.

Nhà Hữu nghị, một thiết chế văn hóa cần được quan tâm

.

Chỉ thị 09-CT/TU  của Ban Thường vụ Thành ủy “Về tăng cường và đổi mới công tác đối ngoại nhân dân” được ban hành ngày 12-6-2007 nêu rõ: “xúc tiến các bước chuẩn bị triển khai xây dựng Nhà Hữu nghị, một thiết chế quan trọng để tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân”. Tuy nhiên đến nay, Nhà Hữu nghị vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Chúng ta đang nỗ lực phấn đấu “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đẹp, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng” theo tinh thần Kết luận số 75/KL-TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Chúng ta ý thức sâu sắc rằng, cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phải đạt cho được mục tiêu bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phải xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chỉ có như vậy Đà Nẵng mới thực sự phát triển bền vững.

Xây dựng và phát triển văn hóa là làm cho Đà Nẵng, con người Đà Nẵng có một đời sống văn hóa ngày càng phong phú, lành mạnh cũng chính là xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố yên bình, thân thiện, hài hòa, một thành phố đáng sống.

Những năm gần đây, số lượng du khách quốc tế đến Đà Nẵng là khoảng 400.000 - 500.000 lượt người/năm. Số người nước ngoài đến Đà Nẵng để đầu tư, làm ăn, sinh sống, học tập, hoạt động xã hội, v.v…, ngày càng đông. Đà Nẵng có quan hệ hữu nghị với nhiều địa phương, tổ chức trên toàn cầu.

Toàn cầu hóa đang là một xu thế không thể đảo ngược, với vị trí của mình Đà Nẵng đã xác định phải chủ động hội nhập đi đôi với tăng tốc phát triển.

Trong đời sống văn hóa của thành phố Đà Nẵng, các hoạt động văn hóa đối ngoại, giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa đối ngoại là một nhiệm vụ phải được quan tâm đầu tư và bảo đảm hoàn thành thắng lợi. Chỉ có như vậy Đà Nẵng mới được bạn bè bốn phương ngày càng hiểu biết, yêu mến, hợp tác với Đà Nẵng. Và người Đà Nẵng ngày càng hiểu biết, yêu mến, hợp tác có hiệu quả, sánh vai với bạn bè năm châu.

Để các hoạt động đối ngoại văn hóa của thành phố phát triển cả chiều rộng và chiều sâu cần có nhiều điều kiện, trong đó Nhà Văn hóa hữu nghị (gọi tắt là Nhà Hữu nghị) có thể là một thiết chế văn hóa quan trọng, một cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sự phát triển ấy.

Đây chính là một điểm hẹn, một địa chỉ hội tụ các lực lượng, các hoạt động văn hóa đối ngoại thực hiện sứ mệnh giao lưu hợp tác văn hóa, theo đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng.

Chỉ xin nêu vài ví dụ

Ngày nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, Nhà Hữu nghị sẽ dành sảnh chính hoặc một phòng ấn tượng nhất của mình để đúng vào ngày quốc khánh của nước nào thì trưng bày quốc kỳ, quốc huy cùng với giới thiệu một vài hình ảnh, một vài chỉ dẫn về nước ấy.

Trong trường hợp cần thiết, với các nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, v.v…, hoặc nhân những sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa hai nước (hay với Đà Nẵng), thì có thể tổ chức triển lãm với quy mô lớn, cùng với các hoạt động khác như chiếu phim, nói chuyện, mít-tinh, v.v… ở Nhà Hữu nghị hay ở các thiết chế văn hóa khác của thành phố.

Nhà Hữu nghị có một sân khấu mi-ni với một lượng khán giả nhỏ dành cho các nhóm nghệ thuật đến từ các nước giới thiệu các đặc sản nghệ thuật của mình. Đây cũng có thể là nơi tạo điều kiện để bè bạn có thể tìm hiểu, học hỏi văn hóa nghệ thuật Việt Nam, như mở các lớp ngắn ngày dạy đàn bầu, đàn tơ-rưng. Và bạn cũng có thể giới thiệu bày bảo cho ta về nghệ thuật gấp giấy của Nhật Bản hay thư pháp của Trung Quốc, v.v…

Nhà Hữu nghị nếu có sân vườn rộng với nhiều không gian xanh thì càng tốt cho các hoạt động văn hóa ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên. Chúng ta có thể tổ chức định kỳ hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán chẳng hạn, liên hoan văn hóa ẩm thực quốc tế có trao giải thưởng cho các món ăn, bánh kẹo mà các nhóm bạn từng nước giới thiệu. Nhân dịp này chúng ta cũng có thể tổ chức dạy cho nước ngoài (và cả trong nước) gói và nấu bánh chưng, nấu phở, nấu mỳ Quảng, đúc bánh xèo, v.v…, giáo viên có thể là các nghệ nhân nổi tiếng như bà Liễu dạy làm bánh khô mè chẳng hạn. Chắc chắn một cuộc liên hoan ẩm thực đông vui cùng với một điểm trình diễn thư pháp Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc sẽ đem đến cho người Đà Nẵng những tình cảm hữu nghị ấm áp, những nét xuân đặc sắc.

Đương nhiên chỉ có nhà - có cơ sở vật chất - chưa đủ bảo đảm thành công của các hoạt động văn hóa hữu nghị, điều cốt yếu là phải có những con người, những cán bộ giàu nhiệt tình và có năng lực nghiệp vụ. Những người này sẽ quản lý, khai thác, phát huy cơ sở vật chất Nhà Hữu nghị triển khai những hoạt động văn hóa hữu nghị phong phú sáng tạo với một mạng lưới các cộng tác viên các nhà tài trợ trong và ngoài nước tạo nên sự kết nối đầy sức sống giữa Nhà Hữu nghị với các tổ chức phi chính phủ, các nhóm tình nguyện, các công ty lữ hành, v.v… những người từng làm công tác đối ngoại, các nhà báo, bà con Việt kiều.

Chắc chắn là hoạt động của Nhà Hữu nghị sẽ sinh động, hấp dẫn nhiều lần hơn những sự việc được đưa ra ví dụ trên đây.

Gần đây báo chí, dư luận xã hội lưu ý đến hiện tượng nhiều công trình văn hóa được đầu tư lớn với những dự báo hoành tráng, nhưng khi hoàn thành đưa vào sử dụng thì èo uột, dở sống dở chết. Đúng là hội chứng ấy cần được mổ xẻ và những căn bệnh thích hoành tráng, chuộng hình thức, chạy theo thành tích, làm ăn thiếu tính toán khoa học cần được phê phán. Mong và tin rằng, (đồng thời chúng ta với những cố gắng lớn nhất), Nhà Hữu nghị sẽ không đi theo vết xe đổ ấy.

Nhân Đại hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng lần thứ 4, chúng ta tha thiết đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm và sớm có quyết định xây Nhà Hữu nghị, có thể xây mới, có thể dành trụ sở một sở nay đã chuyển vào Trung tâm Hành chính thành phố để cải tạo nâng cấp thành Nhà Hữu nghị.

Đối ngoại là định hướng hoạt động của Nhà Hữu nghị, nhưng về lâu dài và cuối cùng những thành tựu ấy lại làm phong phú, sâu sắc, sinh động hơn đời sống văn hóa của thành phố, mở rộng kiến văn và nâng cao chất văn hóa của người Đà Nẵng.

Đó là những gì chúng ta mong đợi và hơn thế chúng ta nhất định chung tay góp sức thực hiện.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.
.