.

Bài học quý từ dân

.

Tất cả vì công trình trọng điểm

Trong những ngày này, trên địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu như một đại công trình. Các dự án lớn, trọng điểm của thành phố như dự án Nhánh 4 (thuộc dự án nút giao thông ngã ba Huế), dự án Khu số 2, Khu số 7 và Trục I-Tây Bắc đều nằm trên địa bàn phường Hòa Minh, với gần 1.000 hộ dân phải ở trong diện giải tỏa đền bù (GTĐB).

Gấp rút thi công cầu vượt Nhánh 4, dự án ngã ba Huế.
Gấp rút thi công cầu vượt Nhánh 4, dự án ngã ba Huế.

Thời gian giải tỏa gấp rút, với số lượng các hộ lớn nên ở từng dự án gặp không ít khó khăn. Tại dự án Nhánh 4 nhiều hồ sơ giải tỏa  có nguồn gốc pháp lý về nhà, đất không rõ ràng, lại tranh chấp dân sự của các bên, tốn rất nhiều thời gian, công sức để thu thập, điều tra, xác minh… ảnh hưởng đến tiến độ.

Tại dự án Khu số 2; Khu số 7-Trung tâm đô thị mới Tây Bắc, dự án Trục I-Tây Bắc việc bàn giao hồ sơ của đơn vị giải tỏa cũ sang đơn vị giải tỏa mới kéo dài, chậm chạp, nên gây nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hồ sơ, làm ảnh hưởng đến tiến độ xác lập hồ sơ dự án. Thời gian thực hiện và hoàn thành dự án ngắn, nên đôi lúc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố thông báo các kết quả giải quyết cho các hộ dân không kịp thời…

Ông Đặng Công Chúng, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu cho biết thêm: “Với số lượng hộ giải tỏa lớn nên nhiều hộ không tìm ra được nhà trọ để thuê, dẫn đến thực trạng các chủ nhà trọ đẩy giá trị thuê nhà lên cao gấp nhiều lần so với mức hỗ trợ thuê nhà của thành phố (thành phố hỗ trợ giá thuê nhà của hộ chính 1,2 triệu đồng hộ/tháng; hộ phụ 1 triệu đồng hộ/tháng; giá thuê nhà thực tế cao gấp đôi, gấp ba lần) gây khó khăn cho công tác vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng”.

Để bảo đảm công trình thi công đúng tiến độ, cán bộ, nhân viên trong HĐGPMB, các cơ quan, đơn vị có liên quan phải ăn dầm, nằm dề tại hiện trường để làm công tác vận động nhân dân GTĐB.

Đề cập về sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại các dự án trọng điểm, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND, kiêm Chủ tịch HĐGPMB quận Liên Chiểu cho biết: “Trước yêu cầu gấp rút của thành phố về tiến độ giải tỏa, UBND quận đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tập trung tiếp dân ngay tại hiện trường dự án để xử lý cụ thể, dứt điểm từng vụ việc. Phần nào thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận, HĐGPMB thì quyết ngay, việc nào vượt quá tầm tay thì kiến nghị cấp trên xử lý nhanh, gọn. Các đơn vị triển khai thực hiện với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao theo chủ trương của UBND thành phố; thống nhất trong mọi hành động, tích cực giải quyết mọi vấn đề liên quan để làm tốt công tác GTĐB”.

Bằng sự phối hợp tổng lực, chỉ trong một thời gian ngắn, quận Liên Chiểu đã hoàn thành sớm công tác GPMB, với gần 1.000 hộ dân giải tỏa mà không có một hộ nào phải thực hiện đến biện pháp cưỡng chế hay xử lý hành chính, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không có điểm nóng xảy ra. Tiến độ GTĐB, bàn giao mặt bằng nhanh đã làm vừa lòng lãnh đạo thành phố và các nhà thầu thi công.

Đánh giá về kết quả này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nhận xét: “Thành phố luôn quan tâm và chỉ đạo sâu sát công trình trọng điểm này, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tế. UBND quận Liên Chiểu đã sát dân, gần dân, luôn có mặt tại hiện trường, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của quận trong năm 2015 và tập trung cao độ trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thành công của công tác GPMB còn phải kể đến sự đồng thuận cao của nhân dân phường Hòa Minh trong vùng dự án, chính họ đã góp phần to lớn trong công tác GTĐB, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án”.

Những bài học quý về công tác đền bù giải tỏa

Qua GTĐB tại quận Liên Chiểu trên những công trình trọng điểm của thành phố như đã phản ánh, có thể rút ra những bài học quý về công tác dân vận. Bài học đầu tiên và muôn thuở là cả hệ thống chính trị đều phải vào cuộc. Vào cuộc ngay từ khi có chủ trương triển khai dự án. Bắt đầu là việc họp dân (cả họp tập thể và hộ gia đình) để công khai cho dân biết về chủ trương thực hiện dự án, hiệu quả của dự án mang lại; hộ nào đi hẳn, hộ nào trong diện chỉnh trang, hộ chính, hộ phụ…

Bài học thứ hai là phải thực hiện công khai, minh bạch các chính sách tài chính trong GTĐB như khung giá đất, mức giá đền bù về cây cối, hoa màu, vật kiến trúc… Bài học thứ ba là phải tạo được sự đồng thuận của người dân mà trước nhất phải tạo được niềm tin trong dân. Ai cũng biết, chủ trương của thành phố là chỗ ở mới của người dân tái định cư phải hơn nơi ở cũ. Nói thì dễ vậy nhưng để người dân tin không phải là chuyện dễ. Đa số các hộ dân trong vùng giải tỏa đã ổn định đời sống, việc làm từ bao đời nay.

