.

Dấu son truyền thống

.

“Ngày 24-8-2014, huyện Hòa Vang tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu căn cứ (KCC) cách mạng Huyện ủy Hòa Vang. Đây là niềm tự hào của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân và dân Hòa Vang đã chiến đấu quên mình, không ngại hiểm nguy, gian khổ để bảo vệ từng tấc đất quê hương trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc”, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Toàn vui mừng chia sẻ.

“Hòn đá Non Nước” - một chứng tích lịch sử tại khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang.
“Hòn đá Non Nước” - một chứng tích lịch sử tại khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang.

Vùng tam giác núi Phú Túc-Ô Rây-Tống Cói là căn cứ địa kháng chiến của Huyện ủy Hòa Vang trong gần suốt 21 năm đánh Mỹ, cứu nước. Mặc dù trong quá trình hình thành và tồn tại, ở từng thời điểm, từng giai đoạn lịch sử, vai trò và chức năng của nó có những thay đổi, nhưng nhìn tổng thể, nơi đây thực sự là căn cứ địa cách mạng quan trọng bậc nhất của huyện Hòa Vang.

Tại đây đã chứa đựng biết bao sự kiện lịch sử quan trọng, lưu dấu biết bao bước chân của hàng trăm, hàng nghìn cán bộ cách mạng, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ cao cấp của Tỉnh ủy và Khu ủy 5. Có đồng chí từ khu căn cứ này mà trưởng thành, miệt mài cống hiến sức lực cho cách mạng, đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhằm mục đích tiêu diệt tận gốc cán bộ và chính quyền cách mạng, tháng 8 năm 1955, quân Mỹ mở một cuộc hành quân cấp trung đoàn nhắm vào căn cứ Ô Rây - Phú Túc. Nhưng trước sự đấu tranh, chống trả quyết liệt của quần chúng nhân dân địa phương, bọn địch đã không thể đạt được mục tiêu đề ra, phải thu quân quay về. Cơ sở cách mạng tại Phú Túc vẫn được an toàn tuyệt đối. Suốt nhiều năm về sau, kể cả lúc địch đánh phá điên cuồng nhất, cách mạng gặp khó khăn nhưng Huyện ủy Hòa Vang vẫn không hề mất phương hướng và tinh thần trong cuộc đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ và phức tạp…

Những địa điểm đứng chân của cơ quan Huyện ủy ngày trước, giờ đã trở thành những di tích có giá trị sâu sắc về lịch sử cách mạng của dân tộc. Biểu tượng của những “Hòn đá Đà Nẵng”, “Hòn đá Non Nước” ở độ cao hơn 300m so với mặt nước biển vẫn đứng hiên ngang với thời gian, tiếp lửa truyền thống yêu quê hương, đất nước và tấm lòng kiên trung với Đảng và Bác Hồ của biết bao thế hệ quân và dân Hòa Vang.

Với một sức mạnh và ý chí quật cường, quân và dân huyện Hòa Vang đã tiến hành hàng nghìn trận đánh lớn nhỏ, lập nên nhiều chiến công mà tiêu biểu là đánh bại ba cuộc hành quân của quân đội Pháp trên đèo Hải Vân, rồi các chiến thắng Gò Hà, Bàu Giăng, Ðá Ðen, Lệ Sơn, Quận lỵ Hòa Vang, Sân bay Ðà Nẵng, Non Nước. Những căn hầm bí mật, bếp Hoàng Cầm, Trạm phẫu thuật… vẫn còn lưu chứng tích về giai đoạn nằm gai nếm mật, chiến đấu ngoan cường của những người con Quảng Nam-Đà Nẵng kiên trung, luôn gây nỗi khiếp vía, run sợ cho kẻ thù.

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Toàn cho biết, giá trị lịch sử của KCC Huyện ủy Hòa Vang rất to lớn, đặc biệt trong việc giáo dục phát huy truyền thống cách mạng quê hương cho thế hệ hôm nay và mai sau. Do vậy, việc phục hồi, tôn tạo và giữ gìn những hiện vật lịch sử để trưng bày phục vụ người dân và du khách là việc làm rất cần thiết. Được khởi công từ năm 2003 và hoàn thành năm 2004 với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 3,3 tỷ đồng, khu di tích căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang có phạm vi quy hoạch khoảng 56,2 hecta, chủ yếu là trung tâm đầu não của KCC.

Từ cổng khu di tích đi vào là một tòa nhà trưng bày di ảnh những người chiến sĩ cách mạng đầu tiên của Huyện ủy, nhiều huân chương cao quý mà Đảng và Nhà nước khen tặng cùng bản đồ hướng dẫn lên khu di tích… Tất cả hiện ra nhằm lột tả được những giá trị văn hóa sâu rộng KCC. Phía sau nhà trưng bày là con đường hẹp và dài được xây dựng đến khu căn cứ. Mỗi bậc thang nối tiếp nhau trên con đường ấy như thể hiện sự kết dính keo sơn của quân và dân Hòa Vang trong chiến đấu, xây dựng và trưởng thành.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.