.

Tổng An Phước xưa, bây giờ

.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tháng Tám lịch sử, người dân 3 xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú (huyện Hòa Vang), tổng An Phước xưa cũng long trọng kỷ niệm cuộc cách mạng long trời lở đất diễn ra trên chính quê hương họ, vĩnh viễn xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, lập nên chính quyền nhân dân.

Máy móc cơ giới trên đồng ruộng Hòa Phong.
Máy móc cơ giới trên đồng ruộng Hòa Phong.

Đã gần 70 năm trôi qua, khí thế sục sôi cách mạng từ sự kiện lịch sử trọng đại năm ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức nhiều người ở 3 xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú. Hôm đó là ngày 16-8-1945, vào lúc 5 giờ sáng, hơn 5.000 người từ 16 xã trong  tổng, nai nịt gọn gàng, khí giới cầm tay, rầm rập kéo về tập trung tại sân vận động An Phước. Sau khi nghe đại biểu Mặt trận Việt Minh, thay mặt Ban khởi nghĩa huyện Hòa Vang đọc lệnh khởi nghĩa, cả sân vận động ầm vang như sấm, hàng nghìn cánh tay nhất loạt giơ cao, đồng thanh hô vang: “Việt Minh muôn năm!” “Ðả đảo phát-xít Nhật!”, “Chính quyền về tay nhân dân!”. Sau đó, đoàn người như triều dâng thác đổ, cờ đỏ rợp trời, bừng bừng khí thế, chia làm 2 hướng đi cướp chính quyền trên toàn tổng.

Hướng thứ nhất theo quốc lộ 14B, ngược Hương Lam, Phú Sơn (Hòa Khương). Dẫn đầu đoàn biểu tình là các đội viên chủ chốt của Mặt trận Việt Minh mang theo súng kíp, giáo gươm, quần chúng chắc trong tay gậy gộc. Ði đến đâu, tiếng hô diệt cường hào ác bá, dậy một góc trời. Trước sức mạnh như vũ bão của nhân dân, bọn chánh tổng, lý trưởng tại các xã run rẩy nộp ấn triện cho cách mạng và xin tha tội chết.

Chẳng mấy chốc, chính quyền phong kiến tại các xã Cẩm Toại, Bồ Bản, Dương Lâm... sụp đổ hoàn toàn, bọn cường hào ác bá bị quản thúc tại gia. Cánh thứ hai ngược Túy Loan, vòng qua An Tân, Khương Mỹ, Nam Thành... Ðến đâu, việc tước vũ khí, ấn triện của bọn quan lại địa phương cũng diễn ra chóng vánh. Chỉ trong ngày 16-8, chính quyền phong kiến tại các làng, xã thuộc tổng An Phước bị nhân dân lật đổ.

Từ thành quả của cuộc cách mạng long trời lở đất ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú đã viết tiếp những trang sử hào hùng và lập chiến công hiển hách trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Sau ngày miền Nam giải phóng, khí thế cách mạng sục sôi ấy lại bùng lên dữ dội, khi địa phương nào cũng xung kích vào mặt trận mới, mặt trận xây dựng quê hương giàu đẹp.    

Về Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú những ngày tháng Tám lịch sử năm nay, đi trên đường thảm bê-tông phẳng lỳ, thoáng rộng, ngắm nhìn các làng quê mang dáng dấp sự giàu có trong mỗi ngôi nhà, mọi người đều cảm thấy tự hào khi thành quả cách mạng năm xưa được nhân lên gấp bội. Ông Lâm Tiến Sĩ, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, phấn khởi cho biết: Hòa Phong đang tiến nhanh về đích trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, 17/19 tiêu chí đã hoàn thành. 2 tiêu chí còn lại là trường học và môi trường sẽ hoàn thành trong vài ba tháng tới.

Có thể nói, chưa khi nào sức dân được phát huy cao độ như thời gian này. Chỉ hơn 3 năm triển khai xây dựng NTM, nhân dân địa phương đã đóng góp 51,8 tỷ đồng, nâng tổng nguồn lực đầu tư cho công cuộc quan trọng này tại Hòa Phong lên  224,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng hiện nay hoàn thiện và tương đối đồng bộ. Toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn xã khoảng hơn 100km các loại đã thảm bê-tông; trường học, trạm y tế, trung tâm hành chính xã… đều xây tầng khang trang.

Máy móc cơ giới đã thay thế sức lao động cho nông dân; hàng loạt mô hình kinh tế hiệu quả ra đời, thu nhập của nông hộ không ngừng cải thiện. Đến đầu năm 2014, thu nhập bình quân hơn 21 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm chỉ còn khoảng 6%.  

Tương tự, tại 2 xã Hòa Khương, Hòa Phú, công cuộc xây dựng NTM cũng đạt nhiều thành tựu nổi bật. Địa phương nào cũng hoàn thành 16-17/19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó các hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đều đã hoàn thiện. Rất tự tin và phấn khởi khi nói về sự đổi thay vượt bậc trên quê hương An Phước quật khởi năm xưa, ông Đinh Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, cho hay: Khí thế sục sôi của sự kiện lịch sử diễn ra trên quê hương Hòa Khương  69 năm trước luôn là động lực thúc đẩy người dân nỗ lực xung kích vào công cuộc xây dựng NTM.

Đến nay, không chỉ hạ tầng nông thôn bao gồm điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa… mà đời sống người dân cũng đổi thay nhanh chóng. Với bước đột phá vào khâu sản xuất, Hòa Khương đang là điểm sáng về phát triển kinh tế; trong đó nổi bật nhất là phong trào nuôi cá nước ngọt, trồng rau an toàn và kinh tế trang trại. 4 tháng nữa, Hòa Khương cùng 2 xã Hòa Phong, Hòa Phước về đích trong công cuộc xây dựng NTM…

Bài và ảnh: HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.