.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Nhiều vấn đề trở nên rõ ràng

.

Thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản rườm rà, nỗi lo về rau an toàn, quá tải Bệnh viện Phụ sản-Nhi… là những vấn đề cử tri quan tâm được đặt ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong ngày làm việc thứ 3 của HĐND thành phố khóa IX diễn ra sáng 8-12.

Đại biểu Lê Trung Chinh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Đặng Nở
Đại biểu Lê Trung Chinh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Đặng Nở

Để tư nhân đầu tư thì không có “bôi trơn”

Tham gia ý kiến với nội dung trả lời của Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến về giải pháp nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phụ sản-Nhi, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh đề nghị nghiên cứu áp dụng mô hình đầu tư hợp tác công - tư (PPP), liên kết, liên doanh, xã hội hóa đầu tư để mở rộng, nâng công suất giường bệnh của bệnh viện, vốn đang quá tải nhiều năm nay. Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh, ngân sách không thể bố trí nguồn kinh phí lên đến 2.200 tỷ đồng. Nếu xin Trung ương, với thủ tục hiện nay có thể 10 năm nữa cũng chưa thể làm được, mà chủ trương Chính phủ đang giảm cơ chế xin-cho, trong khi đó, thành phố phải dành nguồn lực phát triển nhiều lĩnh vực khác. “Nếu tư nhân làm được, làm tốt hơn thì để họ làm. Mà để tư nhân làm thì không có chuyện “bôi trơn”, họ còn làm nhanh hơn nữa vì chậm một ngày là phải trả lãi vay ngân hàng”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh nói.

Trước đó, trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB), Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết mặc dù đã nâng công suất giường bệnh từ 600 lên 900 giường nhưng Bệnh viện Phụ sản-Nhi vẫn quá tải, vượt công suất giường 185%. Trong khi đó, không thể xin nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do đây là bệnh viện chuyên ngành, ngân sách thành phố cũng khó khăn. Nếu được phép liên doanh, liên kết hoặc xã hội hóa đầu tư, việc nâng cấp bệnh viện sẽ nhanh hơn.

Năm 2017,  100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày

Trả lời chất vấn của các ĐB, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đình Vĩnh cho biết thành phố đã đầu tư cơ sở vật chất trường lớp bảo đảm cho 95,68% học sinh (HS) tiểu học được học 2 buổi/ngày. Các quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để đến năm học 2017-2018, 100% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Về chất lượng giảng dạy, nhờ tổ chức 2 buổi học/ngày, chương trình học của HS được giãn ra, giảm gánh nặng khi học dồn kiến thức trong 1 buổi. Bên cạnh đó, HS được học thêm các môn khác: Ngoại ngữ, âm nhạc, năng khiếu… Ngành Giáo dục cũng đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho HS tiểu học học bơi với mục tiêu khi các em học hết lớp 5 đều biết bơi. Trả lời chất vấn về kích thước bàn ghế chưa phù hợp với thể trạng HS, ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết nguyên nhân là do các trường tận dụng lại bàn ghế cũ. Năm 2017, ngành sẽ triển khai đề án đầu tư bàn ghế đúng chuẩn.

Vì sao mùa mưa lại khởi công công trình?

Trả lời câu hỏi của các ĐB Lê Thị Mỹ Hạnh, Phan Thị Thúy Linh vì sao các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) chậm và cứ mùa mưa mới khởi công công trình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn cho biết do năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công; quy trình, thủ tục đều thay đổi. Trong khi đó, văn bản hướng dẫn luật của Trung ương chậm ban hành, có những văn bản bãi bỏ hoàn toàn, được thay thế bằng những quy định mới nên các thủ tục phải làm lại từ đầu, dẫn đến chậm. Tình trạng này là cả nước chứ không riêng gì ở Đà Nẵng. Còn nguyên nhân chủ quan là do quy trình phân ra rất nhiều ngành tham gia thẩm định, mất nhiều thời gian. Ông Sơn đề nghị Sở Nội vụ hỗ trợ xây dựng quy trình thẩm định theo mô hình “một cửa” để rút ngắn hơn thời gian.

Giải thích lý do một số công trình thi công vào mùa mưa, ông Sơn cho biết đó là những công trình phát sinh được bổ sung ngoài danh mục của UBND thành phố. Do vậy, thủ tục phải làm lại từ đầu đến cuối năm là xong, khi thi công lại rơi vào mùa mưa. Giải pháp khắc phục là bố trí một nguồn vốn chuẩn bị đầu tư dành cho những công trình đã có chủ trương rồi và hoàn thành thủ tục trước một năm để sang năm sau là thi công và tránh mùa mưa.

