.

Tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp lại hệ thống báo chí

.

Ngày 26-11, thảo luận về dự án Luật Báo chí (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật bởi Luật Báo chí sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân. Việc sửa đổi Luật Báo chí sẽ góp phần cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.

Các đại biểu nhận định dự án luật trình Quốc hội lần này có nhiều điểm mới về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Dự án luật cũng mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí; lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật nhằm tăng tính khả thi của Luật.

Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) tỏ ý băn khoăn về quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý Nhà nước về báo chí đối với cơ quan báo chí của địa phương vì quy định này có vẻ thêm nấc thang quản lý nữa đối với các cơ quan báo chí vì những thông tin trái chiều ở địa phương dễ bị địa phương “tuýt còi,” báo chí khó có thể tự do hoạt động, nên giao chức năng này cho cơ quan chủ quản hoặc cơ quan báo chí có phóng viên đi thường trú, như vậy việc phân cấp quản lý sẽ hợp lý hơn, tập trung, hiệu quả hơn.

Thảo luận về quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc; cấp phó của người đứng đầu là phó tổng giám đốc, phó giám đốc”, đại biểu Thuận Hữu (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận định quy định này chỉ có thể áp dụng đối với các cơ quan báo đa phương tiện, có rất nhiều ấn phẩm nhưng đối với các cơ quan báo chí nhỏ, chỉ có một ấn phẩm, việc áp dụng quy định này gây thêm nhiều rắc rối trong quá trình quản lý…

Đại biểu Trần Thị Hồng Thắm (Cần Thơ) nêu thực trạng trong những năm gần đây hoạt động báo chí bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại, như thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, sai sự thật, xu hướng thương mại hóa có chiều hướng tăng nhanh. Đáng lo ngại là tình trạng thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, tội ác, thông tin về những chuyện thần bí, mê tín dị đoan… điều này góp phần định hướng lệch lạc trong nhận thức của xã hội, đặc biệt là của giới trẻ. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định của cơ quan quản lý và chế tài cụ thể xử lý đối với các nhà báo không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và tổng biên tập cho phép đăng các nội dung thông tin không phù hợp mới đủ sức răn đe.

TTXVN

;
.
.
.
.
.