"Sống chậm" thời Covid-19

.

Mỗi sáng thức dậy, có cảm giác việc đầu tiên là mọi người đồng loạt mở điện thoại xem thông tin tình hình Covid-19. Ngay cả những người nông dân vốn xa lạ với các thuật ngữ y học cũng xôn xao chuyện về F1, F2… Các chàng trai trẻ còn trêu nhau rằng: Thà FA (Forever Alone, tiếng Anh có nghĩa là cô đơn) chứ không để mình lọt vào diện F1, F2…

Một phút tĩnh lặng của anh Ngô Hoàng Khả Trí dưới chân cầu Kỳ Lam, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn.                                           Ảnh: NHƯ HẠNH
Một phút tĩnh lặng của anh Ngô Hoàng Khả Trí dưới chân cầu Kỳ Lam, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn. Ảnh: NHƯ HẠNH

1. Mấy tháng nay tin tức về dịch bệnh phủ kín các trang báo. Vào mạng xã hội cũng tràn ngập những video, hình ảnh về SARS-CoV-2. Có những tin thật và cũng không ít những tin giả khiến lòng người hoang mang thêm… Dường như, những ngày người người vội vã chạy ra hiệu thuốc tranh nhau mua từng hộp khẩu trang, lọ cồn sát khuẩn, tấp cập lao vào siêu thị khuân không biết cơ man nào mì tôm, gạo, sữa về trữ trong nhà phòng dịch… đã qua, song, Covid-19 dường như vẫn là chủ đề số 1 trong những câu chuyện.

Đường phố Đà Nẵng vắng lặng hơn, đặc biệt vào buổi tối. Giữa tâm dịch, dường như nhà là nơi cho ta cảm giác an toàn nhất. Cũng đã lâu lắm rồi nhiều người mới có cảm giác được ăn cơm nhà đúng nghĩa. Đó là bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình quây quần, có đầy đủ món ăn mà mọi người ưa thích. Cả nhà vừa ăn vừa rôm rả bàn chuyện trên trời dưới đất. Hạnh phúc giản dị ấy dường như lâu nay, không ít người vội quên trong nhịp sống tất bật.

Nhiều ông chồng thú nhận rằng, lâu nay toàn ăn cơm hàng, cháo chợ. Chiều về thì nhậu sương sương tới tối, có biết cơm nhà là cái gì đâu! Giờ dịch bệnh tràn lan, quay về ăn cơm vợ nấu mới biết con không thích ăn trứng, vợ dị ứng với tôm… Mỗi bữa ăn, thấy vợ loay hoay xúc cơm đứa lớn, gỡ xương cá cho đứa bé, trong khi chén cơm của mình chan canh nguội ngơ nguội ngắt, bỗng dưng thấy tự trách bản thân lâu nay vô tình quá đỗi.

2. Trong khi nhiều phụ huynh quá mệt mỏi vì phải đánh vật với bọn trẻ nghỉ học dài ngày thì một số gia đình vì công việc đã chọn cách đưa con về quê chơi với ông bà nội, ngoại. Ở quê không khí trong lành, vườn tược xanh um, thức ăn sạch, bổ dưỡng.

Trẻ con tha hồ chạy nhảy, chơi đùa những trò chơi dân dã mà ở thành phố dường như chỉ còn hiện hữu trong những trang sách. Về quê trốn dịch, những đứa trẻ hầu như bỏ quên thói quen suốt ngày dán mặt vào ti-vi, điện thoại. Những ngày này, đối với chúng, cánh đồng xanh tít tắp, bầu trời xanh trong đầy mây trắng bay và cả dòng sông xanh thì thầm kể chuyện là thế giới diệu kỳ, đầy hấp dẫn.

Chị Nguyễn Như Trang, công nhân Nhà máy dệt Hòa Thọ đã rất mừng khi mỗi chủ nhật về quê thăm con đã nhận ra rằng bọn trẻ đã lớn khôn từng ngày, biết giúp đỡ và yêu thường ông bà hơn xưa rất nhiều. Rất nhiều người cho rằng, những ngày biến động vì Covid-19 là một phép thử để mỗi người soi lại mình, biết mình cần gì và sẽ sống như thế nào cho ý nghĩa hơn.

Anh Ngô Hoàng Khả Trí, một cán bộ trẻ hiện đang giảng dạy tại khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng trong những ngày nghỉ dịch đã thử sống chậm như thời “ông bà ta”. Rủ thêm một bạn đồng hành chí cốt, cùng với chiếc máy ảnh, anh và bạn lang thang tìm hiểu các vùng quê Quảng Nam.

