Đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn đội ngũ y tế

.

Các cơ sở y tế tổ chức nhiều chương trình đào tạo nhân lực trong thời gian qua, nhằm góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Theo định hướng phát triển của ngành y tế, đây là hoạt động liên tục, tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu.

Bệnh nhân đến khám và được thu dung điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.  Ảnh: PHAN CHUNG
Bệnh nhân đến khám và được thu dung điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố vừa tổ chức lớp đào tạo “Thực hành tiêm chủng an toàn” và “Khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng”. Tham gia lớp đào tạo, các học viên sẽ được phổ biến các văn bản liên quan đến tiêm chủng; các đối tượng tiêm vắc-xin, lịch tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng; dây chuyền tiếp nhận, bảo quản vắc-xin; kế hoạch tiêm chủng, ghi chép, báo cáo, quản lý; quy trình theo dõi phản ứng, xử trí sau tiêm...

Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, các lớp tập huấn liên quan đến công tác tiêm chủng an toàn rất cần thiết. An toàn tiêm chủng là quy trình bảo đảm tính an toàn và hiệu quả trong việc tiêm chủng đối với những người được tiêm. Việc bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quy trình tiêm chủng có tầm quan trọng rất lớn đối với người tiêm chủng, gia đình, cộng đồng và xã hội. “Sau khi học viên hoàn tất chương trình, kiểm tra đánh giá đạt yêu cầu, sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo về nội dung đã tham gia. Điều quan trọng là các lớp học này giải quyết, khắc phục những tồn tại trong hoạt động tiêm chủng, từ công tác bảo quản, đầu tư trang thiết bị, vật tư...”, bác sĩ Hóa cho biết.

Để tạo điều kiện cho các y, bác sĩ, điều dưỡng… tham gia khóa học, CDC Đà Nẵng linh hoạt tổ chức các lớp đào tạo vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Trước đó, đơn vị này cũng tổ chức nhiều lớp đào tạo liên quan đến các chủ đề như huấn luyện lao động, sơ cấp cứu tại nơi làm việc; hoạt động giám sát dự phòng; công tác truy vết; tư vấn công tác chăm sóc sức khỏe chủ động...

Tương tự, tại Bệnh viện Đà Nẵng, nhiều lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn cũng được tổ chức. Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7,  bệnh viện tổ chức 21 chương trình đào tạo với các nội dung như phục hồi chức năng cơ bản; gây mê hồi sức; phẫu thuật nội soi tiêu hóa; chấn thương chỉnh hình; nha chu; quản lý điều dưỡng; siêu âm tổng quát; nội soi mũi xoang; nội soi tiêu hóa cơ bản...

“Bệnh viện vừa tiếp nhận và đưa vào sử dụng hai trung tâm y tế chuyên sâu, việc đào tạo, bổ sung nhân lực là điều phải làm. Hiện bệnh viện đang có kế hoạch tuyển dụng, bổ sung nhân lực. Công tác đào tạo là một trong những hoạt động quan trọng, cần thiết để nâng cao chất lượng, năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh”, bác sĩ Nhân cho biết. Liên quan công tác đào tạo, thời gian qua Bệnh viện Đà Nẵng thường xuyên tổ chức đào tạo cho nhân viên, thông qua các hoạt động như mời các giáo sư đầu ngành; đào tạo ê-kip tuyến dưới hướng tới trở thành bệnh viện hạt nhân; tổ chức các hội thảo chuyên ngành; phối hợp các trường học tổ chức các lớp chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sĩ...

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, đào tạo nhân lực y tế gắn liền với công tác ứng dụng, triển khai kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh. Theo kế hoạch phát triển chuyên môn, thông qua hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực, nhiều kỹ thuật mới, phương pháp mới, nhiều công nghệ y tế được ứng dụng triển khai tại các đơn vị trong toàn ngành. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, năm 2023 thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên, tiếp tục triển khai ghép thận. Bệnh viện phê duyệt mới 61 dịch vụ kỹ thuật mới như phẫu thuật dị dạng xương ức lồi, lõm ở trẻ em; phẫu thuật lấy bỏ vùng gây động kinh bằng đường mở nắp sọ; ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, đo điện não đồ video...

Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng triển khai 14 kỹ thuật mới, Bệnh viện Ung bướu triển khai 10 kỹ thuật mới. Các bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm y tế quận, huyện cũng đã triển khai và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật như phẫu thuật bướu giáp; phẫu thuật nội soi mũi xoang; phẫu thuật chấn thương hàm mặt; phẫu thuật nội soi tiêu hóa; hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao; thận nhân tạo cơ bản... Những kỹ thuật này đã đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tại địa phương, thu hút người bệnh đến khám bệnh ngày càng tăng, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

“Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo tuyến theo chương trình của Bộ Y tế cũng được triển khai. Bệnh viện tuyến trên, các bệnh viện chuyên khoa tuyến thành phố cũng thường xuyên cử y, bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi hỗ trợ tuyến dưới hội chẩn các ca bệnh nặng, các ca bệnh khó theo nhiều hình thức; tổ chức các lớp đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc”, bác sĩ Thủy cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.