Xã hội

Dịch vụ cho thuê trọ sôi động đầu năm học mới

10:40, 28/08/2023 (GMT+7)

Thời điểm này, lượng lớn sinh viên các tỉnh, thành phố tập trung về Đà Nẵng để chuẩn bị cho năm học mới. Theo đó, nhu cầu thuê phòng trọ của sinh viên tăng cao, kéo theo không khí mua bán tại khu vực xung quanh các trường đại học, cao đẳng cũng sôi động.

Mua bán tại các khu vực xung quanh trường đại học, cao đẳng trở nên sôi động khi sinh viên bắt đầu tập trung nhập học. Trong ảnh: Nhộn nhịp cảnh mua bán tại chợ Bắc Mỹ An, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: VIỆT ÂN
Mua bán tại các khu vực xung quanh trường đại học, cao đẳng trở nên sôi động khi sinh viên bắt đầu tập trung nhập học. TRONG ẢNH: Nhộn nhịp cảnh mua bán tại chợ Bắc Mỹ An, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: VIỆT ÂN

Phòng trọ nhiều, giá ổn định

Ghi nhận tại một số khu vực xung quanh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn thành phố, nhu cầu tìm kiếm, thuê trọ, căn hộ của sinh viên tăng mạnh. Theo một số chủ nhà trọ, giá thuê phòng không thay đổi so với năm trước, số lượng phòng trọ vẫn bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của sinh viên. Khảo sát tại một số khu vực ở quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, loại phòng có diện tích nhỏ khoảng 10-15m2, không có sẵn nội thất thường có giá thuê dao động từ 2-2,5 triệu đồng/tháng.

Đối với loại phòng dạng căn hộ (apartment), giá thuê dao động từ 3,5-7 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các chi phí điện, nước… Còn tại các khu vực đông sinh viên trên địa bàn quận Liên Chiểu, giá phòng trọ thấp hơn khoảng 30% so với các quận khác, dao động từ 700.000 đồng - 2 triệu đồng/tháng đối với loại phòng trọ bình dân và 2,5-4 triệu đồng/tháng đối với nhà cấp 4 nguyên căn dành cho nhóm sinh viên.

Sau nhiều lần loay hoay tìm phòng trọ tại khu vực quận Liên Chiểu, em Hoàng Thị Lan, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã tìm được căn hộ ưng ý có giá 3 triệu đồng/tháng với diện tích khoảng 20m2, được trang bị đầy đủ tiện nghi như điều hòa, máy giặt, tủ lạnh…

Đây là mức giá phù hợp đối với phân khúc căn hộ. Theo đó, Lan phải cọc 2 tháng tiền thuê và trả tháng đầu tiên, mức giá thuê trên sẽ không thay đổi trong vòng 1 năm. “Nhiều nơi còn phòng nhưng giá quá cao so với mức chi trả của em, thường dao động từ 4-7 triệu đồng, giá mềm hơn thì phòng lại không ưng ý. Phải mất 2 tuần em mới tìm được nơi này, em dự định sẽ ở chung với một người bạn để tiết kiệm chi phí thuê phòng”, Lan chia sẻ.

Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu và thu hút khách thuê, nhiều chủ trọ đã sửa chữa, cải tạo và nâng cấp thêm nhiều tiện ích. Bà Lê Thị Phúc, chủ một dãy trọ ở đường Dũng Sĩ Thanh Khê (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho biết, vừa qua, bà đã trang bị thêm máy nước nóng năng lượng mặt trời, thang máy, cửa khóa vân tay, máy giặt chung…

Hiện 15/20 phòng trọ của gia đình bà đã có người thuê, 5 phòng trống còn lại cũng được sinh viên đặt cọc và sẽ đến ở khi nhập học. Được biết, giá thuê trọ không thay đổi so với trước, khoảng 2 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các chi phí điện, nước. “Lượng khách trả phòng nhiều, phải gồng gánh lãi ngân hàng mỗi tháng khiến tôi rất lo lắng. Bước vào năm học mới, nhiều sinh viên đã đến xem và thuê trọ nên tôi rất phấn khởi. Mong rằng, lượng khách thuê sẽ đều và ổn định như hiện tại”, bà Phúc nói.

Chợ, quán cơm sôi động

Trong khi đó, tại một số khu vực xung quanh các trường đại học, cao đẳng, không khí mua bán cũng sôi động trở lại. Bà Trần Thị Thanh, tiểu thương quầy hàng rau, củ, quả tại chợ Bắc Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, sinh viên bắt đầu nhập học nên lượng người đi chợ cũng đông đúc hơn, sức mua tăng dần so với thời điểm đầu tháng. Tuy vậy, giá cả một số mặt hàng không thay đổi nhiều, một số loại tăng nhẹ từ 2.000-5.000 đồng/kg.

Còn chị Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương kinh doanh quầy hàng đồ gia dụng tại chợ Hòa Khánh Nam (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) thông tin, những ngày này, rất đông sinh viên ghé đến chợ để sắm sửa thiết bị, các mặt hàng gia dụng như dụng cụ làm bếp, bát đũa, cây lau nhà, chổi, bình siêu tốc, nồi cơm, bàn là, máy sấy tóc… Giá các mặt hàng tăng nhẹ khoảng 2-5%, cụ thể như ấm siêu tốc tăng trung bình 5.000 đồng/sản phẩm; giá đựng bát đũa 65.000 đồng/bộ chất liệu nhựa, 105.000 đồng/bộ chất liệu inox; muỗng ăn giá 20.000 đồng/chục. “Trong tháng này, tôi đã 3 lần nhập hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng mạnh của khách hàng, đặc biệt là nhóm sinh viên, công nhân”, chị Hạnh nói thêm.

Tại các cửa hàng kinh doanh mặt hàng chăn, ga, gối, nệm, từ giữa tháng 8 tới nay, nhiều sản phẩm “cháy hàng” do nhu cầu mua sắm cao của người dân. Chị Phạm Thị Yến Nhi, chủ cửa hàng chăn, ga, gối nệm Hoàng Lâm (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bày tỏ, thời điểm này, lượng sinh viên nhập học rất đông, kéo theo sức mua cũng tăng mạnh, cửa hàng phải liên tục bổ sung sản phẩm để kịp thời cung cấp cho khách hàng.

Một số mẫu nệm gấp kích thước từ 1,6-1,8m, độ dày từ 9cm đổ lại được cửa hàng bán với giá từ 250.000-450.000 đồng/sản phẩm; chăn có giá dao động từ 150.000-400.000 đồng/chiếc tùy loại. Đối với một số khu vực đông sinh viên như đường Phạm Như Xương, Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Châu Thị Vĩnh Tế, Dũng Sĩ Thanh Khê… không khí mua bán cũng bắt đầu nhộn nhịp. Anh Đỗ Duy Hải, chủ quán cơm bình dân trên đường Dũng Sĩ Thanh Khê cho hay, khi sinh viên trở lại nhập học, quán ăn đã tăng lượng nguyên liệu so với 2 tháng trước. Giá cả các món ăn chỉ tăng nhẹ từ 2.000 đồng/phần nhưng vẫn bảo đảm khẩu phần ăn phù hợp để các sinh viên đủ sức khỏe học tập.

CHIẾN THẮNG - VIỆT ÂN

.