.

Nan giải bài toán mưu sinh

.

Buôn bán hàng rong, vé số là hình ảnh quen thuộc trên các tuyến đường ở thành phố, kể cả các tuyến đường cấm. Tuy nhiên, cấm bán vé số, hàng rong là điều không dễ bởi hầu hết những đối tượng buôn bán này đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Bài toán mưu sinh được đặt ra cho lãnh đạo, các ngành chức năng quận Ngũ Hành Sơn tại buổi gặp mặt, đối thoại với 27 hộ buôn bán hàng rong, vé số trên địa bàn vào sáng 26-11.

Bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè là hình ảnh khá quen thuộc trên các tuyến đường ở thành phố.
Bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè là hình ảnh khá quen thuộc trên các tuyến đường ở thành phố.

“Biết vi phạm nhưng không còn cách nào khác”

27 hộ trong buổi gặp mặt đều rơi vào hoàn cảnh hộ nghèo và khó khăn. Vì gánh nặng mưu sinh, họ phải đi bán vé số dạo, bán bánh mì, bánh kẹo, trái cây, đậu hủ… sống qua ngày.

Chị Nguyễn Thị Sớt (tổ 43, phường Hòa Quý) nói trong nước mắt: “Chồng bỏ đi biệt xứ, để lại tôi một mình nuôi 3 đứa con, trong đó một đứa bị khuyết tật. Nghèo quá, ruộng vườn không có, tôi sắm chiếc xe đạp, đi bán bánh mì dạo trên địa bàn quận. Mỗi ngày cũng kiếm được chút ít, đủ mấy mẹ con sống qua ngày. Chừ biểu tui chuyển sang làm nghề khác thì biết làm chi đây, trong khi học vấn không có?”.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Hường (tổ 103, phường Hòa Hải là câu chuyện buồn khác. Chồng chị đau ốm, mất sức lao động, một đứa con phải nghỉ học ở nhà phụ mẹ kiếm tiền, một đứa đang còn đi học. Cuộc sống gia đình dựa vào gánh chè của chị. Nhưng bán trong chợ không đủ sống, đành phải đẩy xe ra các tuyến đường trung tâm bán thêm. “Quy tắc đô thị đuổi thì chạy vào trong hẻm, họ đi rồi lại đẩy ra vì những nơi đông đúc đó mới dễ bán hết. Biết vi phạm nhưng không còn cách nào khác!”, chị Hường bày tỏ.

Trong khi đó, vừa tranh thủ đi lấy vé số cho vợ bán, ông Huỳnh Văn Lộc (tổ 60, phường Khuê Mỹ) hớt hải chạy vào tham gia cuộc họp. Theo người đàn ông này, vợ chồng ông đã gần 70 tuổi nhưng phải đi bán vé số nuôi người con tâm thần nay đã 37 tuổi. “Nghe nói cấm không được bán vé số, tôi lo quá. Cấm rồi thì vợ chồng tôi sống sao đây. Lấy gì ăn, lấy gì thuốc thang cho con”, ông Lộc nói.

Điều này cho thấy còn nhiều đối tượng không hề biết mình được phép buôn bán ở đâu, buôn bán như thế nào là sai quy định…

Giải pháp cho hàng rong, vé số dạo

Lâu nay, hướng chuyển đổi ngành nghề được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, nhất là đối với giải pháp cho buôn bán hàng rong. Tuy nhiên, đa phần nguyện vọng của các đối tượng này cho thấy họ không có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, vì thực tế rất khó để họ tìm được một công việc khác, hoặc mạo hiểm với công việc mới khi phải chạy từng bữa ăn. Vấn đề họ quan tâm là chính quyền hỗ trợ cho một địa điểm để buôn bán. Đối với những người bán vé số dạo, họ lại có nhu cầu vay vốn để mở quầy tạp hóa nhỏ buôn bán, hỗ trợ phương tiện sinh kế và thậm chí có người đề nghị hướng dẫn cách làm ăn.

“Bây giờ chủ trương của thành phố, của quận là cấm bán ở một số tuyến đường chính, tôi thấy cũng khó sống với nghề này. Nhưng tôi không biết làm gì ngoài đi bán vé số vì không có kiến thức, không có nghề nghiệp. Tôi mong muốn được tư vấn, hướng dẫn cách nào để làm ăn, sống qua ngày”, chị Lê Thị Ngọc Hồng (tổ 3, phường Hòa Hải) đề nghị.

Trước những tâm tư, nguyện vọng của người dân, ông Đoàn Ngọc Độ, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết sẽ tìm mọi cách giúp đỡ những trường hợp này bằng nhiều giải pháp. Đó là, ưu tiên những hộ này trong danh sách được hỗ trợ vay vốn ưu đãi; liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở việc làm trên địa bàn quận để bố trí công việc phù hợp như làm phụ hồ, lao công; xem xét hỗ trợ phương tiện sinh kế; rà soát mặt bằng các chợ, các tuyến đường đông dân cư để bố trí địa điểm buôn bán… “Đây chỉ là 27 trường hợp bán hàng rong, vé số có hộ khẩu thường trú tại địa phương, còn rất nhiều trường hợp từ địa phương khác tới đây buôn bán, không thể kiểm soát được. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát tờ thông tin về các tuyến đường cấm buôn bán hàng rong, vé số; đối với những tuyến đường không cấm, vẫn có thể buôn bán nhưng không được lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, gây cản trở giao thông, không chèo kéo, không lợi dụng chăn dắt trẻ em, người già để lấy lòng thương hại, buôn bán văn minh, lịch sự, có văn hóa...”, ông Độ cho biết thêm.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để nạn bán hàng rong trên các tuyến phố du lịch của thành phố Đà Nẵng nói chung và ở các khu danh thắng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nói riêng, rất cần một giải pháp căn cơ hơn về phía chính quyền thành phố và quận Ngũ Hành Sơn để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các đối tượng này, đồng thời phải đề ra lộ trình thực hiện, mà trong một thời gian ngắn khó có thể giải quyết được.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.