.

Nhớ mãi trận đánh kho xăng Liên Chiểu

.

Năm 1965, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng hòng xây dựng căn cứ chiến lược, phát triển lực lượng để mở rộng chiến tranh, đánh phá miền Bắc nước ta. Ngày ấy, trên địa bàn Đà Nẵng, kho xăng Liên Chiểu chính là nguồn nuôi sống phương tiện chiến tranh của vùng 1 chiến thuật  địch, được bảo vệ canh giữ rất nghiêm ngặt.  Tuy vậy, với tài “xuất quỷ nhập thần”, Đại đội 1 Tiểu đoàn đặc công 89 Quảng Đà đã làm nên chiến thắng vang dội tại chính kho xăng này.

Kho xăng Liên Chiểu nằm ở phía nam đèo Hải Vân, được quân đội Mỹ xây dựng kiên cố, trở thành kho xăng lớn nhất miền Trung với hệ thống bảo vệ dày đặc khép kín bằng mìn và hàng rào thép gai bao bọc vòng trong, vòng ngoài, cùng với hệ thống đèn pha đến một con rắn bò qua cũng không lọt. Kho xăng được bảo vệ bởi một đại đội bảo an thường trực và hai đại đội tuần tra vòng ngoài.

Bọn chúng khẳng định đây là nơi “bất khả xâm phạm” của Quân lực Việt Nam cộng hòa, thực hiện việc cung cấp xăng dầu cho các phương tiện chiến tranh, phục vụ các cuộc hành quân, càn quét gây tội ác đối với đồng bào. Chúng tuyên bố: “Chỉ khi nào núi Hải Vân sụp đổ lấp hết vịnh Đà Nẵng, thì Việt cộng mới đánh được kho xăng Liên Chiểu”. Vậy mà cuối cùng chúng đã cay đắng nếm thất bại.

Trở lại chiến trường xưa sau 56 năm diễn ra trận đánh kho xăng dưới chân đèo Hải Vân, những cựu chiến binh tóc bạc trắng vẫn không thể quên cảm xúc của giây phút hồi hộp, căng thẳng trước giờ khai hỏa. Đó là ký ức hào hùng khi nhắc về những giây phút quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trong trận đánh năm nào. Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) Hồ Phúc Ngôn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 89 Quảng Đà cho biết về những ngày chuẩn bị trận đánh: “Được chọn là đơn vị đánh kho xăng Liên Chiểu, 13 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn đặc công 89 vô cùng tự hào nhận nhiệm vụ vẻ vang này. Trước giờ nổ súng, 13 cái huyệt được đào sẵn, 13 chiếc khăn quàng đỏ được  đeo vào cổ thể hiện sự quyết tâm hy sinh đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ!”.

Suốt 4 ngày, quân ta nằm giấu mình trong khu rừng cách kho xăng khoảng 250m, áp sát vào bờ kín đến nỗi những con chim đến đậu cũng không hay, những toán biệt kích đi lùng sục cũng đều không phát hiện được. 13 cán bộ, chiến sĩ vượt qua cái đói cồn cào, cái khát cháy cổ, chịu đựng kiến rừng bò lên đốt tím người chẳng ai dám gãi, có người cắn môi đến bật máu để kìm giữ cho cơn ho khỏi bật ra, tất cả đều nhất nhất giữ nghiêm kỷ luật chiến trường, vận dụng chiến thuật của chiến sĩ đặc công để tránh mọi hiểm nguy từ sự rình rập, soi mói của kẻ thù.  

Đêm ngày 4 rạng ngày 5-8-1965, đúng 0 giờ kém 10, các chiến sĩ tiếp cận mục tiêu, vượt qua hàng rào thép gai và bãi mìn dày đặc, một số chiến sĩ ôm B40 chĩa thẳng vào các hỏa điểm sẵn sàng tiêu diệt địch. Một số chiến sĩ lao tới đặt thuốc nổ C4 áp vào thành đáy của tất cả 9 bồn xăng.

Những chiến sĩ khác dùng lựu đạn, thủ pháo sẵn sàng tiêu diệt địch. Lúc 0 giờ 5 phút, sau phát pháo hiệu đỏ, tất cả các quả mìn đồng loạt nổ long trời lở đất, lửa từ các bồn xăng cháy chập vào nhau biến thành một biển lửa trùm kín kho xăng Liên Chiểu, sáng rực cả đèo Hải Vân. Những tên địch sống sót bỏ chạy tán loạn, một số bị xăng đốt cháy, một số đạp phải mìn chúng tự gài. Những tên còn lại quăng súng đầu hàng.

Lúc này xăng theo độ dốc chảy tràn xuống biển, tạo thành nhiều con rồng lửa lướt sóng ra hướng cảng sâu, làm cho 30 tàu địch hoảng loạn bỏ chạy, rú còi thảm thiết. Sau trận đánh 1 giờ, các chiến sĩ đặc công rút lui về đến căn cứ an toàn. Địch gấp rút cho xe tăng thiết giáp, xe cứu hỏa và máy bay trực thăng đến chữa cháy để cứu kho xăng nhưng hoàn toàn vô hiệu. 9 bồn xăng chứa 20 triệu lít đã bị thiêu sạch cùng với 9 toa tàu, 6 ô-tô chuyên dụng chở xăng di động, một đại đội bảo an của địch bị tiêu diệt gọn.

Với chiến thắng vang dội, trận đánh kho xăng Liên Chiểu của Tiểu đoàn đặc công 89 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba. Trở về chiến trường xưa,  những chiến sĩ đặc công 89 năm nào trào dâng những cảm xúc thiêng liêng dành cho đồng đội. Cựu chiến binh Trịnh Xuân Tạo, Mũi trưởng Tiểu đoàn Đặc công 89, Quảng Đà năm xưa nói trong niềm xúc động: “Trở về nơi cách đây 56 năm diễn ra trận đánh lịch sử, chúng tôi thấy như còn nguyên vẹn lời thề quyết tâm hy sinh cho Tổ quốc của một thời trai trẻ.

Niềm tự hào, vinh dự ấy luôn nhắc nhở chúng tôi tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường, để tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ đặc công 89 Quảng Đà vẫn mãi trường tồn, trở thành biểu tượng cao đẹp của lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, noi theo”.

CÁT TƯỜNG

;
.
.
.
.
.