Tiếng hát để đời, trái tim nhân hậu

.

ĐNO - Tâm hồn chị vốn dĩ nhạy cảm với từng giai điệu, từng cung bậc âm thanh nên khi nhìn ra cuộc đời rất dễ chạnh lòng trước những cảnh thương tâm, bất hạnh. Sau khi dâng hiến cho đời giọng hát “không giống ai” qua những ca khúc vượt thời gian, chị để tâm thực hiện cho bằng được một số việc mà chị gọi là “sự nghiệp nhân đạo nho nhỏ” của mình.

Chân dung NSND Tường Vy trên bìa một tập ca khúc của chị.
Chân dung NSND Tường Vy trên bìa một tập ca khúc của chị.

20 năm trước, tôi gặp NSND Tường Vy lần đầu tại Trung tâm Nghệ thuật tình thương thành phố Đà Nẵng khi chị cùng Hội đồng Nghệ thuật của trung tâm chuẩn bị cho “tuổi lên 3” của đơn vị. Lúc đó, một chút ngỡ ngàng pha lẫn nể trọng giọng ca Tiếng đàn Ta-lư hiện ra trước mắt mình chứ không phải là những âm vực cao chót vót trong ca khúc để đời của nhạc sĩ Huy Thục.

Được vinh danh ngay từ tác phẩm đầu tay

Sở hữu giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) và kỹ thuật thanh nhạc hoàn hảo, NSND Tường Vy được xem là một trong những giọng ca huyền thoại của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Mọi người biết đến chị qua các ca khúc nổi tiếng như Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta-lư, Bóng cây Kơ-nia, Em là hoa Pơ-lang… nhưng ít ai biết rằng chị còn là một nhạc sĩ sáng tác, trong đó tác phẩm đầu tay Phi đội ta xuất kích là một trong 10 bài hát truyền thống của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam.

Ngày 3-4-1965 diễn ra một chiến công vang dội: người phi công đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam bắn rơi máy bay phản lực của Hoa Kỳ trên cầu Hàm Rồng. Không lâu sau đó, NSND Tường Vy kể, chị cùng hai người nữa - bác sĩ Từ Giấy và nhà văn Hữu Mai, đi thực tế lên Sân bay Đa Phúc (nay là Sân bay Nội Bài). Bác sĩ Từ Giấy khảo sát, nghiên cứu về chế dộ dinh dưỡng dành cho phi công. Nhà văn Hữu Mai thâm nhập thực tế, về sau cho ra đời Vùng trời, bộ tiểu thuyết 3 tập.

NSND Tường Vy và “phó tướng” Nguyễn Đăng Tâm đồng hành cùng Trung tâm Nghệ thuật Tình thương Đà Nẵng hơn 20 năm qua
NSND Tường Vy và “phó tướng” Nguyễn Đăng Tâm đồng hành cùng Trung tâm Nghệ thuật Tình thương Đà Nẵng hơn 20 năm qua

Chị đi xem từng chiếc máy bay, gặp từng phi công trong các biên đội, đặc biệt là biên đội công kích do phi công Phạm Ngọc Lan chỉ huy cùng với 3 người khác là các ông Phạm Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương. Ông Lan người Điện Nam, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), về sau được phong Thiếu tướng, được nhiều người biết đến với tư cách là phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trong cuộc không chiến nói trên.

Ông Hồ Văn Quỳ là người Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), ở gần nhà chị. Trong mắt chị, ông là một phi công dũng cảm, hiền lành, từ nông dân trở thành chiến sĩ, về sau ông làm Giám đốc Sân bay Đà Nẵng. Trong bài ông đăng trên bích báo ở cơ quan ngày đó, chị đọc được câu “Phi đội ta xuất kích ra đi là mang chiến thắng trở về”, như một tiếng kèn vang khúc khải hoàn giữa không trung.

Phi đội ta xuất kích mở đầu bằng cảnh xuất quân: “Rộn ràng tung cánh bay phi đội ta xuất kích. Đại bàng vút cao lên trời mây. Trận đầu ta đã mang chiến thắng. Dâng Tổ quốc mẹ hiền mến yêu” và kết thúc bằng khúc khải hoàn của người phi công đồng hương với chị “Phi đội ta xuất kích ra đi là mang chiến thắng trở về”.

Tác phẩm đầu tay của giọng hát “Cô gái vót chông” được giải nhì toàn quốc cuộc thi viết ca khúc về quân đội do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Thấy chị nhận thưởng được 160 đồng, nhạc sĩ Huy Thục nói đùa rằng “chừng đó không bằng tiền vợ tôi nấu xôi gấc bán”. Chị rất vui, dù sao cũng được cùng với cây đại thụ âm nhạc Văn Cao, tác giả ca khúc Hành khúc Không quân Việt Nam, được mời đến dự họp mặt nhân ngày truyền thống Không quân Việt Nam không lâu sau đó.

