Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết hiện Bộ Y tế đã xây dựng nhiều kịch bản, quy trình để người dân đến khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Công tác phân luồng, khám sàng lọc ban đầu tại Bệnh viện K. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết hiện Bộ Y tế đã xây dựng nhiều kịch bản, quy trình để người dân đến khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Thông tin với báo chí bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 8-4, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khuyến cáo tất cả người dân cần tự bảo vệ mình, hạn chế tối đa phải đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế trừ trường hợp cần thiết, cấp cứu. Khi bắt buộc phải đến khám, người dân phải đảm bảo phương tiện phòng hộ, đeo khẩu trang, làm theo đúng hướng dẫn, quy trình...
Nâng cấp phòng ngừa trong các cơ sở y tế
Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết ngay khi phát hiện ca bệnh người Thụy Điển đến Bệnh viện Việt-Pháp, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, đến Viện Huyết học truyền máu Trung ương thì phát hiện dương tính, Bộ Y tế, Tiểu ban điều trị đã đề xuất Trưởng Tiểu ban, giáo sư Nguyễn Trường Sơn cùng các tiểu ban khác thống nhất nâng cấp phòng ngừa ở các bệnh viện, toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh được nâng lên một cấp mới. Tức là coi những người bệnh đến khám, cấp cứu, bệnh nhân mới ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh như là đối tượng, có khả năng truyền bệnh, có triệu chứng, các vấn đề liên quan đến Covid-19, để các bệnh viện nâng cao cảnh giác, không bỏ sót, kịp thời phát hiện, không để lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có văn bản số 1898/CĐ-BCĐQG về tiếp tục tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến với các Trưởng ban Chỉ đạo, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cả nước chỉ đạo cơ sở y tế. Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Giám đốc các Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) trên toàn quốc tăng cường giám sát việc thực hiện chỉ đạo này.
Các cơ sở y tế cần thực hiện nâng cấp, cảnh giác hơn ngay từ khi người bệnh bước chân vào cổng bệnh viện, từ bảo vệ đến khu vực cách ly. Các bệnh viện thực hiện tùy theo điều kiện, bố trí cơ sở tiếp đón nằm ngoài cơ sở khám chữa bệnh, tránh nguồn lây xâm nhập vào các cơ sở y tế. Tất cả người dân đến khám ở các cơ sở khám chữa bệnh cần liên hệ trước, tìm hiểu thông tin trước khi đến. Các cơ sở y tế củng cố đường dây nóng tư vấn cho người bệnh, các phương pháp mà người bệnh muốn tìm hiểu về bệnh, hẹn khám, qua công nghệ thông tin giúp tư vấn cho người bệnh thật đầy đủ, chỉ khi nào thật cần thiết mới đến khám, cấp cứu tại cơ sở y tế.
Các bệnh viện xem xét các ca cần phẫu thuật, mổ phiên thì hoãn, giãn, làm chậm lại nếu được; cho thuốc bệnh nhân mãn tính như huyến áp, tim mạch, tiểu đường… trước là 1 tháng thì nay cấp từ 2-3 tháng tùy tình trạng bệnh.
Với trường hợp người bệnh được đến khám, điều trị tại bệnh viện, phải thực hiện đúng quy định giường bệnh cách ly cách nhau 2m; người khám cũng cách nhau 2m trong lúc chờ đợi. Các biện pháp dự phòng này bắt buộc các cơ sở y tế phải triển khai nghiêm túc, các cơ sở cùng vào cuộc để luôn luôn cảnh giác, giúp người bệnh đến cơ sở y tế an toàn, đồng thời đảm bảo an toàn cho các thầy thuốc, cơ sở khám chữa bệnh có được nguồn lực, các thầy thuốc luôn trong tư thế khỏe mạnh, hùng hậu, đủ điều kiện chiến đấu chống lại dịch bệnh…
Một vấn đề nữa là hiện số lượng người bệnh đến khám, điều trị, người bệnh nội trú đã giảm, các bệnh viện cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thực hiện sách lược, chiến lược nhân lực điều trị. Tức là các bệnh viện cần chia thành 2-3 kíp, các kíp cách nhau khoảng từ 7-14 ngày. Nếu không may có 1 kíp gặp người bệnh dương tính thì chỉ cách ly 1 kíp, kíp sau lại tiếp tục công việc, luôn luôn có lực lượng ứng trực trong các cơ sở khám chữa bệnh. Đây là việc quan trọng nhằm bảo toàn lực lượng, tránh như một số bệnh viện vừa rồi, khi có ca dương tính thì toàn bộ bệnh viện phải đóng cửa, không có đủ nhân lực. Đề nghị các bệnh viện thực hiện nghiêm, đề phòng trường hợp xấu nhất vẫn có nhân lực chiến đấu với dịch bệnh…
Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê khẳng định hiện Bộ Y tế đã xây dựng nhiều kịch bản, quy trình để người dân đến khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn hiện nay. Ví dụ như là việc chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid-19, bệnh nhân đái tháo đường, ung thư… trong dịch bệnh, hướng dẫn người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe tại nhà theo nguyên lý y học gia đình, phục hồi chức năng với người mắc Covid-19… Do đó, tất cả người dân cần tự bảo vệ mình, hạn chế tối đa phải đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế trừ trường hợp cần thiết, cấp cứu.
