Theo dấu sắc phong cho những người Quảng Nam giữ biển

.

Thời triều Nguyễn, lực lượng thủy quân chia làm hai bộ phận, một bộ phận ứng trực ở kinh đô gọi là Kinh kỳ thủy sư, một bộ phận của các tỉnh gọi là thủy vệ (hay thủy cơ) và các đội hải dân quân. Nhưng vì Quảng Nam có cảng Đà Nẵng là nơi quan yếu về mặt biển nên tại đây có cả lính thủy sư kinh kỳ đóng giữ. Về lực lượng thủy binh địa phương, Quảng Nam thủy cơ được thành lập vào năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) với quân số ban đầu gồm 500 người. Hai năm sau lại rút số lính mới tuyển tại địa phương bổ sung, lập thành hai thủy vệ là Quảng Nam Tả vệ và Quảng Nam Hữu vệ; mỗi vệ có 10 đội.

Một đạo sắc phong cho ông Võ Văn Tây.  Ảnh: NGÔ VĂN MINH
Một đạo sắc phong cho ông Võ Văn Tây. Ảnh: NGÔ VĂN MINH

Những năm gần đây, nhờ phát hiện các sắc phong của triều đình còn được lưu giữ tại các địa phương, chúng ta thấy hé lộ nhiều thông tin về người Quảng Nam tòng quân trong Kinh kỳ thủy sư và ở Thủy vệ Quảng Nam, được triều đình khen thưởng thành tích công vụ.

Người đầu tiên chúng tôi muốn giới thiệu là ông Trần Văn Thái (quê thôn Ngọc Lộc, nay thuộc xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Theo sắc phong còn lưu lại, kết hợp với các sách Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán Triều Nguyễn, chúng ta biết được ông là vị Thượng thư Bộ Công đầu tiên của triều đại này, là người có vai trò rất quan trọng trong việc đóng các chiến thuyền, được Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi nhận: “Thái là người có tài khéo, phàm chỉ bảo cách thức đóng các thuyền đều do ở tay Thái cả”.

Điều rất đáng lưu ý là trong số thuyền ông cho đóng vào năm 1803 có loại thuyền hải đạo [thuyền đi biển], và một năm trước đó (1802) ông đã được vua Gia Long giao kiêm quản cả ban tào vận và công việc Trường Đà mà đến năm 1803 trong phiên chế của quân Trường Đà có cả hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải (đội Bắc Hải có chức năng như đội Hoàng Sa, đi khai chiếm, khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa). Theo sắc phong ngày 13-3 năm Gia Long thứ 9 (1810), ông được ban tước đầy đủ khi mất là Sùng phiến Tư lộc đại phu Trụ đức tham chính Quý đức hầu.

Cũng nhờ vào 5 đạo sắc phong còn lưu giữ, chúng ta biết được quá trình công vụ của ông Võ Văn Tây, người xã Hòa Thanh (nay thuộc xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ) trong lực lượng Thủy sư kinh kỳ suốt 3 triều vua từ Minh Mệnh, Thiệu Trị cho đến Tự Đức; và những thăng tiến ông đạt được, từ chỗ Chánh Đội trưởng suất đội lên Chánh đội trưởng, rồi Thành thủ úy, làm Hiệp quản Thủy sư, lại được Bộ Binh đề nghị và được phê chuẩn làm chức Hiệp quản Vệ Hai doanh trung.

Sang thời Tự Đức, do có thâm niên, lại hoàn thành tốt chức trách nên Võ Văn Tây được thăng chức Quản kỳ, chỉ huy các Hiệp quản trong vệ. Đến năm 1850, qua một cuộc sát hạch ông được đề cử thăng lên chức Phó vệ úy chỉ huy vệ Hai doanh quân trung, đến trước khi nghỉ hưu được triều đình chuẩn thuận cho thăng chức Vệ úy thực thụ (hàm nhị phẩm) chỉ huy hơn 527 quân.

Ông Nguyễn Văn Thể ở thôn Tỉnh Thủy (cũng thuộc xã Tam Thanh) tòng quân tại Kinh kỳ thủy sư. Căn cứ vào các sắc phong lưu lại, chỉ trong 10 năm ông đã thăng tiến từ chức Đội trưởng với hàm bát hoặc thất phẩm, lên tới Phó vệ úy, hàm tam phẩm. Ông Lê Diễn ở thôn Phú Quý (xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ) cũng được giữ chức Phó vệ úy thuộc Tả doanh Thủy sư kinh kỳ, khi mất được tặng Tín Nghĩa đô úy phó quản.

Từ đường tộc Phạm Văn ở thôn An Lương (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) hiện còn lưu giữ hai đạo sắc phong của triều đình ban tặng viết trên hai tấm lụa vàng và những ghi chép trong tộc phả cho biết có 3 người trong tộc từng giữ chức vụ quan trọng trong quân đội dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mệnh.

Một trong hai đạo sắc phong đề ngày mùng 1 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) dành cho vị Thủy sư chưởng vệ Phạm Văn Cuộc giữ chức Thủy sư chưởng vệ thứ nhất, kiêm quản luôn các vệ 2, 3, 4 và 5, được khen là người có lòng quả cảm, mưu lược, có công bảo vệ biên cương lãnh thổ, tận trung với triều đình.