Chỉ kiểm nghiệm được 80/1.773 loại hoạt chất bảo vệ thực vật

Trả lời chất vấn của các ĐB Lê Thị Thanh Minh, Cao Thị Huyền Trân về việc thành phố có thể kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của 90% lượng rau củ quả nhập vào Đà Nẵng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban cho biết có một số vấn đề ngoài tầm kiểm soát. Theo đó, hiện nay có 1.773 loại hoạt chất bảo vệ thực vật, gần 4.000 nhãn hiệu, 33.200 đơn vị kinh doanh nhưng đơn vị kiểm nghiệm chỉ kiểm nghiệm được 80 loại hoạt chất bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đưa vào danh mục quản lý 40 loại hoạt chất. Ông Ban cũng giới thiệu 2 cửa hàng bán rau sạch ở Đà Nẵng có giấy chứng nhận VietGAP hoặc của cơ quan Nhà nước: một ở số 133 Quang Trung, một tại siêu thị Coop Mart (số 487 Điện Biên Phủ).

Đề xuất giải pháp kiểm soát ATVSTP, ông Ban đề nghị thành lập Ban quản lý chuyên trách về ATVSTP. Đồng thời, thành phố cần tách hẳn chợ đầu mối ra khỏi chợ Hòa Cường để làm một chợ đầu mối nông sản mới, nơi hàng hóa được kiểm tra trước khi phân phối ra khắp thành phố.  

Về giải pháp phát triển rau an toàn, ông Ban cho rằng không nên đặt vấn đề này ra nữa vì theo quy hoạch đến năm 2020, huyện Hòa Vang có cơ cấu nông nghiệp chỉ còn 12%, không đủ đất phát triển. Mặt khác, mô hình rau VietGAP đang áp dụng hiện nay tốn ngân sách hỗ trợ đến 13 triệu đồng/ha nhưng hiệu quả không cao, rủi ro nhiều, lợi nhuận không cao. Theo ông Ban, thành phố chỉ phát triển nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch, tạo cảnh quan cho thành phố, còn thiếu bao nhiêu thì nhập bên ngoài. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng người dân không quan tâm rau trồng tại thành phố hay nhập mà chỉ quan tâm có an toàn hay không và trách nhiệm của ngành nông nghiệp là ở đây.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh đánh giá các đại biểu đã đầu tư thời gian, trí tuệ đặt câu hỏi chất vấn đầy tâm huyết, thẳng thắn, sâu sát, đặc biệt là có chất lượng, đáp ứng nguyện vọng, ý kiến của cử tri. Các giám đốc sở và lãnh đạo UBND thành phố trả lời cơ bản đạt yêu cầu, nắm được công việc trên lĩnh vực mình phụ trách. Chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn cao hơn kỳ họp trước. Các vấn đề chất vấn đều rất nóng, cử tri rất quan tâm. Vấn đề quan trọng là lãnh đạo thành phố, các sở phải giữ lời hứa trước cử tri, đại biểu, tổ chức thực hiện đáp ứng kỳ vọng của cử tri.

Kinh tế là “chân ga”, văn hóa là “chân phanh”

Trả lời chất vấn của các ĐB, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Huỳnh Văn Hùng đánh giá việc đầu tư cho văn hóa trong 3 năm gần đây là thỏa đáng nhưng nếu tính cả 20 năm kể từ khi thành phố trực thuộc Trung ương thì rất ít. Năm 2013, Đà Nẵng chỉ đứng thứ 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tỷ lệ đầu tư cho văn hóa. Thời gian đến, thành phố cần đầu tư cho văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, trong đó phải giải quyết ba vấn đề là nguồn lực kinh tế, thiết chế vật chất và nhân lực; coi kinh tế là “chân ga”, văn hóa như “chân phanh” để “điều tiết, giữ thăng bằng cho chiếc xe”.

APEC 2017: Cơ hội quảng bá du lịch, thu hút đầu tư

Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Ngoại vụ Lâm Quang Minh cho biết thành phố đang phối hợp tốt với Ủy ban quốc gia APEC 2017 để chuẩn bị cho sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng vào tháng 11-2017. Cùng với đó, thành phố cũng chuẩn bị những nội dung cần thiết để khai thác APEC 2017 như là một cơ hội để quảng bá du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.