.

Cử tri mong mỏi

.

Các cử tri đang hướng về kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, và đề đạt những nguyện vọng, mong mỏi các vấn đề tồn đọng sẽ được giải quyết dứt điểm.

“Hung thần” xe ben là nỗi ám ảnh của người dân. 									Ảnh: NGỌC PHÚ
“Hung thần” xe ben là nỗi ám ảnh của người dân. Ảnh: NGỌC PHÚ

Bài toán hậu giải tỏa

Ông Võ Như Cường, Trưởng thôn Quan Nam 5 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cho biết, người dân địa phương rất thống nhất với chủ trương giải tỏa di dời của thành phố. Song, riêng với thôn Quan Nam 5, cử tri đặc biệt quan tâm đến 3 vấn đề: việc làm sau giải tỏa, mức đền bù và những tuyến đường xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa.

Theo ông Cường, sau khi giải tỏa đất nông nghiệp, nông dân không biết làm gì để có thu nhập, ổn định đời sống. 215 hộ đã bàn giao đất canh tác cho các dự án từ nhiều tháng nay và nhận đền bù, hỗ trợ. Thành phố có chính sách hỗ trợ về đời sống 3 triệu đồng/sào. Lao động trẻ còn có cơ hội tìm việc nơi khác nhưng lao động lớn tuổi rất khó tìm việc.

Người dân thôn Quan Nam 5 cũng bức xúc khi mức đền bù đất ở và vật kiến trúc còn thấp. Mặt tiền đường Nguyễn Bá Phát được đền bù 260.000 đồng/m2, các hộ sát đường bê-tông kiệt hẻm phía sau được đền bù 102.000 đồng/m2 là quá thấp so mặt bằng giá đất hiện nay. Hầu hết người dân nơi đây lo lắng tiền đền bù không đủ để làm nhà nơi tái định cư. Bên cạnh đó, các tuyến giao thông trên địa bàn bị xuống cấp nghiêm trọng, cần sửa chữa gấp để nhân dân đi lại thuận tiện, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố, người dân đã kiến nghị nhiều, nhưng đến nay đường xuống cấp vẫn xuống cấp. Hiện nhiều đoạn đường Nguyễn Bá Phát hư hỏng nặng, rất khó khăn trong lưu thông.

Bà Trịnh Thị Hà, Phó thôn Quan Nam 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cho biết, gần bước sang năm 2012, nhưng việc áp giá đền bù vẫn dựa trên các văn bản quy định từ năm 2009, không phù hợp với giá cả hiện nay. Người dân đồng tình với chủ trương giải tỏa nhường đất cho dự án, nhưng thành phố cần có chính sách tạo việc làm, nhất là với lao động nữ từ 40 tuổi trở lên, những người rất khó xin việc tại các công ty trong khi họ không có nghề gì ngoài làm ruộng và nuôi heo. Theo bà Hà, cần triển khai các dự án nhỏ tại địa phương để chị em tham gia, tạo thu nhập và sớm ổn định đời sống.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đề cập đến việc dạy nghề cho những thanh niên chưa có việc làm sau di dời giải tỏa. Chị Hiền cho rằng, công tác dạy nghề cho những đối tượng này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao, nhất là với lao động thuần nông. Vì vậy, nhiều gia đình có nhà 2, 3 tầng nhưng thu nhập quá thấp, vẫn thuộc diện hộ nghèo bởi không có thu nhập cơ bản.

Chỉnh trang đô thị, khắc phục ô nhiễm

Bà Lê Thị Sương (tổ 28, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, đường Bà Huyện Thanh Quan đoạn từ đường Ngũ Hành Sơn đến Nhà Văn hóa phường Mỹ An đã được thành phố đầu tư xây dựng, nhưng đoạn còn lại từ Nhà Văn hóa phường Mỹ An đến đường Trường Sa dài hơn 450m chưa được thảm nhựa, đường đất nhỏ hẹp gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông. Thậm chí, đoạn cuối giáp với đường Trường Sa chưa có đường. Hiện đã có 71/87 hộ dân hai bên đường đồng ý hiến 50% diện tích đất ở và 100% diện tích đất khuôn viên thu hồi để cải tạo, nâng cấp đoạn còn lại, nhưng vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng triển khai. Cũng tại tổ 28 này, Nhà máy Cao su Đà Nẵng vẫn còn hoạt động gây ô nhiễm môi trường, cần sớm được di dời ra khỏi khu dân cư.

