.

Tuyến kênh “đen” giữa phố

.

Kể từ khi đổ đất san lấp khu vực đầm lầy, ngập nước ở phía Tây Nam đường Trưng Nữ Vương, xây dựng khu dân cư Nguyễn Tri Phương 1 nối dài đường Nguyễn Tri Phương… kết hợp với việc người dân xây dựng, cơi nới nhà cửa lấn chiếm dần hai bên bờ, tuyến kênh thoát nước từ sân bay Đà Nẵng đổ ra sông Cẩm Lệ đoạn chảy qua các tổ 27, 26, 25, 24 và 23, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu trở thành điểm nóng về vệ sinh môi trường vào mùa nắng và gây ngập lụt cục bộ cho cả khu vực dân cư này khi trời mưa lớn.

Điểm nóng vệ sinh môi trường và ngập úng

Tuyến kênh tù đọng, chỗ trắng đục, chỗ đen sì, rác rến nổi lềnh bềnh… mất vệ sinh môi trường vào mùa nắng.  

Đứng trên đường Trưng Nữ Vương nhìn xuống tuyến kênh rộng 8 mét này không khỏi giật mình vì dòng nước tù đọng, chỗ trắng đục, chỗ đen sì, rác rến nổi lềnh bềnh… và bốc mùi hôi khó chịu. Hai bên tuyến kênh là nhà cửa của người dân san sát và cả bờ kè đá chắp vá cũng do người dân xây dựng để tránh sạt lở. Theo đường kiệt 634 đi vào phía trong, có rất nhiều nhà dân đã xây dựng hướng mặt ra tuyến kênh này, thậm chí còn bắc cầu đi qua.

Tuy đã lâu rồi trời không mưa, nhưng vẫn có nước từ sân bay đổ ra chảy róc rách. Đi dọc hẻm 17 của kiệt 634, chúng tôi không khỏi bàng hoàng với cách cải thiện môi trường, giảm bớt mùi hôi ở tuyến kênh này của người dân hai bên bờ khi tận dụng một bãi bồi nhỏ giữa kênh để trồng rau muống. Bà Phan Thị Hậu - tổ 26 đang cầm trên tay vài ngọn rau muống, bức xúc: “Chúng tôi đã phản ánh lên các cấp nhiều lần rồi, nhưng chưa có một động thái giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở tuyến kênh này. Đứng ở đây anh có ngửi mùi hôi không?

Cũng nhờ vạt rau muống này cả đấy, không thì đã hôi thối um cả khu vực này”. Còn chúng tôi không giấu được sự lo ngại vì khu vực sân bay Đà Nẵng đang là điểm nóng tồn đọng chất độc da cam dioxin do không quân Mỹ đổ thừa ra sau những lần đi phun thuốc diệt cỏ làm khô cháy các cánh rừng trong chiến tranh, trong khi đó đây là một trong những tuyến kênh lớn thoát nước từ sân bay ra.

Bà Hậu còn cho biết thêm: “4 - 5 năm nay cả khu phố này bỗng dưng ngập sâu từ 1 – 2 mét mỗi khi trời mưa lớn. Việc này cũng do san lấp khu vực đầm lầy, ngập nước để xây dựng khu dân cư Nguyễn Tri Phương 1 và đường Nguyễn Tri Phương nối dài (nay là đường Nguyễn Hữu Thọ), dù có làm cống thoát nhưng nước không thoát kịp. Cả đường kiệt bê-tông cao ráo thế kia mà vào mùa mưa phải đi vào bằng canô, còn dân thì quá cực, nước tống về rất nhanh, nhiều nhà chưa kịp kê cao đồ đạc đã bị ngập rồi, nhà tôi đứng ngập sâu ngang cổ”.

Kiên cố hóa dòng kênh đen

Theo ông Trần Thế Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây, khu vực Tây Nam Hòa Cường trước đây là đầm lầy thấp trũng, ngập nước nên nước thoát ra đây dễ dàng, khu vực từ tổ 23 đến 27 không bị ngập úng. Việc xây dựng khu dân cư Nguyễn Tri Phương 1 và đường Nguyễn Tri Phương nối dài tuy có làm tuyến cống thoát nước lớn đổ ra sông Cẩm Lệ nhưng vào những ngày mưa lớn thì mực nước sông Cẩm Lệ cũng cao, nước mưa khó thoát ra, dồn ứ gây ngập lụt cục bộ.

Để giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường và ngập úng, phương án nạo vét tuyến kênh quá khó thực hiện vì nhà cửa của dân san sát, phường cũng đã từng hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị vớt bèo, rác thải cho nước dễ thoát… Người dân phản ánh bức xúc nhiều lần, mới đây, UBND thành phố có Quyết định số 1362 (ngày 22-2-2010) phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất hướng tuyến cống thoát nước qua các tổ từ 23 đến 27 (đoạn từ đường Trưng Nữ Vương đến Sân bay Đà Nẵng) thuộc Dự án tuyến cống thoát nước phía Tây Hòa Cường với diện tích nghiên cứu quy hoạch là 3.680m2, tiến tới xây dựng một tuyến cống thoát nước với khẩu độ cống là 7,9mét. Phường đã mời 48 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đến họp để công bố quy hoạch; những hộ nào có diện tích đất thu hồi đã có chứng nhận (sổ đỏ) thì được đền bù, những hộ chưa có chứng nhận sẽ chỉ đền bù vật kiến trúc…

Theo chúng tôi, trước mắt UBND phường Hòa Thuận Tây cần tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực ra quân khơi thông dòng chảy, thu dọn rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường; không trồng rau muống, môn nước và đánh bắt cá để ăn và bán. Qua đây, cũng mong người dân cần đồng thuận, chấp hành chủ trương giải tỏa, đền bù, sớm bàn giao mặt bằng để triển khai xây dựng tuyến cống, giải quyết dứt điểm tình trạng mất vệ sinh môi trường và ngập úng cục bộ kéo dài. 

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.