời gian đến, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý ngay từ gốc rễ tình trạng chạy bù này. Có vậy mới hy vọng giảm thiểu được những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng như thời gian qua.

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.