.

Ý thức quyết định

Việc lưu thông một chiều trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và Lê Lợi - Phan Châu Trinh đang góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị của thành phố Đà Nẵng. Một tháng thí điểm rồi sẽ qua, dù các biện pháp chế tài sẽ được áp dụng từ ngày 1-8 tới, nhưng một thành phố văn minh, hiện đại vẫn luôn cần ý thức của người dân hơn việc dùng đến chế tài.

Một số địa điểm tại tuyến đường Phan Châu Trinh và Lê Lợi đã không còn ách tắc cục bộ. Không còn cảnh ô-tô đậu song song nhau ở hai bên đường tạo nên sự vướng víu cho bao người đi lại. Cũng không còn hình ảnh người tham gia giao thông phải phi lên vỉa hè để tránh ách tắc cục bộ hoặc phải đứng đợi các ô-tô từ 2 chiều nối đuôi nhau. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người dân Đà Nẵng đã bày tỏ niềm vui khi các tuyến đường trung tâm được áp dụng lưu thông một chiều trở nên thông thoáng. Nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng ngày càng phát triển thì sẽ càng có thêm những tuyến đường một chiều để giãn lượng phương tiện lưu thông và tạo sự an toàn hơn. 

Tuy nhiên, trong những ngày thí điểm vừa qua, ngoài việc phần lớn người dân chấp hành lưu thông một chiều, một số người dân địa phương và ngoại tỉnh vẫn vi phạm. Thậm chí, vẫn có một vài ô-tô chạy nghênh ngang ở những điểm vắng cảnh sát giao thông, bất chấp biển báo với gạch ngang màu trắng nổi bật trên nền đỏ rực rỡ cấm ngược chiều. Dù là vô tình hay cố ý, dù là sự lơ đãng hay coi thường quy định trong một tháng thí điểm, những hình ảnh đi ngược chiều đều trở nên phản cảm. Không ít người đi đúng tuyến đường đã ngoái lại nhìn người vi phạm. Câu hỏi đặt ra là nếu không có cảnh sát giao thông chốt ở những ngã rẽ để phân luồng và nhắc nhở người vi phạm thì việc chấp hành quy định mới phải chăng sẽ không đạt được hiệu quả cao.  

Trước một quy định mới, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng vẫn luôn trông chờ vào ý thức chấp hành. Bởi lẽ, ý thức cao sẽ đơn giản hóa các quy định và có thể nói nôm na rằng, ý thức tốt sẽ “vô hiệu hóa” chế tài. Giữa ý thức và chế tài là khoảng cách dài nhưng ranh giới giữa 2 khái niệm này cũng quá đỗi mong manh. Nếu ý thức tốt thì không bị xử lý chế tài. Nhưng nếu ý thức kém, cố tình vi phạm thì đương nhiên các biện pháp chế tài sẽ được áp dụng để nhắc nhở, cảnh cáo. Ý thức tốt phản ánh sự tự nguyện tuân thủ pháp luật và quy định của Nhà nước.

Trong khi đó, chế tài là việc bắt đắc dĩ, là biện pháp trừng phạt cho hành vi không tuân thủ pháp luật và quy định của Nhà nước mà cả người xử lý lẫn người bị xử lý đều không mong muốn. Trong mọi trường hợp, ý thức vẫn được xem là điều kiện tiên quyết và mang lại hiệu quả nhất. Đà Nẵng được du khách yêu mến không chỉ vì sự phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, vì những chủ trương an dân, mà còn vì lòng hiếu khách và sự thân thiện của con người ở thành phố bên sông Hàn. Vì thế, trên hành trình xây dựng cũng như phát triển thành phố văn minh, hiện đại, cần lắm ý thức trong việc chấp hành các quy định, chủ trương, để góp phần giữ vững và nâng tầm thương hiệu Đà Nẵng.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.