.

Người thương binh nặng tình đồng đội

.

Tháng 9-1965, chàng thanh niên Nguyễn Văn Trường giã từ thôn Cao Xá thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, lên đường nhập ngũ. Cũng như bao đồng đội khác, sau mấy tháng huấn luyện, chàng trai trẻ đất Bắc này lao vào cuộc chiến đấu sinh tử.

Ông Nguyễn Văn Trường lần giở từng trang trong cuốn sổ hồi còn chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà. Ảnh: NGUYỄN CẦU
Ông Nguyễn Văn Trường lần giở từng trang trong cuốn sổ hồi còn chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà. Ảnh: NGUYỄN CẦU

Đầu năm 1971, từ chiến trường Lào, đơn vị pháo 12 ly 7 của ông được điều động vào Nam tăng cường cho Mặt trận 4 Quảng Đà. Liên tiếp những năm sau đó, khi thì ở Duy Xuyên, khi chuyển sang Đại Lộc, Hòa Vang, đại đội 4, Tiểu đoàn 577 mà ông là chính trị viên phó đã giáng cho kẻ thù những đòn chí mạng. Có trận đơn vị hạ cùng lúc 3 trực thăng của Mỹ, ngụy. Và đơn vị trở thành mục tiêu chủ yếu của máy bay và pháo tầm xa của địch.

Trong trận chiến đấu ác liệt vào trung tuần tháng 8-1972 tại khu vực Hòn Tàu, huyện Duy Xuyên, ông Trường bị thương và được chuyển về tuyến sau. Khi vết thương chưa lành hẳn, ông được chuyển ra Bắc, tiếp tục điều trị tại Viện Quân y 7 ở tỉnh Hải Dương.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Trường được cử đi học sĩ quan và cuối năm 1976 về nhận nhiệm vụ tại Sư đoàn 370 đóng quân ở Đà Nẵng. Do sức khỏe giảm sút, đến năm 1978, ông chuyển ngành sang Điện lực tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và đến năm 2009 về nghỉ hưu tại tổ 23 khu vực Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Hiện tại, người cựu chiến binh này là thương binh hạng 4/4, Phó Bí thư chi bộ và chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh (CCB) khu vực.

Tôi gặp ông tại Nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Minh, khi ông và các hội viên CCB làm vệ sinh các ngôi mộ chuẩn bị lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ sắp tới. Câu đầu tiên ông “khoe” với chúng tôi là vừa tìm thấy một ngôi mộ của liệt sĩ vốn là đồng đội cũ tại huyện Duy Xuyên. Sắp tới, ông sẽ đón thân nhân liệt sĩ này từ ngoài Bắc vào và cùng họ tiến hành cất bốc. Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Minh Vương Đình Tĩnh cho biết thêm, hơn 20 năm nay, ông Trường là người nặng tình với đồng đội đã khuất. Ông đã cùng một số CCB tại Đà Nẵng liên tục ngược núi tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ít nhất hơn 20 liệt sĩ vốn là đồng đội cũ nằm rải rác tại chiến trường Quảng Đà đã được ông và các CCB khác cất bốc đưa vào nghĩa trang liệt sĩ.

Tại ngôi nhà cấp 4 bên hẻm nhỏ thuộc tổ 23 phường Hòa Minh, chúng tôi được ông Trường cho xem kỷ vật hồi chiến tranh, đó là cuốn sổ tay đã úa vàng, một số trang nét chữ bị nhòe. “Tất cả đều xuất phát từ cuốn sổ này. Là chính trị viên phó đại đội nên tôi ghi chép rất đầy đủ chi tiết trích ngang cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vào sổ tay. Trận chiến đấu nào ai hy sinh, chôn cất tại đâu, ai bị thương đều có cả.

Thực ra, cuốn sổ này mãi năm 1990 mới đụng tới. Hồi đó, vài ba đồng đội từ Bắc vào Đà Nẵng dự lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành phố giải phóng đã đến nhà, tôi sực nhớ cuốn sổ ghi chép này. Và thế là, những tư liệu trong cuốn sổ đã giúp mọi người kết nối với nhau. Chúng tôi có chuyến hành trình tìm về những người còn sống và gia đình những người đã khuất. Thế rồi, mọi người bàn nhau bằng mọi giá phải tìm cho được đồng đội đang nằm lại chiến trường xưa.

