Phải đổi mới mạnh mẽ trong tư duy kiến tạo phát triển ĐBSCL

.

Muốn ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách tiếp cận theo hướng mở trên nền tảng tri thức khoa học công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế.

Sáng 26-9 tại TP. Cần Thơ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai mạc Hội nghị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng. ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do BĐKH, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong và các hoạt động nhân sinh khác, cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý Nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp.

Phó Thủ tướng đề nghị hội nghị phân tích, nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do BĐKH, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn; dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng ĐBSCL và các định hướng chuyển đổi lớn…

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận chuyên đề về “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, phát triển bền vững ĐBSCL, ứng phó hiệu quả, thích ứng lâu dài với biến đổi khí hậu cần cách tiếp cận bài bản, khoa học, vì người dân. Về quan điểm chung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng sự phát triển bền vững của ĐBSCL phải gắn liền với khắc phục hiệu quả, thích ứng lâu dài với những tác động nhiều chiều của BĐKH.

Về cách tiếp cận vấn đề, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần bắt đầu từ việc đánh giá toàn diện, đầy đủ những tác động, từ đó xây dựng kịch bản ứng phó hiệu quả, thích nghi bền vững với BĐKH. Dựa trên cơ sở các kịch bản này, sẽ xây dựng được quy hoạch phát triển tổng thể, từ đó kế hoạch hóa, chỉ rõ nguồn lực, định hình những giải pháp triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể. Cuối cùng là khâu tổ chức thực hiện những kế hoạch phát triển đã đề ra một cách hiệu quả nhất.

 “Trước mắt phải có các giải pháp ứng phó hiệu quả với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; hạn chế nhiễm mặn, thiếu nước ngọt; bảo đảm an toàn đời sống cho người dân. Với những vấn đề không thể ứng phó ngay, sẽ cần các kịch bản thích ứng lâu dài, bền vững”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Dựa trên kịch bản ứng phó, thích ứng BĐKH, sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL. Những quy hoạch này vừa là công cụ để phát triển, vừa là công cụ pháp lý trong quá trình chỉ đạo điều hành.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý thêm, trong rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL, cần gắn quy hoạch với tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực, sản phẩm; gắn quy hoạch với việc ứng phó với BĐKH, nước biển dâng cũng như các thách thức của vùng ĐBSCL.

Kế hoạch hóa thực hiện quy hoạch tổng thể cần đặc biệt chú ý việc xác định, huy động các nguồn lực đầu tư (Nhà nước, tư nhân trong và ngoài nước…) đi đôi với nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

* Kết quả thảo luận, trao đổi ngày thứ nhất sẽ được báo cáo tại phiên toàn thể ngày thứ 2 (27-9) do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, là cơ sở để tiếp tục trao đổi đi đến thống nhất các định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, khả thi, nguồn lực và cách thức tổ chức thực hiện.

Để chuẩn bị cho buổi chủ trì phiên thảo luận toàn thể tại Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn tới năm 2100 ngày 27-9 tại Cần Thơ, chiều 26-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đi thị sát bằng trực thăng các khu vực bị ảnh hưởng và tác động bởi biến đổi khí hậu thuộc vùng ĐBSCL.

B.T

;
.
.
.
.
.