.

Khi tiêu chuẩn đáng sống trở thành động lực phát triển

.

Cuộc tranh luận Đà Nẵng có phải là thành phố đáng sống hay không xét cho cùng cũng giống chuyện người Việt ở Mỹ, Nhật và cả người nước ngoài đặt câu hỏi Việt Nam có là nơi đáng sống không. Nhiều người sẽ nói không, nhưng cũng rất nhiều người tìm thấy cơ hội và sự bình an trong tâm hồn khi về sống và làm việc ở Việt Nam. Và người ta cũng có thể đặt câu hỏi New York, Paris, Tokyo... có là nơi đáng sống không, chắc chắn cũng có nhiều người sẽ nói không. Mọi thứ là tương đối, nhưng không phải không có những chuẩn mực tối thiểu để đạt được sự đồng thuận đa số nào đó.

Với đường phố khang trang, sạch đẹp và cảnh quan được thiên nhiên ưu đãi, Đà Nẵng đang là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. 								Ảnh: MINH TRÍ
Với đường phố khang trang, sạch đẹp và cảnh quan được thiên nhiên ưu đãi, Đà Nẵng đang là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh: MINH TRÍ

Ví dụ đẹp theo tiêu chuẩn đáng sống

Con gái người viết bài này sinh con đầu lòng, dĩ nhiên cũng chọn bệnh viện, cũng đến phòng mạch bác sĩ trưởng phó khoa sản xin khám định kỳ và nhỏ nhẹ “gửi gắm” bác sĩ. Vị bác sĩ phó giám đốc cười gật đầu bảo, chuyển bụng thì cứ đến đó rồi gọi tôi. Đây không phải chỉ là con mà cả mẹ nó ngày xưa cũng từng bao lần khám và cả sinh đẻ đều nhờ sự mát tay của vị bác sĩ này nên cả nhà yên tâm lắm. Hôm chuyển dạ, gọi điện thì bác sĩ bảo cứ yên tâm tôi vào ngay.

Thế nhưng, suốt thời gian chờ sinh, rồi xảy ra sinh khó, chuyển sang phòng mổ vẫn không thấy vị bác sĩ kia đâu; gọi điện báo cháu đã chuyển sang phòng mổ, vị bác sĩ bảo yên tâm đi, tôi đã nói chuyện với kíp mổ. Ca sinh mổ an toàn. Đến ngày ra viện cũng không thấy ông bác sĩ phó giám đốc. Những ngày ở bệnh viện, trông ai đó đến nói câu như: “Tôi mổ cho cháu đấy” thì gia đình sẽ có lời cảm ơn chu đáo. Thế nhưng tuyệt nhiên không, chỉ những cô y tá mỉm cười và không chịu trả lời ekip mổ là ai. Sau hỏi mới biết, đó là quy tắc của bệnh viện này, không chỉ để tránh phải nạn phong bì mà còn giúp gia đình không phải hàm ơn những người thầy thuốc.

Khi Đà Nẵng đề ra “5 không” (Không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của), nhiều người nghĩ thứ gì cũng được, cũng dễ làm, nhưng “Không có người lang thang xin ăn” thì chắc không hề dễ. Thế mà Đà Nẵng đã làm được, làm một cách nhân văn và đầy quan tâm đến những số phận cơ nhỡ chứ không phải chỉ là bắt và cấm.

Tất cả đều được tập trung về một chỗ và nuôi dưỡng. Ai chán ở trại thì thành phố cho xe chở về tận quê. Kinh phí không lớn lắm mà được một việc vô cùng ấn tượng. Xem ra trong “5 không”, chỉ cần cái “không” này đạt được thì có thể xem như Đà Nẵng thành công lớn. Và nó thực sự tạo nên một diện mạo thành phố đáng sống ấn tượng với cả nước. Cũng cần nói thêm rằng, Đà Nẵng có lẽ là thành phố an ninh nhất mà du khách có thể cảm nhận được. Đó không phải là tiêu chuẩn đáng sống hàng đầu hay sao?

Và cũng phải nói đến “3 có” (Có việc làm, có nhà ở, có nếp sống văn minh) thì sự hoài nghi cao nhất rơi vào cái có thứ hai: “Có nhà ở”. “Có việc làm và có nếp sống văn minh” xem vậy mà dễ vì... trừu tượng, khó có điểm để tổng kết; thế nhưng “Có nhà ở” lại là một chỉ tiêu cụ thể, trong một nhiệm kỳ 5 năm mà dân không có nhà ở thì có thể kết luận được lãnh đạo Đà Nẵng nói cho vui. Trong cơ chế thị trường, Đà Nẵng liệu có đủ ngân sách xây nhà cho dân nghèo?

Hơn nữa, sự tiêu cực trong phân phối nhà ở là điều rất khó kiểm soát, liệu nhà được xây có đến được với dân nghèo? Giá nhà bán ra rẻ, người có tiền mua cả thì bao nhiêu ngân sách mới đủ? Nhà được cấp cho dân nhưng kẹt thì đem bán lại, hóa ra không có nhà ở thì giải quyết sao? Thế mà Đà Nẵng đã làm được và làm đẹp. 7.000 căn hộ chung cư thật khang trang đã được xây dựng và cho những người chưa có nhà thuê giá rẻ, vài trăm ngàn đồng mỗi tháng.

