.

Voọc chà vá - biểu tượng mới của Đà Nẵng

.

Trong những năm trước đây, các tấm thiệp chúc mừng năm mới của lãnh đạo thành phố thường được in hình ảnh hoa mai, hoa đào hoặc các công trình lớn, có tính biểu tượng của thành phố như cầu Sông Hàn, Cầu Rồng, Trung tâm hành chính...

Nhưng trong thiệp chúc mừng năm mới Bính Thân 2016 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có một điểm đặc biệt: ở trang 2 của tấm thiệp in ảnh “Gia đình nhà Voọc” và thông tin ngắn gọn về loài Voọc chà vá chân đỏ.

Với đặc trưng 5 màu, Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là Chà vá chân đỏ hoặc Voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp khác thường của nó.

Loài này thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này ở Sơn Trà có khoảng 530 cá thể, chiếm tới 83% số lượng vọoc trong thiên nhiên được biết đến trên thế giới.

Theo số liệu khảo sát nghiên cứu, theo dõi của Tổ chức bảo tồn Voọc chà vá quốc tế và theo các nghiên cứu được công bố mới nhất của nhiều chuyên gia trong nước cho thấy, trong khi loại linh trưởng này có nguy cơ tiệt chủng trên thế giới, thì tại bán đảo Sơn Trà lại đang phát triển ổn định.

Được phát hiện nghiên cứu từ năm 1969, đến nay đã có nhiều đoàn nghiên cứu khảo sát trong và ngoài nước thực địa để tìm hiểu sâu về loài linh trưởng quý hiếm đặc biệt này. Nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước cũng đã đến đây, vì vậy hình ảnh loài Voọc chà vá chân nâu tại núi Sơn Trà đã được thế giới biết đến rộng rãi.

Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ của thành phố trong thời gian gần đây, trong đó có ngành du lịch, đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của loài linh trưởng này. Trước thực trạng đó, chính quyền thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng phối hợp với Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng và các đơn vị có liên quan trong quá trình nghiên cứu, rà soát quy hoạch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cần lưu ý đến vấn đề bảo tồn loài voọc chà vá, đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời vận động người dân địa phương từ bỏ tập quán săn bắt chim, thú và lấy củi tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Mới đây, đồ án Quy hoạch bán đảo Sơn Trà do Skidmore, Owings & Merrill LLP (SOM) thực hiện cho thành phố Đà Nẵng đã được giải thưởng về Thiết kế vùng và đô thị năm 2014 của Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ (American Institute of Architects).

Một trong những nguyên nhân quan trọng để đồ án nhận được giải thưởng này là đã đề xuất một loạt những chiến lược nhằm nâng cao vị thế của Sơn Trà như một điểm đến cho du lịch sinh thái đồng thời bảo vệ những tài sản thiên nhiên độc đáo.

Giờ đây, khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Voọc chà vá đã trở thành một phần đáng tự hào khi nhắc tới thiên nhiên phong phú, tươi đẹp nơi đây, dù cho không phải ai cũng đã được chiêm ngưỡng chúng.

Trên diễn đàn Quản lý đô thị: Xanh - Sạch - Đẹp, một trang facebook tập hợp nhiều ý tưởng, góp ý của giới trẻ, đã có nhiều bạn đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ loài linh trưởng quý này như in hình lên các pa-nô, áp phích, các trạm dừng chân xe buýt, cung cấp thông tin, tờ rơi tại nhà ga, bến tàu, sân bay... Voọc chà vá còn được đề xuất xây dựng thành nhân vật trong các truyện tranh thiếu nhi, phim hoạt hình, làm logo về chú Voọc in trên hàng lưu niệm khách du lịch, làm thú nhồi bông Voọc bán rộng rãi cho trẻ em, hay những thùng rác ngộ nghĩnh trên các con phố...

Điều này thể hiện sự quan tâm của giới trẻ, những người chủ tương lai của thành phố và có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển đối với loài động vật đang mấp mé bờ tiệt chủng này. “Tôi có mong muốn làm thế nào để Voọc chà vá được biết đến nhiều hơn nữa và tất cả mọi người sẽ cùng bảo vệ Voọc chứ không nghĩ rằng đó là trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, các nhà bảo tồn thiên nhiên, chuyện của chính quyền”, anh Nguyễn Văn Duy, người sáng lập trang facebook Quản lý đô thị, chia sẻ.

Để cụ thể hóa ý tưởng này, các thành viên trang Quản lý đô thị phối hợp với Tổ chức GreenViet và một số đơn vị cho ra đời trọn bộ 3 mẫu với khoảng 77.000 ngàn bao lì xì Tết Bính Thân 2016 độc đáo, gồm hình tượng cậu bé Đô và cô bé Thị ngộ nghĩnh với lời nhắn “Vì một Đà Nẵng văn hóa, văn minh”, trong đó có 55.000 mẫu có in hình những chú Voọc chà vá chân nâu với dòng chữ “Chung tay bảo tồn đa dạng sinh học”.

Tất cả đều được phát hành miễn phí. Chỉ trong vài giờ chia sẻ trên mạng facebook, toàn bộ số thiệp đã được đăng ký hết. Anh Thanh Hiếu, một thành viên của group, cho rằng: “Đây là hoạt động cộng đồng, người nhận là ai không quan trọng, mục đích chính của việc phát phong bì lì xì này là đến càng nhiều người càng tốt, góp một phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng”.

Chia sẻ với về ý nghĩa tấm thiệp, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nói: “Voọc chà vá chân đỏ là loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ vô điều kiện. Những thông tin về loài Voọc chà vá được in ngay trên tấm Thiệp chúc tết, tôi mong muốn gửi đến mọi người một lời chúc năm Bính Thân an khang, thịnh vượng; đồng thời gửi thông điệp về việc chung tay bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này”.

Với danh hiệu “nữ hoàng” của các loài linh trưởng, Voọc chà vá hoàn toàn có thể trở thành một con vật biểu trưng của Đà Nẵng, giống như vượn cáo của Madagascar hay chuột túi ở Úc. Và bắt đầu từ hôm nay, Đà Nẵng có thể tạo ra một công viên quốc gia mới cho Việt Nam, một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch, bản đồ bảo tồn sinh học của thế giới trên cơ sở bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có những chú Voọc - báu vật của núi rừng Sơn Trà một cách bền vững.

NGỌC THỦY

;
.
.
.
.
.