Tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết

.

Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 239 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) ở các quận, huyện. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, các địa phương tăng cường các biện pháp tuyên truyền, xử lý các ổ dịch, dọn vệ sinh môi trường, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.

Phun hóa chất diệt muỗi tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà). Ảnh: KHÁNH NGÂN
Phun hóa chất diệt muỗi tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà). Ảnh: KHÁNH NGÂN

Số ca mắc gia tăng

Tính đến ngày 16-1, trên địa bàn phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) ghi nhận 11 người mắc SXH. Theo bà Nguyễn Thị Tố Quyên, Trưởng Trạm Y tế phường Thọ Quang, để bảo đảm sức khỏe và nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống SXH, thời gian qua, Trạm Y tế tăng cường tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức dọn dẹp vệ sinh môi trường; chủ động làm sạch, lật úp các vật dụng có nước đọng, đậy kín lu chứa nước nhằm hạn chế muỗi sinh sản. Chiều ngày 15-1, Trạm Y tế phường tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các tổ dân phố 28, 29 và 30.

Từ đầu năm đến nay, phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) ghi nhận 7 trường hợp SXH và phát hiện 3 ổ dịch mới. Trước tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà Lê Thị Hiền, Trưởng Trạm Y tế phường cho biết, bên cạnh việc vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy, vừa qua Trạm Y tế phường đã phun hóa chất, xử lý dứt điểm ổ dịch tại tổ 39 và hiện đang vận động người dân trên địa bàn cùng phối hợp xử lý ổ dịch tại tổ 52.

Quận Liên Chiểu là một trong những địa phương có số ca mắc SXH nhiều trong thời gian qua. Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV&AIDS, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho hay, trong 2 tuần qua, quận ghi nhận 37 ca mắc SXH với 9 ổ dịch được phát hiện. Do ở địa bàn quận có nhiều khu vực thấp trũng, nhiều nhà trọ chen chúc trong kiệt, hẻm nhỏ khiến việc diệt lăng quăng, bọ gậy gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, trung tâm phối hợp chính quyền địa phương huy động người dân dọn vệ sinh, nhất là khu vực có nhiều nhà trọ, cống rãnh, khu đất trống để khống chế dịch SXH. “Hòa Khánh Bắc và Hòa Minh là 2 phường có nhiều ổ dịch nhất. Bởi những địa bàn này tập trung nhiều nhà trọ, đa số là sinh viên và công nhân thuê ở. Từ đầu năm đến nay, có 5 ổ dịch đã được xử lý dứt điểm, hiện còn 4 ổ dịch chuẩn bị phun hóa chất đợt 2”, ông Khanh nói.

Trong khi đó, Trưởng Trạm Y tế phường Hòa Minh Võ Thị Nga cho hay, năm 2023, toàn phường ghi nhận 233 trường hợp mắc SXH. Trong 2 tuần qua, trên địa bàn phường có 15 ca mắc mới và phát hiện 3 ổ dịch tại tổ 92 và 93. Trạm Y tế phường thường xuyên cập nhật nội dung liên quan công tác phòng dịch trên nhóm Zalo tổ dân phố để tuyên truyền, vận động người dân theo dõi các vị trí dễ xảy ra ao tù, nước đọng. Tuy nhiên, một số người dân còn chủ quan, thờ ơ, không hợp tác với cán bộ y tế trong hoạt động xử lý, phun hóa chất diệt muỗi. “Trạm y tế phường sẽ tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tích cực triển khai các hoạt động giám sát và thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh”, bà Nga cho hay.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch

Theo bà Lê Thị Hiền, nhằm khống chế dịch bệnh, ngoài việc cử cán bộ trực tiếp tuyên truyền cho người dân tại khu dân cư vào chiều Chủ nhật hằng tuần, Trạm Y tế phường vận động chủ các cơ sở kinh doanh phế liệu, săm lốp ô-tô, gara sửa xe... trên địa bàn giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống SXH. Tuy nhiên, một số hộ gia đình chưa thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy đúng cách, chủ yếu quét dọn, lau nhà cửa, phát quang bụi rậm.

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công cho hay, trong 2 tuần qua, số ca mắc SXH trên địa bàn có chiều hướng giảm và không xuất hiện các ổ dịch mới. Thời gian đến, UBND quận tiếp tục thực hiện kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH trên 10 phường; triển khai mạnh mẽ hoạt động diệt bọ gậy, lăng quăng tại các hộ gia đình, công sở, trường học và nơi công cộng; phân công các thành viên UBND quận trực tại các khu dân cư. Đồng thời, xử phạt nghiêm các cơ sở, địa điểm vi phạm nhiều lần, liên tục phát hiện lăng quăng, bọ gậy gây nguy cơ bùng phát dịch.

Đến nay, quận Cẩm Lệ xuất hiện 10 ổ dịch mới trên địa bàn, tập trung chủ yếu tại 2 phường Hòa Thọ Đông và Khuê Trung. Theo ông Ngô Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, UBND quận sẽ cử các thành viên giám sát quá trình diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn; chỉ đạo Trung tâm Y tế quận tiến hành phun hóa chất diệt muỗi 2 lần/tháng đối với ổ dịch lớn và 1 lần/tháng đối với các khu vực có nguy cơ thấp; vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy vào Chủ nhật hằng tuần; tích cực truyền thông giúp người dân thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Qua đó, giúp nhận biết sớm các triệu chứng, những dấu hiệu cảnh báo bệnh để đến cơ sở y tế sớm nhất, nhằm được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, tính đến ngày 15-1, thành phố ghi nhận 239 trường hợp mắc SXH, trong đó tập trung nhiều ở một số địa phương như: quận Liên Chiểu (37 ca), quận Sơn Trà (38 ca), quận Hải Châu (36 ca), quận Cẩm Lệ (39 ca). Ngoài ra, ngành y tế cũng phát hiện 27 ổ dịch mới. Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, thời tiết đầu năm 2024 ít lạnh, mưa nhiều, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi phát triển. Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy trong khu dân cư.

“Thời gian tới, trung tâm tiếp tục giám sát, đánh giá kịp thời để triển khai các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diện rộng tại các khu vực dân cư, cơ quan, đơn vị trường học... có nguy cơ bùng phát dịch SXH cao, không để dịch lan rộng, kéo dài. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, hóa chất và các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch hiệu quả, kịp thời”, bác sĩ Hóa cho biết.

KHÁNH NGÂN

;
;
.
.
.
.
.