Đổi mới công tác cai nghiện

.

Với nhiều cách làm sáng tạo trong cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lần đầu nghiện ma túy và triển khai mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”, cũng như từng bước xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức cai nghiện…, thành phố Đà Nẵng đã kiểm soát hiệu quả tình trạng người nghiện phát sinh trên địa bàn.

Điều trị cắt cơn cho một đối tượng nghiện ma túy tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng. Ảnh: T.VÂN
Điều trị cắt cơn cho một đối tượng nghiện ma túy tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng. Ảnh: T.VÂN

Thực hiện thí điểm từ năm 2015, công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lần đầu sử dụng trái phép chất ma túy bắt đầu với 100 em, được phân công cụ thể cho từng tổ chức, hội, đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Mỗi hội nhận giúp đỡ, cảm hóa 30-40 em.

Với nguồn kinh phí khoảng 1 tỷ đồng do thành phố đầu tư, các hội, đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động sâu sát như: đến nhà thăm hỏi, tìm hiểu nguyên nhân, hỗ trợ việc làm cho các đối tượng. Một cán bộ phụ trách công tác xã hội phường Chính Gián (quận Thanh Khê) chia sẻ, việc tiếp cận các đối tượng này không hề dễ dàng. Anh và các cựu chiến binh phải đến nhà nhiều lần mới gặp được.

Có nhiều đối tượng tránh mặt, thậm chí có thái độ bất lịch sự đối với cán bộ địa phương. Thế nhưng, lâu dần, chính tình cảm, sự quan tâm, hỗ trợ của các đoàn thể, chính quyền đã giúp các đối tượng thay đổi. Và bây giờ, nhiều em còn trở thành “cánh tay nối dài” của cán bộ để giúp những bạn đồng cảnh tiến bộ. Kết quả, chỉ sau năm đầu thí điểm đã có 73 em tiến bộ, không tái nghiện.

Từ đó đến nay, đây được xem là chương trình hiệu quả được duy trì triển khai và nhân rộng trên địa bàn thành phố với 153 em tiến bộ, phần lớn các em đều có việc làm.

Song song đó, ngành LĐ-TB&XH thành phố cũng đã triển khai hiệu quả mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”, thực hiện thí điểm tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), những nơi được xem là điểm “nóng” về ma túy.

Theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, tình trạng thanh-thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng nhiều và có xu hướng trẻ hóa trong khi xử lý các đối tượng này chủ yếu bị phạt hành chính rồi giao cho gia đình quản lý.

Bởi vậy, đã có nhiều trường hợp tái phạm và lôi kéo thêm nhiều người khác cùng nghiện. Sau khi triển khai mô hình, đã có hơn 100 em tham gia vào 2 câu lạc bộ; trong đó 98% em trong số đó tiến bộ, 15 em được hỗ trợ học nghề, học văn hóa, 22 em có việc làm ổn định. Hơn cả những buổi giáo huấn, các em đã thấy được sự quan tâm của cộng đồng và được tiếp thêm niềm tin để trở về, hòa nhập cộng đồng.

Cùng với đó, thành phố thực hiện đa dạng hóa các hình thức cai nghiện như: cai nghiện tập trung; cai nghiện tại gia đình - cộng đồng; điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc nam tại Bệnh viện Y học cổ truyền…

Đồng thời, chính việc hướng dẫn các địa phương thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy ở các phường, xã đã giúp việc nắm bắt tình hình người nghiện sâu sát, cụ thể hơn. Thành phố cũng giao trung tâm y tế các quận, huyện, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng thực hiện việc điều trị cắt cơn, giải độc ma túy (thay cho các trạm y tế).

Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người mới nghiện được tham gia cai nghiện tại gia đình – cộng đồng và khắc phục được tình trạng cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện ở các trạm y tế chưa bảo đảm.

Tuy vậy, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn hàng trăm người nghiện không có việc làm, việc làm không ổn định, vẫn còn nhiều trường hợp tái nghiện… Điều đó cho thấy cuộc chiến với ma túy vẫn còn cam go, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa không chỉ của các cấp, ngành, địa phương mà còn của toàn xã hội.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.
.