Một khu đất rộng vài trăm m2 có thể tăng gia sản xuất, có việc làm quanh năm, đủ nuôi sống cho cả gia đình. Một hộ ở mặt tiền sáng mở cửa ra đã có thu nhập không phải làm lụng vất vả, sau giải tỏa, nhiều hộ không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh. Để dân có niềm tin, lãnh đạo và những người làm công tác vận động phải vì quyền lợi, cuộc sống của người dân vùng giải tỏa là trên hết. Một bài học nữa là phải sát dân, gần dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của dân.

Là lãnh đạo địa phương có rất nhiều dự án trọng điểm đã và đang triển khai, với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác GTĐB, khi đề cập nội dung này, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị tâm sự: “Trong công tác GTĐB diễn ra với thiên hình vạn trạng, không có trường hợp nào giống trường hợp nào. Để sát với từng hoàn cảnh của các hộ giải tỏa, cán bộ làm công tác vận động phải gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Để dân hiểu, dân thông là phải luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, bức xúc của người dân, phải đặt mình trong trường hợp hộ giải tỏa. Không nên cứng nhắc, đóng khung trong cách xử lý mà phải linh động trong từng trường hợp, từng hộ, từng hoàn cảnh cụ thể”.

Nói về công tác vận động, bà Phan Thị Như Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho biết thêm: “Vận động một lần chưa thông thì vận động nhiều lần; vận động tại cuộc họp chưa thông thì tối đến từng nhà “rỉ tai”. Nhiều gia đình cả 3 thế hệ cùng sống, muốn thống nhất chung ý kiến của vợ chồng, con cháu, dâu rể… thì phải chọn ban đêm đến cả nhà đông đủ để vận động.

Nhiều hộ vận động nhiều lần nhưng vẫn chưa thông, tổ vận động cử người kiên trì đeo bám, tiếp cận tìm hiểu nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng, nhờ cả bà con, dòng tộc cùng tác động. Với cách làm mưa dầm thấm lâu, nhiều hộ vận động hàng chục lần nhưng vẫn không chịu rời nơi ở cũ như hộ bà Nguyễn Thị Bích D. (dự án Khu số 2) cuối cùng cũng đã thực hiện giải tỏa”.

Có rất nhiều hộ tại các dự án nói trên chưa nhận tiền đền bù nhưng đã tự động tháo dỡ nhà cửa, tự thuê nhà ở như hộ của ông Nguyễn Văn Lặt, khu vực Trung Nghĩa 4; hộ ông Tăng Tấn Đình, khu vực Trung Nghĩa 1… Chúng tôi thật sự cảm động khi chứng kiến ông Nguyễn Sừng, chưa nhận tiền đền bù đã đập nhà cửa, hiện cả gia đình đang thuê một ngôi nhà tôn cũ, thấp  tại tổ 44 Hòa Minh, ở dưới cái nắng nóng như đổ lửa. Ông Sừng cho biết: “Tôi nhận thấy gia đình có thiệt thòi nhưng mình phải vì lợi ích chung, vì tương lai con cháu mai sau”

. Cũng như gia đình ông Sừng, hộ anh Nguyễn Công Thanh, tổ trưởng tổ 66 phường Hòa Minh (dự án Trục 1 Tây Bắc) đã bàn giao mặt bằng, đang thuê nhà tại đường Phùng Hưng. Anh Thanh cho biết: “Sau khi đập nhà bàn giao mặt bằng 2.228m2 đất, tôi còn đi vận động nhiều hộ khác làm theo mình. Để mang lại lợi ích cho xã hội, tôi nghĩ bản thân mình cũng có một phần đóng góp, chịu ít, nhiều thiệt thòi để đẩy nhanh tiến độ thi công. Nguyện vọng của gia đình tôi cũng như nhiều hộ đang thuê nhà khác là mong thành phố xem xét hỗ trợ thêm mức giá tiền thuê nhà chứ tiền thuê nhà cao quá (tôi thuê nhà 2,3 triệu đồng/tháng, nếu phải chờ đất tái định cư lâu thì tốn kém quá”.

Thực tế những đề đạt của các hộ giải tỏa chờ bố trí đất định cư là hoàn toàn hợp lý bởi không ai muốn ở nhà thuê kéo dài thời gian vì chỗ ở vừa chật hẹp, sinh hoạt lại bất tiện, làm ăn thụ động… Các hộ đã hoàn thành tốt việc GTĐB bàn giao sớm mặt bằng cho dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công thì cũng mong thành phố sớm bố trí đất tái định cư để ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.