Sau khi được Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu trong chương trình ca nhạc, Phi đội ta xuất kích qua cầu nối sóng phát thanh đã lan tỏa mạnh mẽ và nhanh chóng chiếm được cảm tình của chiến sĩ bất kể đang chiến đấu trên mặt đất hay giữa bầu trời cao rộng của Tổ quốc.

“Sự nghiệp nhân đạo nho nhỏ”

Chị lật từng tấm ảnh trong cuốn album nhỏ, đôi mắt chìm trong hồi ức. Nghỉ hưu ở tuổi 55, với gia tài âm nhạc của mình, chị “bẻ lái” cuộc đời mình sang một hướng mới: chia sẻ nỗi đau, sự bất hạnh của trẻ em khuyết tật, trẻ em thiệt thòi. Trung tâm Nghệ thuật Tình thương (NTTT) Hà Nội ra đời, sau đó thêm hai trung tâm nữa ở Đà Nẵng và Quảng Nam.

NSND Tường Vy (giữa) tại Chương trình nghệ thuật “Chị là hoa Tường Vy” tổ chức tại Tam Kỳ, Quảng Nam, tháng 8-2014.
NSND Tường Vy (giữa) tại Chương trình nghệ thuật “Chị là hoa Tường Vy” tổ chức tại Tam Kỳ, Quảng Nam, tháng 8-2014.

Trung tâm NTTT Đà Nẵng được thành lập từ ngày 8-4-1997. Bấy giờ, anh Nguyễn Đăng Tâm vừa rời chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Điện ảnh tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, được chị mời về cộng tác với chức danh Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm. Không có nơi tập hát, tập múa cho học viên, hai chị em chạy đôn chạy đáo mượn mặt bằng. Về sau, với sự hỗ trợ của UBND thành phố Đà Nẵng và các tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm, trung tâm đã có một cơ ngơi ổn định ở phường Bắc Mỹ An, nay là phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.

Tại cơ sở mới này, việc dạy các học viên khuyết tật, thiệt thòi ngày một thuận lợi hơn.

Còn nhớ, tháng 6-2001, trong liên hoan văn nghệ dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lúc NSND Tường Vy đồng ca bài hát do chị sáng tác Đời cho em những nốt nhạc vui cùng các em Trường Nguyễn Đình Chiểu, Làng Hy Vọng, Làng SOS và Trung tâm NTTT Đà Nẵng, khán giả vỗ tay giữ nhịp. Không ít người rưng rưng nước mắt khi tiếng hát trẻ thơ hòa giọng với một ca sĩ nổi tiếng khắp nước.

Lần đó, gây ấn tượng nhất cho khán giả là phần biểu diễn của các em khiếm thị và khiếm thính. Từ Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, em Nguyễn Vũ Nhật đến liên hoan với bài hát Chỉ có một trên đời bằng một chất giọng đầy cảm xúc. Tiếng đàn bầu của em Hà Văn Chương như lời tự tình chói ngời niềm tin vào cuộc sống từ một thế giới không có ánh sáng. Da diết hơn, sâu lắng hơn, tiếng hát của em Lê Thị Thanh Thuỷ qua bài hát Em lắng nghe tiếng đời của NSND Tường Vy (các em thường gọi là Mẹ Vy) cứ to nhỏ với người xem một tâm sự: “Mẹ yêu ơi, xin đừng đi xa. Tình yêu ơi, xin đừng phôi pha...”.

Hà Văn Chương sau đó tham gia và đạt giải Nhất cuộc thi hát dành cho trẻ em thiệt thòi toàn quốc ở Quảng Trị với bài Em lắng nghe tiếng đời. Đây là một trong những bài hát của chị có ca từ chị thích nhất: “Em không thấy trời xanh. Em không thấy Tiên Sa, không thấy núi Sơn Trà mà chỉ nghe lời ru buồn của bà, lời ru buồn của mẹ đêm đêm trong tiếng dân ca…”. Bài hát như một “giấy thông hành” để chàng trai khiếm thị này bước vào chân trời nghệ thuật và được cả nước biết đến với nghệ danh Hà Chương.

Tâm hồn chị vốn dĩ nhạy cảm với từng giai điệu, từng cung bậc âm thanh nên khi nhìn ra cuộc đời rất dễ chạnh lòng trước những cảnh thương tâm, bất hạnh. Sau khi dâng hiến cho đời giọng hát “không giống ai” qua những ca khúc vượt thời gian, chị để tâm thực hiện cho bằng được một số việc mà chị gọi là “sự nghiệp nhân đạo nho nhỏ” của mình.