Có lẽ không cần nói thêm những ưu điểm nữa như: thành phố có nền hành chính công, dịch vụ công minh bạch và nhanh chóng thuộc diện nhất nhì cả nước; thành phố khang trang, sạch đẹp với cảnh quan được thiên nhiên ưu đãi... Và như vậy, Đà Nẵng có đủ những yếu tố để được gọi là một thành phố đáng sống, dĩ nhiên chỉ giới hạn trong những tiêu chuẩn so sánh với các thành phố khác trong cả nước.  

Điểm nhược duy nhất: thiếu cơ hội việc làm

FPT có nhiều dự án lớn, không chỉ đô thị địa ốc mà cả những công xưởng phần mềm lớn ở đây, tiếc là do nhiều lý do các dự án này chưa hoàn thành, nếu xong chắc chắn nó là cú hích lớn. Công viên phần mềm, cách gọi của tòa nhà phần mềm trên đường Quang Trung đã có nguồn thu lớn đóng góp cho ngân sách.

Những điều như vậy chắc chắn có phần đóng góp không nhỏ của việc đường phố Đà Nẵng sạch đẹp, thoáng mát; biển Đà Nẵng trong xanh quyến rũ; núi Sơn Trà, Bà Nà như lá phổi xanh nằm sát bên thành phố.

Nhiều người bảo Đà Nẵng là thành phố dưỡng già chứ không phải là thành phố năng động để người trẻ tìm kiếm cơ hội đi lên. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế chưa có lối ra hiện nay, có lẽ nhận định này đúng. Để có việc làm, người ta có thể lăn xả vào tro bụi hoặc chui vào ống cống, miễn có việc làm, có thu nhập nuôi sống gia đình. Xanh - sạch - đẹp làm chi khi không có việc làm? Nhận định này đúng và cần được nhìn thẳng, nói to để cùng nhau giải quyết.

Thực sự Đà Nẵng đang rất ít cơ hội việc làm, nhưng thử hỏi trên cả nước này, nơi nào có cơ hội việc làm thực sự nhiều cho mọi người? Hà Nội thì dồn hết vào cơ quan công quyền, đó có phải là nơi thực sự để tiến thân?

Ở thành phố Hồ Chí Minh thì cơ hội nhiều nhưng người cũng đông, sự sàng lọc cũng không dễ dàng cho mọi người. Ngoài hai nơi ấy, có lẽ không nơi nào nữa có thể hơn Đà Nẵng trong cơ hội việc làm. Đòi hỏi Đà Nẵng như Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh thì có khắc khe quá không?

Đó là chưa nói đến việc nhiều bạn trẻ từ Vinh trở vào đến Quảng Ngãi, Bình Định đã chọn Đà Nẵng làm nơi lập nghiệp và tìm kiếm việc làm. Đây có khi chính là áp lực việc làm tăng cao với người Đà Nẵng. Samsung, Intel, Sony, LG và những công ty đa quốc gia lớn khác... đã không chọn Đà Nẵng khi đầu tư vào Việt Nam là một thiếu sót của Đà Nẵng trong việc mời gọi đầu tư nhằm tạo việc làm có tính đột phá. Tuy nhiên, không có nghĩa Đà Nẵng đã không làm được gì. Nếu không có những khu khách sạn, resort và những công trình điểm đến hấp dẫn như Bà Nà, Sơn Trà... thì không có lượng khách khổng lồ dồn về biển Đà Nẵng, cũng sẽ không có lượng lớn việc làm và sản phẩm địa phương được tiêu thụ được tạo ra từ các dịch vụ du lịch này.

Tranh thủ được cơn sốt bất động sản, Đà Nẵng đã chuẩn bị đủ tiên đề cho một dự phóng lớn. Đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ nắm bắt và để Đà Nẵng khắc phục được nhược điểm duy nhất này: việc làm.

Chính cái môi trường đáng sống này, từ chỗ là mục tiêu sẽ đến lúc trở thành động lực cho sự phát triển. Đáng sống nên sức khỏe thể xác, tinh thần minh mẫn hơn và chắc chắn nó sẽ góp phần giúp năng suất cao hơn. Và đến lúc nó trở thành điều hấp dẫn để nhà đầu tư tìm đến nhiều hơn. Quả thật khó có năng suất cao, nhất là trong lĩnh vực hoạt động sáng tạo, tư duy nếu người đi làm vượt qua một chặng đường lầm bụi, kẹt xe.

Nhớ đâu chừng năm 2.000, lúc đó nhiều người nói Đà Nẵng chỉ là cái cửa ngõ cho người ta đến Huế và Hội An; đường ven biển chưa có, cầu sông Hàn chưa có; du khách thực sự không biết làm gì ở Đà Nẵng nếu lưu lại. Nay đã khác. Hạ tầng thực sự là tiền đề để Đà Nẵng phát triển mạnh hơn nữa. Chỉ có điều hình như các nhà hoạch định đang bế tắc trong định hướng phát triển. Loay hoay hết các lễ hội, trò chơi đến phố đi bộ, phố chợ đêm. Đà Nẵng cần gì để phát triển, để thực sự là một thành phố đáng sống khi các tiền đề hạ tầng, nền móng đã có đủ? Câu hỏi này xem ra không phải của riêng Đà Nẵng.

HỒ TRUNG TÚ

;
.
.
.
.
.