Gỡ khó cho ngành y tế: Bài 2: Khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư

.

Thời gian vừa qua, công tác đấu thầu, mua sắm vật tư y tế trên cả nước, trong đó có các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý trong công tác đấu thầu, mua sắm.

Người dân gặp khó khăn khi các loại thuốc, vật tư y tế không được mua sắm kịp thời do vướng thủ tục.  Ảnh: PHAN CHUNG
Người dân gặp khó khăn khi các loại thuốc, vật tư y tế không được mua sắm kịp thời do vướng thủ tục. Ảnh: PHAN CHUNG

Khó đáp ứng các quy định

Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế như hiện nay, Sở Y tế đang tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu cho hai gói thầu đấu thầu tập trung cấp địa phương tại Sở Y tế cung cấp bổ sung thuốc năm 2022 - 2023 (mua sắm các thuốc hủy thầu do không lựa chọn được nhà thầu trong đợt đấu thầu năm 2021) và cung cấp vị thuốc cổ truyền năm 2022 - 2023 cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Dự kiến, kết quả trúng thầu sẽ được áp dụng từ quý 2-2023. Để bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám và điều trị trong thời gian chờ kết quả đấu thầu tập trung cấp địa phương năm 2022 - 2023, Sở Y tế đã hướng dẫn các cơ sở y tế chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện mua sắm bổ sung thuốc theo quy định của Bộ Y tế.

Theo đó, giám đốc 3 bệnh viện hạng 1 (gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng) chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ các bước đấu thầu để mua sắm bổ sung thuốc, bao gồm cả việc tổ chức thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế còn lại trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc bổ sung lên Sở Y tế để thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thực hiện các bước tiếp theo của quy trình đấu thầu mua sắm bổ sung thuốc.

Theo bác sĩ Phạm Thị Kim Chi, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế, việc thực hiện hồ sơ mua sắm theo các văn bản hướng dẫn hiện hành theo quy định của Trung ương vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

“Đơn cử như việc quy định giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 3 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác bảo đảm đủ 3 báo giá. Trên thực tế, các đơn vị đã đăng công khai thư mời chào giá trên website của đơn vị và gửi thư mời chào giá trực tiếp đến các đơn vị cung cấp nhưng đến thời hạn, các đơn vị vẫn không nhận được đủ 3 báo giá cho từng mặt hàng để tham khảo làm cơ sở xây dựng giá dự toán. Điều này dẫn đến phải lập thư mời nhiều lần, tốn thời gian và không đáp ứng kịp thời cho công tác chuyên môn phục vụ người bệnh”, bác sĩ Chi cho biết.

Cần linh hoạt xử lý

Theo phản ánh của một số cơ sở y tế, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất là hàng hóa bán hàng phải có ủy quyền, một số mặt hàng chỉ có 1-2 công ty được ủy quyền phân phối, ngoài ra một số trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất đặc thù cả nước chỉ có một vài nhà sản xuất hoặc nhập khẩu, do đó không thể khảo sát đủ 3 báo giá.

“Hầu hết hàng hóa phụ kiện thay thế cho trang thiết bị y tế là chuyên dụng và chủ sở hữu chỉ ủy quyền duy nhất cho 1-2 nhà phân phối khu vực được mua bán tại Việt Nam, việc cung cấp 3 báo giá là điều không thể thực hiện được. Chưa kể, quy định giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày lại càng khó. Bởi có rất ít loại trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất có giá trúng thầu trong khoảng 30 ngày để các đơn vị tham khảo, áp dụng theo quy định này”, lãnh đạo một bệnh viện chia sẻ.

Hiện nay, việc sử dụng các thiết bị y tế được cho mượn hoặc trở nên phổ biến, phù hợp trong bối cảnh ngân sách Nhà nước, nguồn thu sự nghiệp và các nguồn hợp pháp để đầu tư có hạn. Theo Sở Y tế, hiện nay có 7/17 bệnh viện trực thuộc có sử dụng máy xét nghiệm được các đơn vị cung ứng hóa chất, vật tư cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

“Tuy nhiên, trong năm 2022, Bộ Y tế đã có công văn bãi bỏ vấn đề này nhưng không hướng dẫn cụ thể lộ trình thực hiện cũng như quy định về thuê, cho, tặng máy xét nghiệm. Hiện các đơn vị gặp khó khăn trong việc đầu tư mua sắm hệ thống máy xét nghiệm cũng như thuê các hệ thống máy xét nghiệm. Nếu thực hiện đấu thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm trước thì việc thuê máy mang tính chỉ định do phải sử dụng máy phù hợp với hóa chất xét nghiệm đã mua sắm và ngược lại, nếu thực hiện thuê máy trước thì việc đấu thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm cũng mang tính chỉ định thầu. Ngoài ra, chưa có thông tin tham khảo có tính pháp lý về giá thuê máy xét nghiệm”, bác sĩ Chi cho biết thêm.

Bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, từ thực tế công tác phòng, chống Covid-19 trong 2 năm qua trên cả nước, trước yêu cầu cấp bách phải cung ứng đủ, kịp thời trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch đã có cơ sở y tế mượn hàng hóa giữa các đơn vị và với nhà cung cấp. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, phức tạp, khả năng dự báo dịch khó khăn, việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế có nguy cơ rủi ro cao (nguy cơ hàng hóa mua không sử dụng hết gây lãng phí hoặc nguy cơ thiếu hàng hóa dẫn đến không đáp ứng yêu cầu chuyên môn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe nhân dân).

Thực tế này khiến các đơn vị y tế nhiều khả năng sẽ vi phạm các quy định mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản khi phải lựa chọn việc đặt tính mạng, sức khỏe nhân dân lên trên hết và trước hết. “Để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay, Sở Y tế đã triển khai các văn bản, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương và của thành phố đến các cơ sở y tế. Trong trường hợp nhận được báo cáo của các đơn vị về khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền, Sở Y tế kịp thời có các văn bản báo cáo Bộ Y tế và UBND thành phố để xin được hướng dẫn, xử lý.

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về công tác mua sắm, đấu thầu, đặc biệt trong quy định xây dựng giá dự toán, giá gói thầu; quy định mua sắm hàng hóa có tính chất “độc quyền” trong phân phối, hàng hóa mang tính chất đặc thù (hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện sử dụng duy nhất) để tương thích với hệ thống, máy, thiết bị hiện có; hướng dẫn việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, hàng hóa trong một số tình huống phải đáp ứng ngay yêu cầu cấp bách cho công tác phòng, chống dịch và nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh”, bác sĩ Trình kiến nghị.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.