Tình người ở thôn Nhơn Thọ 2

.

Không chỉ thành lập, duy trì hiệu quả các mô hình tiết kiệm để giúp đỡ người nghèo, nhiều năm qua, Chi hội Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 2 (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) còn phân công hội viên thay phiên nhau giúp công lao động cho các gia đình neo đơn, già yếu và chăm sóc những người bệnh tật, có hoàn cảnh bất hạnh.

Chị Phan Thị Minh Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 2, đến nhà chăm sóc, giúp đỡ bà Võ Thị Trưng bị tai biến. 		                  Ảnh: PHƯƠNG TẤN
Chị Phan Thị Minh Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 2, đến nhà chăm sóc, giúp đỡ bà Võ Thị Trưng bị tai biến. Ảnh: PHƯƠNG TẤN

Nói đến gia cảnh của bà Võ Thị Trưng (64 tuổi) ở thôn Nhơn Thọ 2, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Phiên (67 tuổi) bị tai biến nằm một chỗ hơn 20 năm nay; bản thân bà Trưng cũng bị tai biến, không tự đi lại, sinh hoạt được gần 7 năm qua. Hai phận đời chỉ trông chờ vào người con trai duy nhất là anh Nguyễn Văn H. (28 tuổi). Nhưng anh H. cũng vừa điều trị bệnh phổi tại bệnh viện suốt 3 tháng nay, sức khỏe còn rất yếu.

Thấy hoàn cảnh của bà Trưng như thế, Ban chấp hành Chi hội Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 2 đã bàn bạc, thống nhất mỗi tháng hỗ trợ gia đình bà 300.000 đồng và 30kg gạo. Ngoài ra, cứ 2 ngày một lần, chị em phụ nữ trong chi hội đến tắm rửa cho bà Trưng, giặt giũ áo quần, quét dọn nhà cửa giúp bà. Nhà hội viên nào có việc gì nhẹ nhàng đều gọi anh H. (con bà Trưng) đến phụ giúp để anh có thu nhập. Anh H. bày tỏ: “Tôi không biết nói gì để cảm ơn sự cưu mang, giúp đỡ của Chi hội Phụ nữ. Bản thân tôi không làm được việc nặng nhọc nên các cô tìm việc nhẹ cho tôi làm. Hằng ngày, tôi đi cắt cây ngũ sắc, ngũ ngày (để chế biến thuốc nam), rồi mang về nhà chặt nhỏ, phơi khô. Sau đó, các cô đến thu gom rồi mang bán hộ. Nếu ngày nào không mệt, tôi kiếm được 60.000 - 70.000 đồng, tuy ít nhưng tằn tiện thì cũng đủ mua thức ăn cho ba mẹ”.

Chị Phan Thị Minh Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 2 chia sẻ, số tiền và gạo hỗ trợ hằng tháng cho bà Trưng được trích từ 2 mô hình “Hũ gạo tình thương” và “Thùng rác văn minh” của chi hội. Mô hình “Hũ gạo tình thương” được thành lập hơn 10 năm nay nhằm kêu gọi, vận động hội viên hằng tháng đóng góp gạo sẻ chia với người nghèo khó. Mô hình này mỗi năm tiết kiệm 500kg gạo. Mô hình “Thùng rác văn minh” thành lập gần 3 năm nay, mỗi năm tiết kiệm 3 triệu đồng. Với tất cả số tiền và gạo tiết kiệm, Chi hội Phụ nữ trích ra một phần để cấp phát quà cho người nghèo vào những ngày cận Tết; một phần được chi hội giữ lại và cho những người khác có nhu cầu vay mượn không lãi để chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Với những gia đình có hoàn cảnh bất hạnh, chi hội nhận hỗ trợ thường xuyên hằng tháng bằng tiền và gạo từ 2 mô hình này.

Cũng theo chị Nguyệt, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, từ sự tiết kiệm, gom góp của hội viên, Chi hội Phụ nữ đã trao tặng 16 suất quà cho người nghèo trong thôn, mỗi suất 500.000 đồng tiền mặt và 10kg gạo. Chi hội còn tích cực đến tận nhà các mạnh thường quân, những gia đình có kinh tế khá giả xin kinh phí để hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh bất hạnh, mắc bệnh hiểm nghèo.

Nhận thấy những việc làm thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc của Chi hội Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 2, nhiều phụ nữ trong thôn tự nguyện góp công, góp sức. Điển hình như bà Trần Thị Tuyết tự đến nhiều nhà dân thu gom chai lọ để ủng hộ chi hội; bà Trần Thị Thu đến nhà anh Nguyễn Văn H. chở các loại cây thuốc nam mà anh phơi khô để mang đi bán hộ… Nhiều người nói rằng, chị Phan Thị Minh Nguyệt đã làm tốt vai trò nòng cốt, huy động được sức mạnh của tập thể hội viên chi hội góp công, góp sức để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh bất hạnh, và qua đó tình người lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

PHƯƠNG TẤN

;
;
.
.
.
.
.