Chăm lo kịp thời cho trẻ em vượt khó

.

Chương trình đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố Đà Nẵng, do Tổ chức CAA-A (Thụy Điển) tài trợ qua 11 năm thực hiện đã cho thấy hiệu quả thiết thực.

Hỗ trợ tiền cho các em mua phương tiện đi lại.
Hỗ trợ tiền cho các em mua phương tiện đi lại.

Tổ chức CAA-A tên tiếng Việt là “Trẻ em là tất cả”, bắt đầu tài trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Đà Nẵng từ năm 2006. Đối tượng được tài trợ là trẻ mồ côi nghèo, được các cấp Hội CTĐ phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, chọn lựa và giới thiệu. Trên cơ sở đó, những nhà hảo tâm Thụy Điển nhận làm người đỡ đầu từng em và trợ cấp hằng tháng 10 USD/em, đồng thời hỗ trợ quần áo, sách vở nhân dịp tựu trường, khen thưởng cuối năm học và tặng quà dịp năm mới. Mọi khoản hỗ trợ đều chuyển qua tài khoản của Hội CTĐ thành phố và hội như “cánh tay nối dài” của nhà tài trợ đến với trẻ được đỡ đầu.

Toàn thành phố đã có 65 học sinh được nhận tài trợ từ chương trình này. Em Lương Quốc Vương (phường Chính Gián, quận Thanh Khê), một trong những em đầu tiên được nhận học bổng của Tổ chức “Trẻ em là tất cả”, có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Cha mất sớm, mẹ tần tảo bán đậu hũ nuôi 3 con nhỏ, Quốc Vương lại bị dị tật hở hàm ếch nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của Hội CTĐ và người đỡ đầu từ Thụy Điển, em đã vượt qua mặc cảm, học hết THPT và thi đỗ vào Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Bây giờ, Quốc Vương đã trở thành thợ inox, làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân trên đường Lê Độ. Còn em Trần Bảo Ngọc (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) được đỡ đầu từ năm 2006, khi em mới học lớp 4. Đến nay, em đã là sinh viên năm thứ 3 tại Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng). “Cán bộ Hội CTĐ vẫn thường đến thăm và động viên em cố gắng học giỏi để ra trường dễ xin được việc làm”, Bảo Ngọc chia sẻ.

Hằng năm, các em viết thư thăm hỏi và báo cáo kết quả học tập với người đỡ đầu; theo đó, mối quan hệ giữa các em với người đỡ đầu ngày càng khăng khít. Hội CTĐ thành phố cũng thường xuyên trao đổi với nhà tài trợ về tình hình học tập và hoàn cảnh gia đình của từng em; đồng thời vận động nhà tài trợ hỗ trợ thêm những nhu cầu bức thiết của các em. Không ít trường hợp đã được hỗ trợ thêm xe máy, xe đạp ngoài kinh phí học tập.

Tổng kết năm học 2016-2017, không em nào trong số các em được tài trợ là học sinh yếu, tỷ lệ khá, giỏi đều tăng lên so với năm trước. Từ Thụy Điển, nhiều nhà bảo trợ đã đến thăm, tặng quà cho những học sinh mồ côi nghèo do mình đỡ đầu để các em càng có động lực vượt khó vươn lên. Em Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà), vừa đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 9 cấp thành phố cho biết: Bà Krestin Glenstedt Stolt - người đỡ đầu của em, thường xuyên giúp đỡ và động viên em nỗ lực vượt khó học giỏi.

Qua 11 năm thực hiện chương trình đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đã có nhiều em tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Em Lê Thị Đào (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đã tốt nghiệp đại học Luật, đang công tác tại Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng, tâm sự: “Em không bao giờ quên các cán bộ CTĐ và nhà tài trợ người Thụy Điển đã giúp đỡ em có cuộc sống hôm nay”.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.