.

Văn hóa, văn minh đô thị: Thay đổi nhận thức từ gốc

.

Hơn 20 tham luận được trình bày, thảo luận tại Hội thảo “Năm văn hóa, văn minh đô thị - nhìn từ cộng đồng dân cư”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức sáng 30-9, đã phản ánh nhiều góc nhìn về lý luận, thực tiễn và giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc thay đổi nhận thức của người dân thông qua các mô hình gắn liền đời sống tại từng phường, xã, địa bàn dân cư.

Theo Sở VH-TT&DL, qua 9 tháng triển khai, cuộc vận động xây dựng văn hóa, văn minh đã lan tỏa khá đồng bộ trên khắp các địa bàn dân cư; các đơn vị, địa phương tập trung bám sát tình hình thực tế, chú trọng các tồn tại, bức xúc của ngành, địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời, nâng cao hiệu quả chỉ đạo và xử lý. Trải qua 3/4 chặng đường của “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, bước đầu đã có những tác động đến nhận thức của người dân, tạo chuyển biến tích cực về diện mạo đô thị, trật tự an toàn xã hội, đầu tư thiết chế văn hóa…

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng thực tế, quá trình triển khai thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc và lúng túng trong việc xử lý các hành vi vi phạm.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề chính là công tác tuyên truyền tuy được triển khai đến mọi tầng lớp nhân dân nhưng chưa có những chương trình hành động cụ thể, chưa đi vào chiều sâu. Đáng chú ý, số liệu điều tra xã hội học của Trung tâm Thông tin và nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Thành ủy) cho thấy, tỷ lệ người dân nắm bắt qua sinh hoạt đoàn thể khá thấp, chỉ từ 5-8%.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, công tác xử lý các hành vi vi phạm thiếu kiên quyết, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, những quy định của một bộ phận cư dân thành phố, dân nhập cư chưa cao... cũng là những nguyên nhân đáng quan tâm.

“Có văn hóa, văn minh là cái có khó nhất trong những mục tiêu cần phấn đấu, bởi nó thuộc về nhận thức, thói quen của mỗi người. Do đó, cần có sự chuyển biến, đổi thay từ gốc rễ, từ sâu trong suy nghĩ, nhìn nhận của mỗi người, mỗi nhà. Chúng ta cũng đừng lấy những mỹ từ người ta gắn cho thành phố, rồi lấy đó làm liều thuốc an thần. Cần quan tâm đến hiệu quả, thực chất của mỗi phong trào, hành động, nhất là thực hiện văn hóa, văn minh đô thị ở khu dân cư”, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật thành phố góp ý.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến khác nhấn mạnh trong thời gian đến, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm; tiếp tục duy trì, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các chương trình hành động của thành phố, quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và các tổ chức xã hội trong việc nâng cao nhận thức của người dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, tiến đến xây dựng văn hóa, con người Đà Nẵng phát triển toàn diện.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.