Nâng cao chất lượng dân số: Đòi hỏi cấp thiết

.

Thời gian qua, chất lượng dân số của Đà Nẵng cải thiện rõ rệt nhưng về chiều cao, cân nặng, tầm vóc và sức bền thể lực của người dân vẫn chưa đạt yêu cầu như mong đợi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như: vấn đề tiếp cận sớm với tư vấn khám sức khỏe trước hôn nhân và hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh còn hạn chế. Vì vậy, đã có những đứa trẻ ra đời bị hội chứng down và các bệnh như: tăng động, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ…

Khám thai định kỳ tại Trạm Y tế xã Hòa Nhơn.
Khám thai định kỳ tại Trạm Y tế xã Hòa Nhơn.

Nhiều địa phương vẫn chưa làm tốt hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Điều đó do nhận thức và hiểu biết của người dân còn hạn chế, đồng thời cũng do kinh phí dành cho công tác truyền thông về lĩnh vực này chưa thực sự được chú trọng, nhất là lĩnh vực truyền thông và dịch vụ chuyên biệt cho đối tượng vị thành niên, thanh niên chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, tình trạng mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn ở tuổi vị thành niên, thanh niên đang diễn ra phức tạp, dẫn đến chất lượng dân số kém.

Vấn đề nữa ảnh hưởng đến chất lượng dân số là việc chăm sóc người cao tuổi chưa tốt. Thành phố đã có hệ thống an sinh xã hội cho trẻ em, có nhiều trung tâm chăm sóc trẻ em nhưng chưa có “trung tâm chăm sóc người già”. Một vấn đề khác liên quan đến chất lượng dân số là mức sinh, tỷ số giới tính khi sinh ở Đà Nẵng đang có nhiều sự khác biệt. Ở huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ có mức sinh đạt mức thay thế, nhưng ở 2 đơn vị hành chính đông dân nhất là quận Thanh Khê và Hải Châu thì mức sinh đang có chiều hướng thấp.

Tỷ số cân bằng giới tính khi sinh ở Đà Nẵng đạt chỉ tiêu dưới 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Mức sinh thấp là vấn đề rất đáng quan tâm, vì nếu không sinh đủ những thế hệ thay thế trong một thời gian dài sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và khiến quy mô dân số thay đổi. Mức sinh thấp trong thời gian dài cũng sẽ có những tác động sâu sắc đến cơ cấu dân số. Đó là số người cao tuổi (65+) ngày càng tăng trong khi số người được sinh ra ngày càng ít, dẫn đến lực lượng lao động thiếu hụt.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã xác định một nội dung quan trọng là nâng cao chất lượng dân số. Đây cũng là tiền đề để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam trong tình hình mới. Trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngay trong giải pháp thứ nhất đã xác định: “Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp”. Về giải pháp bảo đảm nguồn lực đã xác định: “Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho công tác dân số, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao... nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là đối tượng chính sách”. Mục tiêu của công tác dân số đến năm 2030 là nâng cao tuổi thọ, trình độ học vấn, chiều cao; tăng số lượng khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát dị tật bẩm sinh…

Nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, vấn đề tăng cường truyền thông rất quan trọng. Bên cạnh đó, một số địa phương cần sớm đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ để nâng cao vai trò của trẻ em gái trong gia đình và xã hội; tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định lựa chọn giới tính thai nhi. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các biện pháp khác, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mới có thể nâng cao được chất lượng dân số trong thời gian tới.   

                                                         Bài và ảnh: MINH PHÚC
 

;
;
.
.
.
.
.