.

Những mảnh đời không đơn độc

.

Dù không có người thân bên cạnh, thậm chí nhiều người không nhớ nổi nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng những cụ già, em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng đều không cảm thấy cô đơn vì luôn có “mấy chị em” bên cạnh chăm sóc, chuyện trò.

Phút hàn huyên tâm sự của các cụ già tại Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Phút hàn huyên tâm sự của các cụ già tại Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Trung tâm là nhà

Một chiều cuối năm tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (Trung tâm), nơi góc sân, hơn chục cụ già ngồi nói chuyện râm ran, thỉnh thoảng vang lên những tràng cười sảng khoái. Thấy tôi đến cùng ông Trần Công Be, Phó Giám đốc Trung tâm, nhiều cụ cất tiếng “chào anh Be” đầy thân mật. Ông Be cho biết, đây là khu sinh hoạt của những cụ già còn minh mẫn, có thể tự ăn uống và đi lại được.

Cụ bà Nguyễn Thị Phẩm (83 tuổi) được xem là một trong những “lão làng” tại trung tâm. Níu tay tôi để bước lên bậc tam cấp, cụ nói vui: “Khi già thì lại như con nít, đi lững chững như mấy đứa nhỏ tập đi”. Cụ Phẩm kể, sáng nào cụ cũng cùng “mấy chị em ở đây” đi bộ quanh trung tâm để rèn luyện sức khỏe, hôm nào hơi mệt thì chỉ đi tới đi lui quanh nhà. Thời gian còn lại, mấy cụ lại xúm xít “kể đủ chuyện hồi xưa vui lắm!”.

Trong khi đó, bà Trần Thị Xuân (60 tuổi) có “thâm niên” hơn 14 năm sinh sống tại trung tâm. Trước đây, bà Xuân bị phong nên các khớp của 10 ngón tay gần như cụt hết. Gia cảnh khó khăn, mẹ con bà Xuân được phường gửi đến Trung tâm từ năm 2000. Con trai bà năm nay 19 tuổi, đã ra ngoài sinh sống từ năm ngoái, mỗi tháng đến thăm mẹ một lần. Tuy hai bàn tay chỉ còn một khớp nhưng bà Xuân nhanh nhẹn lắm. Giặt quần áo, quét nhà, xúc cơm…, việc gì bà cũng làm được. Nụ cười móm mém, bà Xuân xúc động: “Tôi bị ri nhưng mấy cán bộ đối xử với tôi như người nhà. Họ không phân biệt gì hết nên tôi mới sống ở đây được lâu...”.  

Ở lâu thành thương

Từ năm 1997 đến tháng 11-2014, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng đã tiếp nhận chăm sóc tổng cộng 4.592 lượt người, trong đó có 921 người già. Hiện tại, trung tâm đảm nhận chăm sóc, nuôi dưỡng 138 người, trong đó có 60 người từ 60-98 tuổi. Trong số 60 người già, có đến 27 người thuộc diện chăm sóc đặc biệt (bị bại liệt, đãng trí nặng và các bệnh khác). Ngoài ra, còn có 11 trẻ em bị khuyết tật nặng như: bại liệt, bại não, tăng động..., phải nằm một chỗ.

Chăm sóc người bình thường đã khó, chăm sóc người già, người nằm một chỗ còn khó khăn, vất vả gấp bội. Ấy vậy mà suốt bao năm nay, 31 cán bộ, công nhân viên của trung tâm cùng lúc chăm sóc các cụ già, 32 người tâm thần phân liệt đã thuyên giảm, 11 trẻ khuyết tật cùng một số đối tượng lang thang cơ nhỡ còn trong độ tuổi lao động... Vậy mà suốt thời gian có mặt ở Trung tâm, tôi chưa nghe một tiếng phàn nàn hay chỉ cái nhíu mày nhăn nhó từ các nhân viên.

Tại khu dành cho trẻ khuyết tật, khi tôi đến, 3 nhân viên đang cho 11 trẻ khuyết tật ăn cháo, loay hoay hết em này đến em khác, rồi em này khóc, em kia đi ngoài. Nhìn các chị vất vả đến thương! Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1987), “em út” trong đại gia đình, ngại ngùng nói: “Ngày nào cũng chăm mấy em, tắm rửa, cho ăn uống, tự nhiên mình quý như em ruột mình vậy. Bữa mô đau ốm không đi làm được thì thấy nhớ liền. Ở lâu thành thương thôi!”.

Ông Be chia sẻ: “Ban đầu, các nhân viên đến Trung tâm vì mục đích mưu sinh nhưng tiếp xúc với các hoàn cảnh thương tâm lâu ngày, tự nhiên mình nảy sinh tình thương, thấy gắn bó. Mức thu nhập ở đây không bằng ở bên ngoài nhưng chưa có ai bỏ việc. Ở ngoài, một người trông trẻ như các em có thể thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng”.

Trong năm tới, trung tâm sẽ tập trung đầu tư cho các em khuyết tật tập vật lý trị liệu để các em có thể đi lại. “Không chạy nhảy như bạn bè đồng trang lứa thì các em cũng phải thấy được bầu trời, cây cỏ chứ nằm miết trong nhà thì tội lắm, tay chân cũng cứng lại dần”, ông Be nói.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.