.
Xây dựng công trình trên vùng giáp ranh Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế

Giám sát việc mở rộng xây dựng

.

Thời gian qua, ở khu vực giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế ở đỉnh đèo Hải Vân xuất hiện một công trình nhà cửa do người Trung Quốc xây dựng. Dù các lực lượng chức năng Đà Nẵng đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu ngừng thi công nhưng đến nay công trình này vẫn được nhà đầu tư lén lút hoàn thành.

Khu nhà hai tầng gắn biển Công ty CP Thế Diệu được xây dựng trên phần đất chưa thống nhất giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Khu nhà hai tầng gắn biển Công ty CP Thế Diệu được xây dựng trên phần đất chưa thống nhất giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngang nhiên xây nhà, trồng rừng

Chiều 25-7, theo chỉ dẫn của anh Đ., cán bộ UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), chúng tôi vượt qua đỉnh Hải Vân Quan khoảng 700m thì gặp một biển hiệu quảng cáo khá lớn ghi nội dung: “Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế, chủ đầu tư Công ty cổ phần Thế Diệu, trụ sở ở thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Từ biển quảng cáo này, đi theo con đường nhựa hơn 5km hình cánh cung, hướng về phía thôn Hòa Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) thì gặp một ngôi nhà hai tầng, diện tích khoảng 200m2 vừa xây xong có gắn tấm biển “Công ty cổ phần Thế Diệu”.

Thấy người lạ đến, một người đàn ông khoảng 50 tuổi hỏi: “Đi đâu đây?”, tôi trả lời rằng tìm đường ra Đảo Ngọc (Sơn Trà Con). Lúc này, khoảng chục công nhân đang chạy xe máy chở theo “xe rùa” đi ngược lên từ phía con đường đất nằm cạnh trụ sở Công ty CP Thế Diệu. Thấy chúng tôi chuẩn bị chạy xe xuống con đường đất, người đàn ông này khoát tay nói: “Đường đó đi không được đâu”.

Chỉ tay về phía ngôi nhà hai tầng của Công ty CP Thế Diệu, anh Đ. cho biết, đây là khu vực lâu nay chưa xác định ranh giới giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặc dù hai bên chưa thống nhất về địa giới hành chính, nhưng thời gian gần đây, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, xây dựng khu du lịch ở đây. Chưa hết, những năm qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế còn cho phép người dân trồng các loại cây rừng ngay trên vùng giáp ranh này.

Theo quan sát của chúng tôi, ở khu vực tiểu khu 4A Rừng đặc dụng Nam Hải Vân có nhiều cánh rừng xanh um do người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế trồng đã lâu. Báo cáo của UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, ngày 16-10, qua kiểm tra, các lực lượng chức năng của phường phát hiện nhiều người dân ngoài địa phương tiến hành trồng nhiều loại cây như: keo, sao đen, chò với diện tích khoảng 20 hecta ở tiểu khu 4A.

Theo ông Phan Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, ở khu vực rừng giáp ranh này, cách đây hàng chục năm, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phép người dân trồng một số loại cây. Thời gian qua, phát hiện người dân tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục trồng rừng ở khu vực chưa phân định địa giới giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu đã yêu cầu dừng trồng cây, giữ nguyên hiện trạng, đồng thời báo cáo với các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng để có hướng giải quyết.

Giám sát việc mở rộng phạm vi xây dựng

Về vấn đề trên, ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, cho biết việc chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cho doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng khu du lịch trên vùng đất chưa có sự thống nhất về địa giới giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế đang gây bức xúc trên địa bàn.

Trong bảng quy hoạch thiết kế mô hình dự án của Công ty CP Thế Diệu đã bao hết toàn bộ diện tích chưa thống nhất, kể cả hòn Sơn Trà con. “Trước thực trạng này, UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã báo cáo lên các cấp, các ngành chức năng của quận Liên Chiểu để có hướng xử lý”, ông Trương Việt nói.

Trao đổi với chúng tôi sáng 27-10, ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Liên Chiểu, cho biết, sau khi phát hiện sự việc, UBND quận Liên Chiểu cùng các cơ quan chức năng thành phố đã làm việc với UBND huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) để bàn biện pháp giải quyết.

Song, phía UBND huyện Phú Lộc cho rằng, phần đất chưa thống nhất là của họ. Việc chính quyền quận Liên Chiểu xử lý công trình xây dựng của Công ty CP Thế Diệu là không đúng (!?). Không dừng lại ở đó, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cấp sổ giao đất rừng cho người dân nằm trên vùng đất chưa thống nhất địa giới này.

Cũng theo ông Đàm Quang Hưng, UBND quận Liên Chiểu đã báo cáo sự việc lên lãnh đạo thành phố để có hướng xử lý. Và trước mắt, UBND thành phố giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng, UBND quận Liên Chiểu cử lực lượng kiểm tra, giám sát ngăn chặn việc xây dựng dự án trái phép ở khu vực giáp ranh trên đỉnh đèo Hải Vân, do chưa có sự thống nhất địa giới giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sáng cùng ngày, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, cho rằng đây là địa phận của huyện Phú Lộc quản lý, nên tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép Công ty CP Thế Diệu đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế. Theo ông Hà, đây là dự án thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển du lịch. Chủ dự án này là một doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.
.