Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC

Thảo luận 4 chủ đề ưu tiên năm 2017

.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (FMM), sáng 20-10, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) APEC khai mạc tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đồng chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Ngân khố Úc Scott Morrison tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giai đoạn mới giữa Bộ Tài chính hai nước.					            Ảnh: ĐẶNG NỞ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Ngân khố Úc Scott Morrison tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giai đoạn mới giữa Bộ Tài chính hai nước. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Tại hội nghị, các thứ trưởng và phó thống đốc NHTƯ các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận 4 chủ đề ưu tiên hợp tác trong năm 2017, gồm: đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận; tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; tài chính bao trùm.

Vấn đề xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) được đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đặc biệt quan tâm và các tổ chức quốc tế (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, Ngân hàng Thế giới…) tích cực hỗ trợ. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng hạn chế trong chính sách thuế của một số nước để chuyển lợi nhuận sang những nước/vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hoặc bằng 0. Do vậy, BEPS đặc biệt thiết thực với các nền kinh tế đang phát triển, giúp bảo vệ nguồn thu và duy trì, mở rộng cơ sở tính thuế. Theo các chuyên gia, Việt Nam bị ảnh hưởng nguồn thu chính đáng từ hành vi trốn thuế, thể hiện rõ nhất qua chuyển giá hay các giao dịch qua biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, đối với Việt Nam, vấn đề này càng mang ý nghĩa quan trọng. “Hiện có rất nhiều tập đoàn quốc tế đang hoạt động xuyên biên giới tại Việt Nam. Do vậy, cần có khung chính sách lãnh đạo tốt, bảo đảm minh bạch về tài chính. Quan trọng không kém là một hệ thống thuế đủ khả năng “buộc” các công ty phải tuân thủ một cách hiệu quả”. Theo ông Eckardt, đây cũng là một vấn đề toàn cầu, đòi hỏi giải pháp mang tính tổng thể trên cơ sở hợp tác đa phương. Tháng 6 vừa qua, Việt Nam chính thức công bố tham gia vào Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS và trở thành thành viên thứ 100 của diễn đàn này.

Vấn đề tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai cũng được các đại biểu quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh khí hậu có nhiều biến đổi phức tạp hiện nay. Với vai trò chủ nhà, Việt Nam đề xuất kế hoạch hành động tập trung vào xây dựng chiến lược hoặc khung chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai cấp quốc gia và địa phương; xây dựng chính sách quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công; xây dựng chính sách phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai; phát triển các công cụ phân tích phục vụ công tác hoạch định chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai. Ông Eckardt cho biết, phí tổn do thiên tai của Việt Nam lên đến gần 0,5% GDP mỗi năm. “Việc thảo luận sẽ giúp tìm ra cách thiết lập cơ chế bảo hiểm và tài chính tốt nhất trong trường hợp thiên tai xảy ra, không chỉ nhằm mục đích cứu trợ mà còn mục đích hồi phục kịp thời”, ông nói.

Tăng cường hợp tác tài chính song phương

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch FMM 2017 tiếp song phương lãnh đạo Bộ Tài chính các nước Hoa Kỳ, Úc và lãnh đạo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Tại buổi tiếp Tổng Thư ký OECD Angel Gurria, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao và ghi nhận sự hỗ trợ của các chuyên gia OECD trong việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách về thuế quốc tế và đặc biệt là cân nhắc khả năng tham gia vào các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận do OECD khởi xướng. Bộ Tài chính mong muốn OECD tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng triển khai việc hợp tác trong các lĩnh vực đã ưu tiên và có lợi ích chung giữa hai bên. Ông Angel Gurria cho biết, thời gian tới, OECD sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính Việt Nam cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia trong từng lĩnh vực chuyên môn cũng như chia sẻ kinh nghiệm về các chủ đề ưu tiên mà Việt Nam quan tâm trong tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017.

Tiếp ông David Malpass, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề xuất một số nội dung với phía Hoa Kỳ, như: đề nghị chính phủ Hoa Kỳ xem xét đẩy nhanh việc phê chuẩn Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần Việt Nam-Hoa Kỳ; tiếp tục tích cực phối hợp và tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm đi đến ký kết và thực hiện Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan hải quan; hỗ trợ ODA, hỗ trợ kỹ thuật... Ông David Malpass cho biết, trên cơ sở quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua và những đề xuất của Bộ Tài chính Việt Nam, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với Bộ Tài chính Việt Nam để cả hai bên cùng phát triển, đi đến những hợp tác cụ thể.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do ông Mitsuhiro Furusawa, Phó Tổng Giám đốc điều hành IMF dẫn đầu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính Việt Nam rất quan tâm đến việc ổn định tài khóa, đẩy mạnh quản lý ngân sách, bền vững nợ công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đào tạo tăng cường năng lực cán bộ, vì vậy, mong tiếp tục có sự hỗ trợ của IMF trong những lĩnh vực này.

Ông Mitsuhiro Furusawa đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và IMF thời gian qua và khẳng định IMF sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính Việt Nam trong các lĩnh vực chuyên môn mà hai bên cùng quan tâm, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về các chủ đề ưu tiên mà Việt Nam đề xuất trong tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017.

Ngoài ra, tại buổi tiếp song phương với Bộ trưởng Ngân khố Úc Scott Morrison, hai bên đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giai đoạn mới giữa Bộ Tài chính hai nước cũng như phương hướng thúc đẩy việc quản lý hiệu quả nguồn tài trợ ODA trong thời gian tới.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

 

 

Là một nền kinh tế mở, Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong APEC. Việt Nam cũng làm tốt việc thúc đẩy các lợi ích trung lập trong nước và trong khu vực, tiến đến một nền kinh tế phát triển năng động. Tất cả các nền kinh tế thành viên APEC cũng quan tâm đến việc tạo ra sự thịnh vượng và hợp tác trong khu vực. Để làm được điều này, cần có sự hợp tác về chính sách trong từng lĩnh vực cụ thể.

Bà Michelle Curry, CEO Quỹ Hợp tác Phát triển FDC (Úc):

Các đề xuất mà Việt Nam đưa ra trong Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 đều hợp lý. Chúng ta quan tâm đến việc phát triển bền vững của từng nền kinh tế, giữa các nền kinh tế với nhau. Tôi khá quan tâm đến chủ đề ưu tiên thứ 4 mà Việt Nam đưa ra “Tài chính bao trùm”. Nếu triển khai được chủ đề này, sẽ cải thiện mức độ tiếp cận các lợi ích tài chính cho người dân và doanh nghiệp, từ đó dần xóa bỏ các tiêu cực.

Ông Manu Momo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Papua New Guinea

Theo tôi, các chủ đề ưu tiên mà Việt Nam đề xuất thảo luận trong hội nghị đều liên quan đến tình hình khu vực hiện tại, được sự thống nhất cao của các đại biểu. Thực tế, chúng tôi cũng học hỏi khá nhiều từ các hội nghị này để chuẩn bị sẵn sàng cho Năm APEC 2018 mà Papua New Guinea sẽ đăng cai.

KHANG NINH - QUỐC KHẢI

 
;
.
.
.
.
.