.

Bao giờ cánh cửa được mở?

Biết anh Phùng Minh Nam (SN 1983, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu) là một gương cai nghiện ma túy tiêu biểu và hiện tham gia điều trị methadone rất tích cực, tôi đề nghị gặp để viết bài và chụp ảnh nhưng sẽ làm nhòe gương mặt nhân vật vì sợ anh bị mọi người dị nghị.

Song, anh Nam khẳng định: “Em cứ để ảnh chụp bình thường, mình không còn chơi ma túy, sống trong sạch thì việc gì phải sợ thiên hạ chê cười”. Thế nhưng, một ngày sau, anh gọi điện cho tôi và đề nghị không đăng tấm ảnh đó với lý do: “Anh sao cũng được nhưng tội vợ con!”. Tôi hiểu những gì mà anh Nam cũng như bao người đã cai nghiện thành công còn vấp phải trên hành trình cuộc đời mình.

Anh N.Đ.T (30 tuổi) cũng đang gặp phải trường hợp tương tự. Để tự bảo vệ bản thân, anh T. phải giấu giếm mọi người về trường hợp của mình và từ chối tiếp xúc với báo chí. Là người nhiễm HIV hơn 20 năm nay, hiện tại, anh T. vẫn sống hạnh phúc với tổ ấm nhỏ của mình.

Câu chuyện của anh Nam, anh T. có lẽ là bằng chứng sống động về sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng với những con người từng lầm lỡ. Mặc dù các cơ quan chức năng luôn tìm mọi giải pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng, nhưng thực tế, cộng đồng xã hội, thậm chí chính những người thân ruột thịt của họ lại chưa bao giờ nhìn và đối xử họ như một con người bình thường.

Một sự thật đáng buồn là những người sau cai đang bị “gộp” vào nhóm những người bị kỳ thị nặng nề: người nhiễm HIV/AIDS, người từng có tiền án tiền sự, người từng hoạt động mại dâm… Dù rằng các cấp, các ngành luôn nỗ lực xóa bỏ sự kỳ thị ấy nhưng môi trường xung quanh như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp - những người gần họ nhất, lại là những người đối đãi với họ thiếu công bằng nhất. Điều này vô hình trung đã đẩy những con người từng lầm lỡ lặp lại vòng luẩn quẩn tăm tối của cuộc đời mình và tiếp tục vi phạm pháp luật.

Theo một thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, toàn thành phố hiện có 46 đội hoạt động tình nguyện và CLB sau cai nghiện. Điều đáng nói là chỉ có 14/46 đội được duy trì thường xuyên và hiệu quả. Quận Hải Châu và Thanh Khê là hai địa bàn “nóng” nhất trên địa bàn thành phố về tình hình tội phạm ma túy lại là hai địa phương có số đội tình nguyện hoạt động hiệu quả ít nhất (quận Hải Châu có 1 phường, quận Thanh Khê có 2 phường).

Làm thế nào xóa mờ ranh giới giữa những người từng lầm lỡ với cộng đồng, để cánh cửa cuộc đời rộng mở cho những người từng lầm lỡ nói chung và người sau cai nói riêng là việc làm cần kíp nhằm xây dựng một xã hội công bằng. Đây cũng là cách kiểm soát tình hình tội phạm ma túy đang ngày một phức tạp.

MỘC MIÊN

;
.
.
.
.
.