Đến thăm Làng Hy vọng, chị viết bài Hoa hy vọng, sau đó được dịch ra tiếng Anh, nếu có khách nước ngoài tới là các em ở làng hát thêm lời tiếng Anh. “Ai đem cây hoa rừng về trồng trong vườn chúng em. Rồi đặt tên là hoa hy vọng. A! Hy vọng như cuộc đời của em. Từ nay không bơ vơ ngoài rừng, không lang thang ngoài đường. Em như cây trồng trong vườn có mẹ hiền có tình thương và có niềm tin hy vọng”.
Ca từ như một bài thơ thấm đẫm tình người. Chị cười rất tươi khi nói đến chi tiết các em ở làng chọn bài này làm “Làng ca” và “không cho ai hát, bài hát này là của chúng con”.

“Một bông hoa không tuổi”

Hôm rồi nói chuyện với chị qua điện thoại, chị bảo đang dự họp đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội. Giờ thì chị vừa qua cơn đột quỵ, không hát được nữa.

Từ khi nghỉ hưu đến tuổi 80 chị vẫn tham gia giảng dạy âm nhạc, giáo dục nhân cách bằng âm nhạc, hát biểu diễn cùng các cháu ở các nhà hát lớn, hát ở các nhà trường thì theo kiểu “xung kích” gọn nhẹ. “Chị cùng các cháu hát về mẹ, về Bác Hồ, về tình yêu thương giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Qua đó, các em dấy lên tình thương với các trẻ em khuyết tật, thiệt thòi trong xã hội”, giọng chị có vẻ tiếc nuối.

Chị dành những năm tháng còn lại của đời mình cho hàng trăm đứa con ở 3 Trung tâm NTTT, sức khỏe không cho phép chị làm được gì nhiều hơn để xoa dịu những bất hạnh, tổn thương, thiệt thòi của những cảnh đời mà chị xem như chính con mình. Học trò chị nhiều người nay đã thành công trên hoạt động nghệ thuật, trong đó nổi tiếng có thể kể đến: Giáng Son (nhạc sĩ), Linh Nga (diễn viên), Khánh Thi (kiện tướng Dancesport), Đồng Quang Vinh (chỉ huy dàn nhạc dân tộc)...

NSND Tường Vy (giữa) và các NSƯT quân đội chụp hình lưu niệm nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hà Nội.
NSND Tường Vy (giữa) và các NSƯT quân đội chụp hình lưu niệm nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hà Nội.

Đại tá, nhạc sĩ Huy Thục, trong lần ghé thăm Trung tâm NTTT Đà Nẵng cuối tháng 12-2003 đã ghi mấy dòng lưu niệm: “Làm ở trung tâm này không có chữ Tâm thì không đạt được cái đích là Trung tâm NTTT. Đã thương thì phải có Tâm. Có Tâm thì có tất cả”.

Phải chăng khi người ta trải lòng ra với nỗi đau của đồng loại thì thời gian trở nên “bất lực” trước trái tim của họ? Tôi đồng ý với nhiều người, rằng “NSND Tường Vy là một bông hoa không tuổi”. Tác giả Lê Đức nhận xét về chị trong bài viết NSND Tường Vy - giọng ca “huyền thoại” của nền tân nhạc Việt Nam đăng trên emdep.vn, chuyên trang báo chí điện tử thuộc Tạp chí điện tử Thế giới di sản ngày 26-8-2015 như sau:

“Tường Vy đã vượt qua bệnh tật, khó khăn về kinh phí và vượt qua cả thời gian, tuổi tác để trở thành một người đàn bà không tuổi trên hành trình xây dựng những bến đỗ yêu thương, hạnh phúc cho các em nhỏ, cho “những trái tim không tật nguyền”. NSND Tường Vy xứng đáng là một bông hoa trong làng nghệ thuật, một huyền thoại của nền âm nhạc Việt Nam”.

Tường Vy (Trương Tường Vy - 19-8-1938) nữ ca sĩ, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân, quê Tam Kỳ, Quảng Nam. Nhập ngũ năm 1954, trung tá (1984), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1962. Năm 1954 - 1965, y tá quân y. 1956 – 1992 diễn viên đơn ca Đoàn ca múa quân đội, biểu diễn thành công nhiều ca khúc Xa khơi, Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta-lư, Người lái đò trên sông Pô-cô,… Đã biểu diễn trên sân khấu Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên Xô, một số nước Đông Âu và châu Mỹ La tinh...

Huy chương Vàng tại Liên hoan giọng hát hay toàn quốc (1962). Huy chương Vàng tại liên hoan ca nhạc quốc tế Xô-phi-a (1968), Liên hoan nhạc quốc tế Beclin (1969). Giải nhì toàn quốc Phi đội ta xuất kích, giải ba toàn quốc Quê hương anh là biển cả (1964). Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1962 – 1982). Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (1962 – 1982). Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất… Đã nghỉ hưu.

Nguồn: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.