Người dân tìm hiểu kỹ căn bệnh trước khi đến khám, có liên hệ trước đặt lịch khám. Khi bắt buộc phải đến khám thì người dân phải đảm bảo phương tiện phòng hộ, đeo khẩu trang, làm theo đúng hướng dẫn, quy trình. Đây là những việc làm cần thiết với người dân và các cơ sở y tế để chúng ta có được thế trận tốt nhất phòng ngừa và chiến đấu chống lại đại dịch này…
Nỗ lực hết sức điều trị các ca bệnh Covid-19
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, đến sáng 8-4, Việt Nam ghi nhận 251 ca dương tính với SARS-CoV-2. Các bệnh nhân đang được điều trị tại 21 cơ sở y tế. Đây là các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài ra còn có các bệnh viện tuyến tỉnh, chuyên khoa lao phổi, bệnh viện tuyến huyện cũng tham gia điều trị cho người mắc Covid-19.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê chia sẻ, điểm đáng mừng là hàng ngày số lượng bệnh nhân dương tính ít hơn số người được chữa khỏi. Hiện số ca dương tính được chữa khỏi đã chiếm hơn 50% số ca bệnh với có 126 người được chữa khỏi, còn 125 người đang tiếp tục điều trị. Trong đó, chỉ có 5 ca phải thở máy, 2 người bệnh được tiến hành ECMO. Đêm 7-4 có 1 bệnh nhân diễn biến rất nặng (là bác của bệnh nhân số 17), đã 3 lần ngừng tuần hoàn. Các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tích cực cứu chữa dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các Giáo sư đầu ngành, đến nay bệnh nhân đã tạm ổn định.
Đa số các bệnh nhân khác đều được điều trị theo phác đồ nền của Bộ Y tế và các phác đồ đang thử nghiệm, phác đồ mới của các nước. Việt Nam cũng đang tích cực triển khai một số nhóm giải pháp khác như phối hợp cùng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và hệ thống các viện huyết học để tiến hành lấy máu, chiết tách huyết tương của người khỏi bệnh nghiên cứu, sử dụng cho người bệnh nặng theo phác đồ đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cùng với các phác đồ của nước bạn như Cuba, Nhật Bản, Pháp đã khuyến cáo. Tiểu ban điều trị thường xuyên cập nhật các phác đồ điều trị này.
Các bệnh nhân mắc Covid-19 mà có nhiều bệnh nền mãn tính, sau khi điều trị cho kết quả âm tính với virus SARS- CoV-2 sẽ được chuyển về các bệnh viện tuyến chuyên khoa sâu để điều trị tiếp. Đây là một chiến lược điều trị. Bởi hiện các bệnh viện bệnh truyền nhiễm đầu ngành được giao nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nếu các ca khỏi bệnh này mà còn bệnh nền thì nên chuyển sang cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu, điều trị chuyên khoa sâu sẽ tốt hơn…
Các bệnh viện đầu ngành, chuyên khoa sâu, các bác sỹ chuyên khoa giàu kinh nghiệm đang lập mạng lưới để thực hiện mục tiêu cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nặng cũng như bệnh nhân có bệnh lý nền khi hết giai đoạn điều trị trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương...
Theo Vietnam+