Vì một Đà Nẵng xanh, sạch, đáng sống

Với mong muốn làm giảm nguy cơ quá tải rác thải, ùn tắc giao thông ở Đà Nẵng, các sinh viên xây dựng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có tính khả thi cao và bước đầu được ứng dụng thực tiễn.

Giữa tháng 12, cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố năm 2019 do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Thành Đoàn tổ chức đã khép lại với giải nhất chung cuộc thuộc về đề tài “Nghiên cứu thiết kế phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước” của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).

Tác giả của đề tài này là 6 sinh viên ngành Kỹ thuật tàu thủy, gồm: Võ Anh Khoa, Trần Văn Nhật, Trương Văn Bình, Lê Thanh Trãi, Võ Văn Khoa và Đinh Văn Hiệp. Trưởng nhóm Võ Anh Khoa chia sẻ, ý tưởng chiếc tàu thu gom rác xuất phát từ những quan sát của nhóm về thực trạng ô nhiễm tại các hồ, đầm, khu vực mặt nước ở Đà Nẵng, đặc biệt là sau mỗi trận mưa lớn. Có kiến thức về ngành tàu thủy, chàng sinh viên năm cuối bắt tay thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học giúp giải quyết tình trạng này, xem đây là dự án tâm huyết trước khi tốt nghiệp.   

Sau khoảng nửa năm tìm tòi, nghiên cứu, tính toán thiết kế, Khoa cùng nhóm bạn bắt đầu xây dựng mô hình với 2 vật liệu chính là thép và composite. Chiếc máy của nhóm đặc biệt ở khả năng di chuyển cả dưới nước lẫn trên bờ, phù hợp cho việc dọn dẹp bãi biển. Đặc biệt, chiếc máy này chạy bằng điện nên không phát ra khí thải. Máy có tốc độ tối đa là 12km/giờ, có thể chạy 10 tiếng liên tục sau mỗi lần sạc. Khoa cho biết, hiện mô hình thử nghiệm của chiếc máy đang được sử dụng để thu gom rác ở hồ thực nghiệm của Trường Đại học Bách khoa. Khi đưa ra thị trường, máy sẽ có kích cỡ khoảng một chiếc ô-tô bán tải.

Một đề tài khác cũng được đánh giá cao tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố năm 2019 là “Ứng dụng LORA (giao thức truyền thông tầm xa không dây, năng lượng thấp) trong cảnh báo ùn tắc và phân luồng giao thông giờ cao điểm” của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). Nhóm trưởng Lê Đặng Thái Phong cho biết: “Ùn tắc giao thông là vấn đề nan giải với hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, Đà Nẵng cũng đang đứng trước nguy cơ này. Ùn tắc giao thông ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Bản thân các thành viên trong nhóm cũng từng “chịu trận” trong những cơn ùn tắc vào giờ cao điểm trên đường phố Đà Nẵng. Đó là động lực để nhóm tìm giải pháp cảnh báo, phân luồng giao thông, góp phần giúp thành phố trở nên đáng sống hơn, xanh, sạch hơn”.

Với sự hướng dẫn của ThS. Phạm Duy Dưỡng và các thầy cô giáo trong Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, Lê Đặng Thái Phong, Phan Hồng Đức, Hoàng Quốc Phong, Từ Quốc Thành và Huỳnh Đình Sâm đã xây dựng đề tài về giao thông của mình trong hơn 1 năm. Hệ thống giúp người đi đường biết được tình trạng giao thông ở phía trước, giảm thiểu lưu lượng xe lưu thông tập trung trên cùng 1 tuyến đường, điều hướng phương tiện giao thông không đi vào nơi xảy ra ùn tắc. Ngoài ra, hệ thống còn có thể truyền nhận dữ liệu thông tin trong thành phố về nhiều mặt trong đời sống, góp phần xây dựng thành phố thông minh.

Trong khi đó, ở Trường Đại học Duy Tân, một nhóm sinh viên đã nghiên cứu và chế tạo hệ thống giám sát khí thải carbon monoxide (CO), giành giải khuyến khích cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố năm 2019. Trưởng nhóm Đinh Trung Tứ (Khoa Điện - Điện tử) cho biết, hệ thống có thể thu thập, lưu trữ và báo cáo dữ liệu đo đạc theo thời gian thực. Việc trao đổi dữ liệu được thực hiện qua kết nối không dây giữa các thiết bị, các số liệu theo dõi được quản lý bằng phần mềm và đưa ra cảnh báo trong trường hợp ô nhiễm không khí.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Văn Hoàng cho biết, cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp thành phố được tổ chức thường niên từ năm 2017, góp phần nâng cao tinh thần nghiên cứu khoa học và phong trào sáng tạo của sinh viên Đà Nẵng. Bên cạnh thúc đẩy việc áp dụng hiệu quả các đề tài khoa học vào sản xuất và đời sống, cuộc thi còn tạo nguồn ý tưởng mới, chất lượng để giới thiệu cho các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp trên địa bàn thành phố. Năm nay, các đề tài dự thi có sự tăng trưởng rõ rệt về cả số lượng lẫn chất lượng. Tại lễ trao giải cuộc thi, lãnh đạo Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, một trong những doanh nghiệp khoa học công nghệ của Đà Nẵng, khẳng định sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên theo học ngành cơ khí đến nhà máy để sử dụng các máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học.

Ông Trần Văn Hoàng bày tỏ, cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố đang ngày càng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng có thể luân phiên đăng cai tổ chức triển lãm sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ kết nối với cơ quan Nhà nước, chính quyền để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.