Nhà tôi trở thành đại bản doanh, nơi đón tiếp người thân liệt sĩ từ ngoài Bắc vào. Không thể nhớ hết từ năm 1990 đến nay, chúng tôi ngược núi bao nhiêu lần. Song, có con số không thể nào quên, đó là hơn 20 đồng đội đã được tìm thấy và đưa về với gia đình, quê hương. Ký ức về những chuyến đi tìm đồng đội đầy ắp. Không ít chuyến 3-4 ngày lội hết đồi này, sang khe khác mới xác định được vị trí chôn cất đồng đội. Đã hơn 40 năm rồi còn gì. Mọi thứ đã thay đổi, địa hình địa vật cũng khác xưa. Có lẽ do hương hồn đồng đội phù hộ, nên đa số chuyến đi chúng tôi đều tìm được đồng đội”, ông Trường tâm sự.

Ông kể tiếp: “Gian nan nhất là chuyến tìm đồng chí Ngô Văn Phú, quê ở Đại Phúc,Văn Yên, Yên Bái, hy sinh tại Lõng Chõi, Xuyên Trà (nay là xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) vào đầu năm 1972. Để biết chính xác nơi liệt sĩ yên nghỉ, tôi phải điện và yêu cầu ông Thìn, quê ở Thái Nguyên, hồi đó là trung đội trưởng, trực tiếp chôn cất, nay là Đại tá nghỉ hưu vào Đà Nẵng cùng ngược núi. Chuyến đi đó, ngoài anh em chúng tôi còn có 3 người em của liệt sĩ. Khi đến khu vực đồi núi nơi đồng chí Phú ngã xuống, mọi thứ đã thay đổi. Hơn nữa, ai nấy đều tuổi cao sức yếu, trí nhớ không còn minh mẫn để xác định đúng vị trí đã chôn cất, trong khi mộ phần hồi đó chỉ đắp đất, bia mộ là tấm gỗ mỏng. Chính quyền địa phương rất tận tình, cử cán bộ đi theo đoàn. Phải sang ngày thứ 4 có sự giúp sức của Đại tá Nhơn, CCB quận Hải Châu, chúng tôi mới xác định đúng nơi đồng chí Phú nằm. Khi cất bốc lên, một số di vật, người thân nhận ngay đúng là của Phú. Có người vừa thấy chiếc thắt lưng đúng của anh mình đã nhào xuống và nằm úp xuống mộ khóc nức nở”.

Đại tá nghỉ hưu Hoàng Ngọc Thắng, người tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà từ 1967-1975, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 307, nay là thành viên Ban Thường trực CCB Mặt trận 4 Quảng Đà, bạn đồng hành nhiều chuyến ngược núi với ông Trường tìm đồng đội cho biết, từ năm 1990 đến nay, các ông đã tìm và cất bốc được 22 mộ liệt sĩ. Ông Trường là người luôn đau đáu việc phải tìm bằng được đồng đội đang nằm lại chiến trường xưa. Năm nào ông cũng 5-6 lần tìm về gia đình liệt sĩ ở ngoài Bắc, thông báo với họ về manh mối rồi cùng họ tìm kiếm khắp nơi. Có đợt hơn chục người từ ngoài Bắc vào ở tại nhà ông khoảng 2 tuần, khâu ăn ở, đi lại ông lo hết. Với tôi, nhớ nhất là chuyến đi Duy Xuyên vào năm 2002. Sau khi cất bốc được hài cốt liệt sỹ, trời gần tối mà lại sắp mưa và không có xe để về. Ông Trường ôm khư khư hài cốt đồng đội đã gói gém cẩn thận trong bọc vải, lần từng bước từ núi cao xuống, vượt qua mấy khe suối để ra đường cái đón xe về nhà. Phải nói, hiếm người có tấm lòng nhân hậu, hết lòng vì đồng đội cũ như CCB này.

Chúng tôi hỏi ông, nay tuổi cao có còn ngược núi tìm đồng đội như đã làm trong hơn 20 năm qua? Có chứ, mắt ông sáng lên. Theo các CCB cùng đơn vị, hiện có 3-4 liệt sĩ là đồng đội cũ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Sắp tới, chúng tôi lại ngược núi lên Hòn Tàu. Công việc chỉ chấm dứt khi tất cả đồng đội đã hy sinh đều yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ.  

Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Minh Vương Đình Tĩnh không kiệm lời khi nhận xét về người nhiều năm liền đạt danh hiệu CCB gương mẫu: “Ông Trường là tấm gương sáng đáng để mọi người noi theo. Cứ nhìn việc ông lau chùi và thay cát trong lư hương tại các phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Minh thì đủ biết tấm lòng của ông đối với các anh hùng liệt sĩ như thế nào. Hàng chục năm qua, không chỉ nặng tình với đồng đội đã khuất mà ông còn giúp đỡ nhiều CCB gặp khó khăn trong đời sống”.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.