.

Đổi mới bổ nhiệm chức danh lãnh đạo

.

Bổ nhiệm chức danh lãnh đạo các cơ quan hành chính, sự nghiệp thông qua thi tuyển cạnh tranh công khai là đổi mới mang tính đột phá của thành phố Đà Nẵng. Trong đó có vai trò tham mưu tích cực của Sở Nội vụ. Bổ nhiệm cán bộ qua thi tuyển nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo và trực tiếp quản lý cán bộ.

Các ứng viên dự thi tuyển chức danh Phó trưởng phòng thuộc Sở Nội vụ.
Các ứng viên dự thi tuyển chức danh Phó trưởng phòng thuộc Sở Nội vụ.

Thi tuyển lãnh đạo được Bộ Nội vụ thí điểm từ năm 2005. Theo tinh thần đổi mới này, năm 2006, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án “Thực hiện thí điểm thi tuyển Giám đốc, Phó Giám đốc (tương đương) một số đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố Đà Nẵng”. Đây là một bước đột phá, mang đến luồng gió mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC thành phố. Trong năm 2006, thành phố có 2 đơn vị tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý với 11 ứng viên đăng ký dự tuyển vào 4 chức danh. Kết quả ban đầu của thí điểm thi tuyển lãnh đạo đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của CBCCVC thành phố cho thấy đây là hướng đi đúng đắn. Từ chỗ khuyến khích các cơ quan, đơn vị áp dụng thi tuyển để bổ nhiệm lãnh đạo, UBND thành phố đã có Quyết định số 6221/QĐ-UBND ngày 2-8-2012 về thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện.

Đây là văn bản pháp lý cao nhất để các cơ quan, đơn vị thực hiện. Đáng chú ý là quy định này mở rộng cả đối tượng lẫn số lượng chức danh dự thi (mở rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo từ đơn vị sự nghiệp đến cơ quan hành chính; đối tượng dự thi được mở rộng đến các cơ quan, đơn vị không thuộc thành phố Đà Nẵng, người đang công tác tại các đơn vị, tổ chức ngoài cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước).

Từ năm 2006 đến 2015 đã có 48 lượt cơ quan, đơn vị thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý với 433 ứng viên dự thi và có 136 người trúng tuyển được bổ nhiệm, bảo đảm tối thiểu có 3 ứng viên dự thi vào một vị trí. Trong đó, đã tổ chức thi tuyển chức danh Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố (năm 2013) và tổ chức tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm Giám đốc Sở Xây dựng (năm 2015) là những chức danh lãnh đạo do Ban Thường Vụ Thành ủy quản lý.

Tham dự thi tuyển, ứng viên phải thâm nhập thực tế để tìm hiểu tình hình hoạt động của đơn vị, nắm bắt những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, phát hiện những tồn tại, hạn chế. Qua đó, mới có cơ sở xây dựng phương án, chương trình hoạt động, xác định nhiệm vụ, quy mô, sản phẩm, dịch vụ; đề ra các giải pháp và định hướng phát triển đơn vị. Việc thâm nhập, nắm bắt tình hình hoạt động của đơn vị giúp cho người trúng tuyển sau khi nhận nhiệm vụ có điều kiện chỉ đạo, triển khai ngay các hoạt động. Đây là việc làm mới, khắc phục tình trạng cán bộ từ đơn vị này được điều động, bổ nhiệm chức vụ tại đơn vị khác phải mất thời gian củng cố, ổn định tổ chức bộ máy, tìm hiểu tình hình hoạt động của đơn vị. Đồng thời, thi tuyển cán bộ lãnh đạo tạo ra động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành chuẩn bị các điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia thi tuyển; động viên, khuyến khích CBCCVC trẻ trong diện quy hoạch; huy động, khơi dậy nguồn lực từ bên ngoài đăng ký dự tuyển; khắc phục tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ khép kín trong đơn vị.

Thi tuyển chức danh lãnh đạo đã góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX đã nhấn mạnh: “Tôn vinh thích đáng những cán bộ có tài, có công, mạnh dạn đề bạt vượt cấp đối với những cán bộ trẻ có triển vọng, khuyến khích những cán bộ có sáng kiến, thay thế những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc”. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang chờ Trung ương ban hành Đề án Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, để tiếp tục triển khai trong thời gian đến.

Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.