.

Nguy cơ mất an toàn tại các hồ điều tiết

.

Từ vụ việc hai cháu bé chết đuối xảy ra tối 19-8 tại hồ điều tiết khu dân cư Phước Lý tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về mất an toàn tại các hồ điều tiết trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đòi hỏi ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có phương án để đảm bảo an toàn.

Lãnh đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 20 hồ điều tiết, có nhiệm vụ điều tiết nước vào mùa mưa lũ, điều hòa khí hậu vào mùa nóng. Các hồ điều tiết đa số nằm sát khu dân cư hoặc tập trung ở các địa điểm vui chơi, giải trí nhưng rất mất an toàn, không có lan can, ít có biển cảnh báo.

Tại hồ Bàu Trảng (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), bao quanh 4 mặt hồ là khu dân cư, nhưng hồ không có một rào chắn hay cảnh báo nào. Tại hồ Xuân Hà A và hồ Thiên Nga (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) thì mức độ nguy hiểm càng cao hơn. Đặc biệt tại hồ Thiên Nga, mặt hồ nằm ở phía tây giáp với khu dân cư đông đúc.

Bên hồ là con đường bê-tông dẫn vào khu dân cư rộng chừng 4m. Từ hồ lên mặt nền bê-tông là phương thẳng đứng, nước sâu. Nhiều người dân khu vực này cho biết, hồ này vào mùa mưa nước rất sâu, hơn nữa đường không có rào chắn, chỉ cần sơ suất là có thể rơi xuống hồ, bất kể trẻ nhỏ hay người lớn. Để cảnh báo người dân, UBND phường Hòa Khê đã dựng bảng cảnh báo: “Khu vực nước sâu nguy hiểm”.

Hồ Công viên 29-3, hồ Thạc Gián và Vĩnh Trung đều có diện tích mặt nước rất lớn, mực nước sâu, nhưng vẫn không có lan can bảo vệ an toàn. Chiều chiều, trên hồ Công viên 29-3 có hàng trăm người dạo mát, có cả thiếu nhi vui đùa sát bờ hồ. Tại hồ Thạc Gián, một số trẻ em dùng cây nghịch nước rất nguy hiểm. Một nhân viên bán quán tại đường Văn Cao cho biết: “Trẻ nhỏ thường hay đùa nghịch trên bờ hồ vào buổi chiều tối mà không có người lớn trông coi, tôi thấy rất nguy hiểm. Hồ này chỉ sẩy chân xuống là đuối nước thôi”.

Đại tá Nguyễn Phong, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố cho biết, nguyên nhân vụ hai cháu bé chết tại hồ điều tiết Phước Lý là do hồ này không có lan can, không có biển cấm tắm, trẻ nhỏ đi tắm không có phụ huynh đi kèm. Các địa phương cần phải có biển báo cấm hoặc cảnh báo nguy hiểm tại các hồ. Khi xảy ra tai nạn người dân cần phải điện báo ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy theo số 114.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần nghiên cứu các phương án bảo vệ tại các hồ để đảm bảo an toàn cho người dân và trẻ nhỏ…

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.