Cha ông Phạm Văn Cuộc là ông Phạm Văn Đường giữ chức Đô úy phó quản cơ, phụ trách bảo vệ nội thành, được triều đình khen ngợi là người đã có công dạy dỗ, huấn luyện cho đất nước một nhân tài kiệt xuất. Người thứ ba là Phạm Văn Trận được giao tới chức Thủy soái chưởng vệ tam tứ ngũ đẳng đại tướng quân (theo phiên chế quân đội Triều Nguyễn thì ông này chỉ huy đến 2.500 quân).

Khóm thờ có hai chữ Quốc Sủng và hoành phi 4 chữ Sơn Hà Chính Khí của triều đình ban cho ông Nguyễn Hữu Quân.
Khóm thờ có hai chữ Quốc Sủng và hoành phi 4 chữ Sơn Hà Chính Khí của triều đình ban cho ông Nguyễn Hữu Quân.

Tại xã Tam Xuân, huyện Núi Thành lại phát hiện được sắc phong ông Nguyễn Văn Xảo chức Chánh đội trưởng suất đội thủy quân. Còn với 10 đạo bằng, sắc, chiếu còn lưu giữ tại nhà thờ họ Trương ở xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ cho biết có 3 người trong họ đều có thành tích công vụ tuần phòng mặt biển.

Trong đó, ông Trương Văn Sương tham gia lực lượng thủy quân ngay từ khi Nguyễn Ánh mới đánh ra Quảng Nam (1801), đến năm 1807  được thăng chức từ Ngũ đội trưởng lên Suất đội trưởng. Năm 1816 được thăng lên Chánh suất đội trưởng, rồi được công nhận chức chính thức trong Cơ 5 năm sau đó.

Con của ông Trương Văn Sương là ông Trương Văn Tri tòng quân ở Tả thủy vệ Quảng Nam, quan lộ trải từ Đội trưởng lên Suất đội trưởng, rồi Chánh suất đội trưởng. Người chú trong họ của ông Trương Văn Tri là ông Trương Văn Hay cũng được thăng tới chức Suất đội trưởng. Một người khác nữa là ông Lê Văn Ước, cũng ở xã Hòa Thanh (nay thuộc xã Tam Thanh), được cấp bằng giao giữ chức Suất đội thuộc Tả Thủy vệ Quảng Nam,  sau đó được cấp bằng Ngoại ủy Đội trưởng.

Có một người Quảng Nam, không phải trong Thủy sư kinh kỳ hay Thủy vệ Quảng Nam giữ công vụ tuần tra mặt biển, mà là một nhà giáo kiêm nhiếp phủ vụ, nhưng khi an ninh biển đảo bị đe dọa, đã cầm gươm đốc chiến trước ba quân, để lại một tấm gương oanh liệt, “khuyến khích cho tương lai mãi mãi”.

Đó là cử nhân Nguyễn Hữu Quân, người thôn Phúc An, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn (nay là thôn Phước Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Sách Đại Nam thực lục và sắc phong còn lưu lại cho biết, ông ra làm quan Giáo thụ phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đồng thời quyền nhiếp phủ vụ phủ Nam Sách (tức kiêm luôn các công việc của phủ này.

Có lẽ bấy giờ Nam Sách đang khuyết chức Tri phủ) khi nơi đây đang là điểm nóng về an ninh biển. Ngày 26 tháng giêng năm Tự Đức thứ 25 (1872), bọn giặc Tàu Ô đông đến 1.300 tên đi trên 90 chiếc thuyền từ biển tiến vào theo đường sông vây bức phủ thành Nam Sách, nhưng bấy giờ quân giữ phủ chỉ có hơn 600 người mà quá nửa là quân mộ dũng chứ không phải phiên chế cơ đội chính quy.

Nguyễn Hữu Quân đã chỉ huy đốc chiến một cách kiên cường. Khi bị bắt, ông lớn tiếng mắng chửi bọn Tàu Ô, bị chúng giết chết. Mặc dù phủ thành thất thủ nhưng triều đình vẫn thưởng phạt phân minh, ghi nhận “Nguyễn Hữu Quân là viên quan văn, thế mà cũng đề kiếm xông ra chiến đấu; bị giặc bắt được còn lớn tiếng mắng giặc cho đến khi chúng giết”.

Vua Tự Đức còn có riêng tờ chế tưởng thưởng Nguyễn Hữu Quân “Biết đem chính sự thi hành khi được tạm nhận lệnh ngoài ngàn dặm. Không trễ nãi việc quan, biết hết sức mình trong những ngày trách nhiệm. Bỗng vì giặc quấy mạn Đông, một mình phấn đấu chí diệt thù; song thành cô đơn khó chống giữ nên bỏ nhẹ tấm thân vì nước. Đã hết sức trong phần trách nhiệm; lại dốc lòng khi gặp nguy nan. Lòng trung đó đáng khen, mà sự khen nên thật xứng” (Chế ngày 25 tháng 7 năm Tự Đức thứ hai mươi lăm - 1872).

Những nội dung bằng sắc dẫn ở trên đã một phần nào cung cấp bằng chứng lịch sử về ý thức trách nhiệm đối với chủ quyền quốc gia trên biển của các thế hệ tiền nhân Quảng Nam và Đà Nẵng.

PGS, TS Ngô Văn Minh

;
.
.
.
.
.