.

Chàng kỹ sư "chân đất"

.

Nhiều hộ dân trồng nấm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gọi vui anh là chàng kỹ sư “chân đất”. Với sự giúp đỡ tận tình của anh, nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định bằng nghề trồng nấm.

Anh Nguyễn Chí Linh hướng dẫn sinh viên cách trồng nấm.
Anh Nguyễn Chí Linh hướng dẫn sinh viên cách trồng nấm.

Anh là Nguyễn Chí Linh (27 tuổi), kỹ sư chuyên ngành công nghệ sinh học, phụ trách phòng công nghệ sản xuất nấm thuộc Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm,

Trăn trở với nông dân

“Anh Linh ơi, sợi tơ không ăn”, “Anh Linh ơi, nấm bị mốc rồi, chắc phải bỏ thôi!...”. Điện thoại của Linh không lúc nào yên lặng bởi hàng loạt cuộc gọi của những hộ nông dân được anh hướng dẫn trồng nấm. Từ chuyện bị sai sót một khâu kỹ thuật cho đến chuyện nấm nhà này trồng mỏng, hộ bên cạnh trồng dày, người ta cũng “ới” anh Linh.

“Sau khi được học miễn phí lớp dạy nghề nhân giống và trồng nấm ở Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm trong chương trình - dự án của Bộ NN&PTNT theo định hướng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề và xây dựng nông thôn mới, mình về và triển khai trồng thử 300 bịch nấm ăn. Lúc đầu hư hỏng gần hết. May nhờ có anh Linh…”, chị Lê Thị Thơ (50 tuổi, ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) thổ lộ.

Trước đây, chị Thơ làm phụ nghề mộc, việc lúc có lúc không, cuộc sống rất bấp bênh. Chồng chị sức khỏe yếu nên thỉnh thoảng ai gọi gì làm nấy. Hai con gái còn nhỏ nên chưa giúp được gì cho cha mẹ. Bởi vậy, khi địa phương thông báo đi học nghề trồng nấm, chị Thơ và 12 hộ trong phường đăng ký ngay. Khi bắt tay vào làm, chị Thơ và nhiều hộ dân tưởng như bỏ cuộc. “Chắc tụi tui không làm được đâu, chú Linh ơi. Làm rồi mới thấy khó quá!”, chị Thơ, chị Oanh và những “học viên” lớp nấm của anh Linh than thở.

Vậy là anh Linh lập tức đến các hộ dân, đi kiểm tra lại những bọc nấm vứt lăn lóc ở góc nhà, hỏi cặn kẽ các công đoạn họ đã làm và tìm nguyên nhân. Tìm ra nguyên nhân rồi, anh lại tỉ mẫn giải thích cặn kẽ và động viên các hộ làm lại. Lần 1, lần 2, đến lần thứ 3 thì nấm phát triển tốt và hoàn thiện. Đến giờ, nhà chị Thơ đã trồng được 5.000 bịch nấm trên diện tích hơn 100m2 với đủ các loại: nấm linh chi, sò, mèo..., mang lại thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, nhiều mô hình nuôi trồng nấm của khoảng 50 hộ dân tại một số địa phương như: Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), các xã Hòa Liên, Hòa Phong, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) được triển khai thành công. Các hộ dân này được đào tạo qua các lớp với sự hỗ trợ của anh Linh. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở các tỉnh khác như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai... cũng được anh giúp đỡ để phát triển nghề trồng nấm, ổn định đời sống.

Ước mơ

Từ nhỏ, anh Linh đã rất thích trồng trọt. Việc theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển cây khiến anh cảm thấy thú vị. Đi nhiều, anh mới thấy đời sống của nông dân còn rất vất vả, nhất là trong lúc diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc sống với nghề trồng trọt trên chính quê hương mình là chuyện khó. Anh thấy cây nấm là loại cây trồng có hiệu quả cao, lại không tốn nhiều diện tích, rất thích hợp với điều kiện hiện nay. Lúc đầu, giống nấm lấy ở Viện Di truyền tại Hà Nội, vừa mất nhiều thời gian vận chuyển vừa tốn kém. Vậy là cùng với sự hỗ trợ của bà Trần Thị Lệ Hằng, Phó khoa Công nghệ sinh học, anh Linh quyết định mày mò tìm cách tự sản xuất giống nấm.

Năm 2009, giống nấm “made in” Đà Nẵng được sản xuất thành công giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí cho sinh viên nhà trường khi thực hành. Không chỉ vậy, hiện nay, rất nhiều hộ dân tại Đà Nẵng đã phát triển nghề trồng nấm bằng giống nấm do anh Linh sản xuất với giá thành thấp. Hỏi về ước mơ, chàng trai trẻ này cười: “Mình chỉ có mong ước là ngày càng giúp được nhiều hơn nữa cho các hộ trồng nấm để họ có thể sống được trên mảnh đất của mình”. Anh mong muốn triển khai trồng thêm một số loại nấm mới như: nấm sò đùi gà, kim châm để cung cấp cho nông dân trồng.

Là thành viên BCH Đoàn trường, anh Linh cũng khá năng nổ, xông xáo trong các hoạt động Đoàn với 5 lần hiến máu nhân đạo và hằng năm tham gia các phong trào tình nguyện làm đường giao thông nông thôn. “Tham gia phong trào Đoàn giúp mình trưởng thành hơn, tự tin hơn và từ đó hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn”, anh Linh chia sẻ. Vinh dự là 1 trong 4 cá nhân tiêu biểu của Đà Nẵng được trao giải thưởng Lương Định Của năm vừa qua, anh Linh nói: “Nhận giải thưởng, mình thấy càng phải cố gắng hơn để đóng góp nhiều cho quê hương”.  

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.