Những con đường Đà Nẵng

Hùng Vương - con đường "vua"

10:06, 08/04/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Con đường mang tên vua Hùng Vương chỉ kéo dài vài cây số nhưng có vai trò, ý nghĩa hết sức đặc biệt so với các con đường khác trên toàn thành phố, xứng đáng là con đường “vua”.

Đường Hà Nội xưa! nay là đường Hùng Vương, con đường buôn bán sầm uất nhất nhì Đà Nẵng.
Đường Hà Nội xưa - nay là đường Hùng Vương, con đường buôn bán sầm uất nhất, nhì Đà Nẵng.

Phố mua sắm sầm uất

Cũng dễ hiểu, khi đường Hùng Vương thường xuyên đón một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, mua sắm nên mật độ phương tiện giao thông vào loại đông của thành phố. Tiếp nối với đường Lý Thái Tổ, đường Hùng Vương bắt đầu từ ngã tư Hoàng Hoa Thám - Lý Thái Tổ nối mạch thẳng tới đường Bạch Đẳng. Cùng với các tuyến đường song song như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, đường Hùng Vương trở thành mạch giao thông xuyên suốt, kết nối quận Hải Châu - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của toàn thành phố với các khu vực lân cận.

Tồn tại lâu đời và gắn với hoạt động thương mại, nhắc đến đường Hùng Vương không thể không kể đến hoạt động nhộn nhịp của hai chợ nổi tiếng: chợ Hàn và chợ Cồn.

Chợ Hàn nằm ở ngã ba đường Hùng Vương - Bạch Đằng, hai mặt còn lại tiếp giáp với đường Trần Phú và Phạm Hồng Thái. Đây là điểm dừng chân không thể thiếu khi du khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng. Những sản phẩm mang hương vị quê hương, như: mực, cá khô, các loại mắm, bánh khô mè… bày bán la liệt với những lời mời chào hấp dẫn. Đối với người dân địa phương, chợ Hàn cũng là trung tâm mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng mỗi ngày.

Chợ Hàn trên đường Hùng Vương, điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến tham quan Đà Nẵng.
Chợ Hàn trên đường Hùng Vương, điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng.

Ngược lên phía trên, chợ Cồn nằm ngay ngã tư Hùng Vương - Ông Ích Khiêm cũng không kém phần nhộn nhịp. Trong tương lai, nơi đây sẽ được xây dựng thành trung tâm thương mại sầm uất, đồ sộ. Con đường Hùng Vương chắc chắn cũng sẽ “bận rộn” hơn trong việc đón đưa khách thập phương đến tham quan, mua sắm.

Phía góc bên kia đường, trung tâm thương mại Vĩnh Trung Plaza là điểm mua sắm, ẩm thực, giải trí rất đa dạng. Vĩnh Trung Plaza - nơi có siêu thị bán lẻ nổi tiếng Big C - luôn tấp nập người lui tới mỗi ngày. Trước sảnh chính hướng ra đường Hùng Vương, từng đoàn xe đến rồi đi thay nhau đưa đón khách khiến con đường vốn đã đông đúc, nhộn nhịp này càng trở nên tất bật hơn. Chạy dọc cả con đường là những cửa hàng kinh doanh thời trang, điện máy, đồ gia dụng, trang sức… mọc lên san sát.

Vĩnh Trung Plaza, trung tâm mua sắm, ẩm thực, giải trí tổng hợp trên đường Hùng Vương
Vĩnh Trung Plaza, trung tâm mua sắm, ẩm thực, giải trí tổng hợp trên đường Hùng Vương

Nằm trên con đường chuyên về hoạt động kinh doanh, Nhà hát Trưng Vương tọa lạc giữa đoạn đường Hùng Vương giao với hai con đường song song Nguyễn Chí Thanh và Phan Châu Trinh tạo nên sự khác biệt rõ nét.

Đây là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Các chương trình ca nhạc, kịch nói, múa rối thiếu nhi… thường xuyên được tổ chức, thu hút hàng ngàn lượt người tham dự. Trái ngược với sự xô bồ, náo nhiệt tại các chợ, cửa hàng, siêu thị chạy dọc đường Hùng Vương là những tiếng reo hò, vỗ tay tán thưởng của khán giả trước những tiết mục nghệ thuật đặc sắc luân phiên xuất hiện bên trong Nhà hát Trưng Vương.

Ngã tư Hùng Vương – Trần Phú những ngày đầu thế kỷ XX
Ngã tư Hùng Vương - Trần Phú những ngày đầu thế kỷ XX

Sức sống bền bỉ

Xen lẫn giữa sự xa hoa, sang trọng của các hàng quán, vẫn còn đâu đây nhịp sống bình dị của những người lao động bình dân. Đó là hình ảnh của cô bán hàng sách cũ ở góc ngã tư đường - nơi giới trẻ vẫn chen chúc tìm đến và gọi nhau bằng một cái tên hết sức trân quý - “cảo thơm hè phố”.

Hay như hình ảnh những bác thợ sửa đồng hồ, may giày dép ngày qua ngày vẫn cặm cụi hoàn thiện những tiểu tiết bị lỗi của khách hàng mà quên bẵng đi cái ồn ào, náo nhiệt chung quanh. Chỉ khiêm tốn trên diện tích “cửa hàng” chưa rộng đến 1m2 ngay sát vỉa hè nhưng cái nghiệp đã theo họ cả chục năm nay, đủ để thấy nhịp sống trên con đường này không những ồn ã, náo nhiệt mà cũng bền bỉ vô cùng.

Nhà hát Trưng Vương, nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn.
Nhà hát Trưng Vương - nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị,  văn hóa quy mô lớn - tọa lạc trên đường Hùng Vương

Màn đêm buông xuống, mạch sống sôi động trên đường Hùng Vương vẫn không lắng xuống. Những cửa hiệu thời trang sặc sỡ ánh đèn hay cửa hàng băng đĩa với những bản nhạc du dương say đắm lòng người vẫn tấp nập đón khách.

Khuya. Khi bóng người đi đường thưa dần, chỉ còn mỗi ánh đèn đường hắt xuống tạo thành một vệt màu vàng dài tít tắp thì đường Hùng Vương lại thu hút người dân và du khách bởi những quán ăn vỉa hè mang đậm phong cách Đà Nẵng.

Những quán bún chả cá, riêu cua, cá ngừ mang tên Cô Anh, Bà Lữ, Chị Ngân… hay quán cháo trắng không tên ngay góc ngã tư Hùng Vương - Phan Châu Trinh vẫn luôn tấp nập khách lui tới. Một bữa ăn khuya ngay góc đường, rất dân dã, thi vị, đủ để “tiếp sức” cho những ai muốn dạo bước khám phá Đà Nẵng về đêm.

Hiếm khi thấy đường Hùng Vương “ngủ yên” trong tĩnh lặng. Ngay cả khi tiếng chổi quét đường của chị lao công xào xạc ở góc phố hay ngã tư đường, ánh đèn dầu của các bà, các mẹ bán trứng lộn vẫn đung đưa theo gió thì các tiểu thương ở chợ Hàn, chợ Cồn cũng đã lục đục nhập hàng về để kịp cho phiên chợ lúc chưa bình minh.

Những điều đó đủ để thấy rằng, nhịp sống trên con đường Hùng Vương luôn liền mạch, tiếp nối.

PHAN CHUNG

.