Theo bà Nguyễn Thị Bông (tổ 5, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), đường Nguyễn Tất Thành là một trong những con đường đẹp nhất thành phố, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị của quận Thanh Khê. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào sử dụng thời gian ngắn, một số đoạn đường đã xuống cấp. Đặc biệt, dọc theo tuyến đường này hiện còn rất nhiều lô đất trống trở thành nơi đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Cử tri phường Xuân Hà cũng như cử tri quận Thanh Khê đã nhiều lần phản ánh vấn đề này lên các cấp chính quyền, UBND thành phố đã có chỉ đạo cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND quận Thanh Khê ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, đồng thời rào lại những khu đất trống để tránh việc đổ rác. Thế nhưng, rác các nơi vẫn đổ về, thậm chí một số đoạn vỉa hè bị biến thành nơi đổ xà bần vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa cản trở lưu thông.

Nỗi lo “hung thần” xe ben

Theo bà Phan Thị Quyên (tổ 24, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ), những ngày vừa qua, khi trời hửng nắng, xe ben, xe tải bắt đầu hoạt động trở lại và phóng nhanh, vượt ẩu. Khi thấy bóng dáng CSGT, các tài xế cho xe chạy chậm, đồng thời điện thoại cho nhau để nắm tình hình. Khi vắng bóng CSGT, các “hung thần” lại tăng tốc mà không hề quan tâm, để ý đến người đang đi trên đường. Bà Quyên phản ánh: Vào giờ cao điểm, có rất nhiều học sinh, công nhân đi lại trên quốc lộ 14B, nhưng các xe ben, xe tải vẫn phóng ào ào, lấn đường của những phương tiện giao thông khác, buộc người đi đường phải tạt xe máy lên lề.

Mấy năm trước, vào dịp gần Tết, nhiều công nhân ở Khu Công nghiệp Hòa Cầm bị chết oan vì xe ben, xe tải phóng nhanh, vượt ẩu. Bà Quyên đề nghị chính quyền thành phố phải có cách xử lý để hạn chế tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu của các tài xế xe ben, xe tải. Đặc biệt, phải cấm hẳn những phương tiện này lưu thông trên các tuyến đường trước ngày 20 tháng Chạp (13-1-2012) để người dân dọn đường, dọn nhà vui xuân đón Tết, tránh TNGT đáng tiếc xảy ra.

Chị Bùi Thị Hiền (trú thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho biết: “Nhà tôi ở cạnh đường rẽ vào các mỏ đá, mỏ đất Hòa Nhơn. Cũng như bà con nơi đây, hằng ngày tôi phải hứng chịu cảnh bụi bặm, tiếng ồn, cửa lúc nào cũng đóng im ỉm. Vậy mà bụi luôn phủ đầy bàn ghế; áo quần không dám phơi bên ngoài, trẻ con không dám ra sân chơi vì sợ viêm đường hô hấp”. Theo chị Hiền, thời gian qua, người dân ở đây đã kiến nghị với chính quyền các cấp, thậm chí ra đường chặn xe, nhưng tình hình vẫn không thay đổi. “Vì mở mang phát triển thành phố nên việc san lấp mặt bằng là điều hiển nhiên, nhưng phải làm sao để tài xế xe ben, xe tải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời ngành môi trường phải tưới nước thường xuyên để tránh bụi”, chị Hiền bày tỏ.  

Hàng ngàn người dân sống ở các tuyến đường Phạm Hùng (quận Cẩm Lệ), Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu)… cũng lo sợ hiểm họa xe ben. Thậm chí, họ còn mong trời mưa hơn trời nắng để không thấy bóng dáng các “hung thần”.

Ô-tô đậu, đỗ tràn lan

Hiện nay, việc nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố như Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Trần Phú… thường bị ùn tắc giao thông cục bộ, cử tri cho rằng một trong những nguyên nhân do việc ô-tô đậu, đỗ tràn lan. Ông Lê Trung Thái (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) bức xúc: “Giờ cao điểm rất khó đi lại, chưa kể tai nạn rất dễ xảy ra”. Ông Thái cho rằng, việc quy hoạch bãi đậu, đỗ ô-tô là cấp thiết, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa tránh tai nạn và ùn tắc giao thông.

Nhóm phóng viên

;
.
.
.
.
.