.

Mùa thi và chỗ trọ

Thông tin báo chí cho biết: Đại học Đà Nẵng đã chuẩn bị chỗ trọ cho 3.400 thí sinh đến Đà Nẵng dự thi, tất cả những chỗ trọ đó đều được cho thuê với giá rẻ và có thông báo, chỉ dẫn cần thiết cho các thí sinh và đặc biệt, những thông tin đó được in đầy đủ trên giấy báo dự thi (!)

Có thể nói rằng, những thông tin ngắn trên đây đã có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với hàng ngàn gia đình – thí sinh dự thi. Bởi lâu nay ai cũng biết cái nghiệp sĩ tử lên đường đi ứng thí bao giờ cực nhất cũng là chỗ ở, chỗ ăn. Ông cha ta thường nói “sẩy nhà ra thất nghiệp”. Những vấn nạn về chỗ trọ luôn đi kèm với bao sự thách thức như thuê nhà ở đâu, tình trạng bị “chặt chém” về giá đến mức nào, môi trường ăn ở có thích hợp với thời gian mươi ngày nửa tháng đi thi hay không... Những nỗi lo đó đã gần như được hóa giải bằng cách nghĩ, cách làm – cũng theo diễn đạt thâm thúy của cha ông: Có an cư mới lạc nghiệp. Làm sao có thể thi cử cho tốt nếu chỗ ở trọ ồn ào, giá cả thì cao, sự phiền nhiễu luôn thúc bách? Tất nhiên, cái sự hiểu vẫn là một chuyện khác so với cách nói được, làm được.

Về nguyên tắc, trường đại học chưa phải có trách nhiệm với các thí sinh chưa biết đỗ hay trượt. Nhưng, trên thực tế, việc làm vừa rồi của Đại học Đà Nẵng là một tín hiệu tốt lành về nhiều mặt.

Trước hết, nó là một phần trong sự đồng thuận, đồng lòng của trí thức Đà Nẵng đối với mục tiêu xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp mà UBND thành phố đã đề ra. Bất kỳ một chủ trương lớn nào mà thiếu đi sự chung sức của đa số thì đều khó có thể thành công một cách đáng tự hào. Thứ hai, Đại học Đà Nẵng đã đột phá ở khâu “dễ nhất” về quan niệm nhưng lại khó nhất về cách thực hiện. Tức là đã giải được bài toán khó về thực tế nghiệt ngã của thời kinh tế thị trường. Tất nhiên, “ý muốn” của cán bộ, nhân viên Đại học Đà Nẵng sẽ không hóa giải được thách thức đó nếu không có sự thông hiểu và đồng cảm của người dân. Sự phát triển về dân trí (thông cảm với khó khăn của những người cùng cảnh ngộ, không tham lam, thiển cận khi đặt giá, “hét” giá), sự am hiểu về xã hội và sự nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của “công dân Đà Nẵng” đã tạo nên sự cộng hưởng thú vị và đáng trân trọng của thành công trên đây.

Tất nhiên, nếu so sánh với chuyện sẽ có hàng chục ngàn thí sinh đến Đà Nẵng dự thi trong mùa thi đại học và cao đẳng năm nay thì 3.400 chỗ trọ vẫn là một con số còn khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu nhìn sang các địa phương khác thì ta biết rằng đây là một cố gắng thật sự. Chẳng hạn, dù Thành đoàn Hà Nội đã vào cuộc và huy động “sức mạnh” với mức độ cao nhất, cũng chỉ lo được có 2.000 chỗ trọ miễn phí cho các thí sinh. Trong khi đó, Đại học Đà Nẵng đã “tự thân” nỗ lực để chuẩn bị đến mức tốt nhất có thể, là việc làm vừa thể hiện tính chủ động, cách nghĩ và cách làm mới của một cơ sở giáo dục quyết tâm thay đổi, đột phá trong việc tiếp cận bằng nhiều cách đối với mục tiêu hướng tới đổi mới giáo dục một cách toàn diện. Nếu trường đại học nào cũng làm được như thế thì chắc chắn rằng nỗi khổ, sự vất vả của thí sinh đã giảm đi rất nhiều. Mặt khác, trên ý nghĩa nhân văn thì tầm rộng và cách nhìn xa ấy còn phản ánh rằng dù “chim chưa đến đậu”, nhưng “đất lành” đã mở rộng vòng tay để đón, để chờ...

Chỗ trọ cho một mùa thi mới rất có thể là điểm khởi đầu, góp phần làm cho Đà Nẵng xanh hơn, đẹp hơn. Xin cảm ơn Đại học Đà Nẵng vì trách nhiệm và nghĩa cử thật đáng được trân trọng...

Hà Văn Thịnh
;
.
.
.
.
.