Những cánh đồng lúa Điện Thọ, Điện Tiến… cúi đầu ngậm hạt ngọt ngào một mùi đồng nội thanh tân, một cánh chim sơn ca bay vút lưng trời, hay một phút tĩnh lặng bên ruộng ngô dưới chân cầu Kỳ Lam, xã Điện Quang trong một chiều tắt nắng…

Tất cả đều được Khả Trí và bạn ghi lại trong những tấm ảnh tư liệu sinh động. Trở về với thiên nhiên là trở về với nguồn cội của mỗi người. Ở đó tâm hồn con người được thanh lọc những bụi bặm xô bồ, những tính toán hơn thua đời thường để mỗi người có thêm năng lượng làm việc và cống hiến. Đó là tâm sự của anh Trí và nhiều bạn trẻ chính gốc dân thành phố về những ngày qua.

Cũng không lạ gì khi những ngày tránh ra đường, tránh tụ tập đám đông và ngồi yên ở nhà sau giờ làm việc, nhiều người đã giật mình nhận ra lâu nay mình đã trở thành cái bóng trong căn nhà, khu phố của mình. Cây hoàng lan nhà hàng xóm lâu nay vẫn lặng lẽ nở trong đêm và gởi hương cho gió đưa đi nhưng tối nay ngồi trước hiên uống trà mới loáng thoáng nhận ra…

3. Mỗi  lần đọc “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân đều rất thích cái cảnh anh cu Tràng dắt vợ về xóm ngụ cư. Trong mảng màu tái ngắt đầy chết chóc vì đói của làng quê hồi ấy, cái “đám cưới” có một không hai của hai kẻ sắp chết vì đói đã vẽ lên một nét màu tươi tắn đến lạ.

Không phải nhắc lại để mà so sánh bởi nói như ai đó, mọi sự so sánh đều khập khiểng. Nhưng mỗi lần nhìn cảnh rước dâu trong những ngày Covid-19 hoành hành, tự dưng lại thấy, chẳng có gì có thể ngăn được khát vọng được yêu thương, được hạnh phúc của con người.

Tất nhiên, không đợi đến khi thành phố có chủ trương, cách tổ chức cưới trong những ngày Covid-19 diễn biến phức tạp được các gia đình chủ động điều chỉnh sao cho phù hợp. Các gia đình đã chọn được ngày lành tháng tốt thì không thể hoãn cưới. Không thể hoãn những lễ nghi vốn có từ xưa tới nay, nhiều gia đình hoãn đãi tiệc ở nhà hàng, mà chọn tổ chức thành bữa cơm gia đình ấm cúng.

Chỉ có điều số người đi đón, đưa dâu ít lại. Thậm chí nhiều gia đình không thuê ô-tô đưa, rước dâu như lệ thường mà chọn xe máy đi cho gọn nhẹ và có khoảng cách an toàn. Cô dâu chú rể và quan viên hai họ đều đeo khẩu trang kín mít. Chỉ có đôi mắt biết nói nhìn nhau chan chứa ân tình.

Ông Nguyễn Đình Trãi, cán bộ hưu trí ở phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) đã định ngày cưới cho con trai từ một năm trước. Những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, cả hai họ hội họp online bao nhiêu lần rồi mới đi đến nhất thống là hoãn tiệc cưới đã đặt tại một nhà hàng trên đường 2 Tháng 9. Chỉ tổ chức lễ rước dâu gọn nhẹ đúng ngày lành đã định. Không tổ chức tiệc tùng ăn uống. Hai họ cùng uống với nhau chén rượu mừng hạnh phúc của các con.Lọ chi phải cầu kỳ mâm cao cỗ đầy mới đủ lễ nghi ngày cưới.

Những tưởng nhiều bạn trẻ sẽ rất buồn khi đám cưới của mình được rút gọn hết mức có thể trong mùa dịch. Nhưng thật ra tuổi trẻ bây giờ dường như cũng rất mệt mỏi với kiểu mô hình cưới quy mô với hàng trăm khách mời. Chú rể Nguyễn Thanh Sơn và cô dâu Bùi Diệu Ái đã rất thích thú với hôn lễ gọn nhẹ và đặc biệt rước dâu bằng xe máy của mình. Họ cho rằng, đám cưới mùa Covid-19 là một kỷ niệm đặc biệt trong đời. Nó như một phép thử về tình yêu và hạnh phúc.

Cuộc sống như một dòng sông chảy không ngơi nghỉ. Những lo âu rồi cũng qua khi mỗi người đều tìm cho mình một nhịp sống thích hợp. Sống chậm giữa Covid - 19 là một trong những cách phòng dịch tốt nhất mà mỗi người có thể làm lúc này.

Như Hạnh

;
;
.
.
.
.
.