Bảo đảm dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

.

Nhiều bệnh nhân ung thư buộc phải dừng điều trị giữa chừng vì sức khỏe, thể trạng không bảo đảm. Tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, việc sàng lọc và đánh giá tình trạng dinh dưỡng là điều rất quan trọng và là bước cơ bản đầu tiên cần thực hiện, giúp nhận diện được đối tượng nguy cơ suy dinh dưỡng để có kế hoạch can thiệp phù hợp, cải thiện kết quả điều trị.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư hết sức quan trọng.  Trong ảnh: Điều trị bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: P. C
Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư hết sức quan trọng. TRONG ẢNH: Điều trị bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: P. C

Giữa tháng 4, bệnh nhân L.T.S. (65 tuổi, trú huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) được người nhà chuyển ra Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Tại đây, sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân S. ung thư phổi. Tuy nhiên, các giải pháp điều trị tiếp theo buộc phải dừng lại do tình trạng sức khỏe bệnh nhân không đáp ứng được.

Sau khi đánh giá tổng thể, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng nhận định, mỗi ngày bệnh nhân S. phải nạp từ 1.000-1.200 KCal để bồi bổ cơ thể. Sau hơn 2 tuần chăm sóc theo chế độ dinh dưỡng của các bác sĩ, bệnh nhân S. đã tăng 5 ký, sức khỏe, thể trạng cải thiện hơn, sẵn sàng cho các chương trình điều trị trong thời gian tới.

Tình trạng bệnh nhân S. trở nên phổ biến giống nhiều trường hợp khác khi đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng khám, điều trị. Theo khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, tỷ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhân khi đến đây tương đối cao. Theo đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng trước mổ của bệnh nhân theo công cụ sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng chiếm trên 80%.

“Việc sàng lọc và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân vì thế cần phải được thực hiện sớm, thường xuyên, qua đó giúp đưa ra kế hoạch can thiệp sớm, kịp thời phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của người bệnh”, bác sĩ Trần Thị Thanh, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế cho biết.

Từ lâu, bếp ăn phục vụ bệnh nhân, người nhà tại khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, bên trong Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng luôn đảm nhận nhiệm vụ “kép”. Đó là nấu, phát các suất ăn miễn phí cho bệnh nhân, người nhà khó khăn và chăm sóc, tư vấn cũng như cung cấp các suất ăn theo chỉ định cho các bệnh nhân cần bồi bổ cơ thể. Cuốn sổ nhật ký theo dõi ghi lại quá trình điều trị, tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc suất ăn cho hàng nghìn bệnh nhân điều trị ung thư. Theo bác sĩ Thanh, tình trạng thiếu dinh dưỡng xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh khó khăn chung cũng như quan niệm sai lầm của nhiều người về việc hạn chế ăn uống để bệnh không phát triển.

“Cơ thể người bệnh trước khi nhập viện, điều trị vốn đã yếu, thiếu chất khiến bệnh nhân có nguy cơ bị suy kiệt rất cao. Bên cạnh đó, một số triệu chứng khác như đau, buồn nôn, tiêu chảy… cũng làm cho bệnh nhân giảm khẩu phần ăn, khả năng hấp thu. Ngoài ra, những tác động về mặt tâm lý như lo lắng, suy nghĩ nhiều, trầm cảm…cũng tác động rất lớn đến tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân”, bác sĩ Thanh cho biết thêm.

Theo các bác sĩ tại khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, nếu bệnh nhân không điều trị dinh dưỡng kịp thời, trong quá trình điều trị các khối u, bệnh nhân sẽ gặp phải một số vấn đề như tăng nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng xuất hiện, kéo dài, hiệu quả điều trị ung thư giảm, thậm chí tử vong.

Trên cơ sở phân loại, đánh giá nhu cầu, thể trạng bệnh nhân, các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng liệt kê có các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết phải bổ sung cho bệnh nhân, gồm nhóm chất đạm (có trong thịt, cá, trứng, sữa…), nhóm chất béo (các loại dầu, mỡ, bơ…), nhóm tinh bột (gạo, yến mạch, mì, bún…), nhóm chất xơ và vitamin, khoáng chất. Tùy theo tình trạng của các bệnh nhân, các bác sĩ, dinh dưỡng viên sẽ phân loại, thiết lập chế độ dinh dưỡng để bổ sung, cân bằng cơ thể của mỗi người.

Bác sĩ Trần Tứ Quý, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết, một trong những hoạt động nổi bật của bệnh viện chính là duy trì các suất ăn hỗ trợ bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn. Điều đáng nói, với sự kết hợp về mặt chuyên môn, đánh giá thể trạng, nhu cầu của bệnh nhân, các bác sĩ phụ trách công tác dinh dưỡng đã chủ động bồi bổ sức khỏe, thể trạng cho bệnh nhân trước, trong quá trình điều trị.

“Đây là sự chuẩn bị, đồng hành cần thiết bởi điều trị ung thư là một hành trình dài, nhiều khó khăn, người bệnh cần được chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe, tinh thần. Mỗi một trường hợp trong, sau điều trị, hoá trị đều có một biểu hiện khác nhau như đau, mệt mỏi, khó nuốt, khô miệng, viêm loét… Nếu bác sĩ dinh dưỡng không đồng hành tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn về chế độ ăn uống thì hiệu quả điều trị ung thư sẽ bị cản trở, thậm chí tác dụng ngược”, bác sĩ Quý cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.