.

Xã hội hóa hoạt động dạy nghề: Còn nhiều rào cản

.
Đề án “Xã hội hóa hoạt động dạy nghề” được thực hiện tại thành phố Đà Nẵng từ năm 2007-2010 đã gặt hái nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít những khó khăn.

Mô tả ảnh.
Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập đã góp phần không nhỏ trong hoạt động dạy nghề, tạo nguồn nhân lực chất lượng. TRONG ẢNH: Một lớp học nấu ăn của Trường trung cấp nghề du lịch Việt-Úc.
 
Nâng cao chất lượng

Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã phát triển thêm 14 cơ sở dạy nghề, chuyển đổi cơ chế, bảo đảm một phần chi phí hoạt động tại các cơ sở dạy nghề công lập. Các cơ sở dạy nghề công lập đã được đầu tư gần 268 tỷ đồng, chiếm hơn 64% các cơ sở dạy nghề của thành phố. Trong đó, tập trung đầu tư dạy các nghề mang tính lâu dài mà các sơ sở dạy nghề ngoài công lập ít đầu tư được như: Công nghệ ô-tô, hàn áp lực, công nghệ cán, kéo kim loại, kỹ thuật truyền dẫn quang và vô tuyến, lắp đặt trạm viễn thông... Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề ngoài công lập (chiếm trên 52% trên tổng số cơ sở dạy nghề) đã phát huy năng lực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề của thành phố với tổng vốn đầu tư trong 5 năm qua là gần 147 tỷ đồng.
 
Các cơ sở dạy nghề đã đào tạo hơn 100 ngàn người học nghề, trong đó cơ sở ngoài công lập đã đào tạo hơn 53 ngàn người. Đặc biệt, có hơn 18 ngàn lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời giải tỏa, các đối tượng đặc thù được học nghề, 80% được giới thiệu, giải quyết việc làm. Công tác dạy nghề trên địa bàn thành phố đã bắt đầu đi theo định hướng nhu cầu thị trường lao động, sự cạnh tranh giữa các cơ sở dạy nghề ngày càng quyết liệt. Vì vậy, các cơ sở dạy nghề phải chủ động tìm đầu ra của mình và cần thiết phải xây dựng các mô hình đào tạo nghề có chất lượng và hiệu quả. Trong 5 năm qua, hàng chục mô hình dạy nghề đã được ứng dụng thực hiện ở các cơ sở dạy nghề.
 
Doanh nghiệp đã đồng hành trong công tác đào tạo, tổ chức cho người học tham gia thi công công trình với doanh nghiệp, nhận sản xuất theo các hợp đồng. Mô hình đào tạo thực nghiệm là mô hình đào tạo rất phổ biến tại các nước Úc, Đức, Thụy Sĩ, Mỹ... đã được ứng dụng tại một số cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, một số cơ sở dạy nghề đã chủ động dạy nghề lưu động cho lao động nông thôn, vùng di dời giải tỏa, vùng khó khăn, miền núi và mô hình dạy nghề thủ công truyền thống như mây tre, dệt thổ cẩm, trồng hoa cây cảnh, đá mỹ nghệ...

Và những bất cập

Khó khăn chung mà các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập đang gặp phải là về cơ chế, rất khó để vay vốn và được cấp đất. Trường trung cấp nghề du lịch Việt-Úc là một trong những đơn vị ngoài công lập, có đóng góp không nhỏ trong công tác đào tạo nghề với 4.500 học viên được đào tạo trong 4 năm, chiếm gần 10% tổng số chỉ tiêu đào tạo 5 năm qua của các cơ sở tư thục. Ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề du lịch Việt-Úc bày tỏ: Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập vẫn chưa nhận được các ưu đãi về đất đai, vay vốn. Chúng tôi rất mong thành phố quy hoạch khu vực đất đai dành cho hệ thống trường nghề có nhu cầu sử dụng và chính sách giá thuê, mua phù hợp các nghị định của Chính phủ; hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng đối với các dự án có quy mô lớn và được nhập khẩu các trang thiết bị giảng dạy trực tiếp từ nước ngoài miễn thuế theo quy định”.

Tuy nhiên, có không ít nhà đầu tư còn ngại bỏ vốn vào lĩnh vực dạy nghề nên việc huy động xã hội hóa trong lĩnh vực này gặp khó khăn. Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập tuy nhiều nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu dạy các ngành nghề ít đầu tư trang thiết bị, chi phí thấp, thiếu giáo viên nên chất lượng dạy nghề chưa cao. Công tác dạy nghề theo nhu cầu xã hội bắt đầu có chuyển biến nhưng chưa phổ biến. Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia dạy nghề. Mặc dù chuyển sang cơ chế có thu nhưng một số cơ sở dạy nghề công lập chưa chủ động, còn ỷ lại vào nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố và Trung ương.
 
Việc xây dựng và thực hiện các mô hình đào tạo nghề hiện nay vẫn còn một số bất cập, hầu hết các mô hình dạy nghề đều thực hiện thông qua thực tiễn tại các cơ sở dạy nghề, thành phố chưa tập trung nghiên cứu, kiểm định, có kế hoạch cụ thể cũng như học tập các mô hình tiên tiến của nước ngoài để đưa vào ứng dụng có hiệu quả cao hơn và phòng tránh được các thiệt hại. Mặc dù trên thực tế, một số mô hình được thực hiện có hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng cũng như chia sẻ giữa các cơ sở dạy nghề.

Bài và ảnh: KIM NGÂN
;
.
.
.
.
.